DSG

Đã đến lúc Việt Nam phải quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế như là thước đo cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam.

LTS: Việt Nam lần đầu tiên lọt nhóm nền kinh tế có “Chỉ số tự do kinh tế ở mức trung bình”. Đây cũng là “động năng” để năm 2045 Việt Nam trở thành một nước vươn tới sự thịnh vượng.

Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045, việc đánh giá nền kinh tế thị trường Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng và có ý nghĩa. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa mức độ tự do kinh tế, mức độ của kinh tế thị trường với sự thịnh vượng của quốc gia. Vì thế, đã đến lúc Việt Nam phải quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế như là thước đo cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam.

Thước đo phát triển

Kinh nghiệm thế giới về tự do kinh tế và khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình của các nước đang phát triển, xuyên suốt chiều dài lịch sử, tự do thương mại toàn cầu, các nền kinh tế tự do và tự do kinh tế đã mang cho loài người những lợi ích không đong đếm nổi. Những quốc gia thịnh vượng nhất cũng là những quốc gia có tự do kinh tế cao nhất.

Ở một góc nhìn khác, tự do kinh tế đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, mang lại những đặc quyền kinh tế và Việt Nam đã nhận rõ điều này.

Ở những quốc gia có tự do kinh tế cao thì tuổi thọ cao hơn, thu nhập trung bình hơn 36.000 USD, tỷ lệ người dân sống điều kiện cực nghèo rất thấp (1,8% dân số). Trong khi ở các nước có tự do kinh tế thấp thì có tới 40,5% dân số cực nghèo và có hơn 27% dân số tương đối nghèo và thu nhập bình quân chỉ ở mức 6.100 USD.

Tự do kinh tế tạo ra động năng để nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đó cũng là lý do tại sao công dân của các quốc gia tự do kinh tế hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn.

 Việt Nam lần đầu tiên lọt nhóm nền kinh tế có 'Chỉ số tự do kinh tế ở mức trung bình,' trở thành nền kinh tế tự do đứng thứ 90/178 nền kinh tế trong bảng xếp hạng năm 2021.

Việt Nam lần đầu tiên lọt nhóm nền kinh tế có 'Chỉ số tự do kinh tế ở mức trung bình,' trở thành nền kinh tế tự do đứng thứ 90/178 nền kinh tế trong bảng xếp hạng năm 2021.

Không có kinh tế thị trường là thất bại

Trên thế giới hiện nay có hai bộ chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường của các nền kinh tế trên thế giới. Bộ chỉ số thứ nhất là Index of Economic Freedom do Quỹ di sản của Mỹ xây dựng từ năm 1995. Bộ chỉ số thứ hai là Economic Freedom of the World (EFW) do Viện Fraser Institute xây dựng. Theo bộ chỉ số EFW, mức độ thị trường của Việt Nam hiện nay còn thấp.

Tuy vậy, cũng cần khẳng định rằng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là trên cơ sở nền kinh tế có đầy đủ đặc trưng của kinh tế thị trường hiện đại. Trong kinh tế thị trường hiện đại, nhà nước và thị trường không thể tách rời, bổ sung cho nhau hướng đến một thị trường hoàn hảo. Để đánh giá về mức độ tự do hóa và kinh tế thị trường cần đánh giá cả trên yếu tố mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế và hiệu lực chính phủ.

Trở lại với chỉ số nền kinh tế tự do, trong 5 nước ASEAN thuộc nhóm "tự do trung bình" thì Thái Lan đứng thứ 42, Indonesia 56, Brunei 57, Philppines 73, Việt Nam 90 vẫn còn quá nhiều việc phải làm. Nguyên nhân chính được vào lần này là do có cải thiện về tài khoá, đặc biệt là trong năm 2020. Tuy nhiên, tài khoá cải thiện trong năm qua là do tăng đầu tư công, cũng là do sức ép duy trì tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, giảm thuế, giãn thuế vì COVID... Những yếu tố này chưa thể hiện được sự bền vững. Chính vì vậy, Việt Nam phải tiếp tục cải cách quản lý, thay đổi tư duy, đẩy mạnh hơn nữa các cải cách về thể chế...

Sau 30 năm Đổi mới chúng ta đã thoát nghèo trở thành nước thu nhập trung bình. Khát vọng của chúng ta là đến khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước chúng ta đã là nước thu nhập trung bình cao. Nhưng nếu không có làn sóng cải cách đổi mới mang tính cách mạng, chúng ta vẫn sẽ chỉ dừng lại ở cái “bẫy thu nhập trung bình”.

Bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021) do Quỹ Di sản (Heritage Foundation của Mỹ) vừa công bố cho thấy năm nay, lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” (Moderately Free), tăng 2,9 điểm và tăng 15 bậc so với năm 2020. Quỹ Di sản nhận định thứ bậc xếp hạng của Việt Nam có thể tăng hơn nữa nếu Chính phủ có hành động bổ sung để tự do hóa các quy tắc đầu tư và lĩnh vực tài chính.