Khi dịch COVID-19 diễn ra, mỗi nhân viên PNJ đều thích nghi với việc bán hàng online bên cạnh kênh bán hàng truyền thống. Ảnh: S.T

Khi dịch COVID-19 diễn ra, mỗi nhân viên PNJ đều thích nghi với việc bán hàng online bên cạnh kênh bán hàng truyền thống. Ảnh: S.T

Hoảng loạn không giải quyết được vấn đề và hãy dự kiến những tác động của COVID-19 sẽ còn ở quý II/2020; do vậy doanh nghiệp “nhìn lại mình và xốc tới”.

Trước khi COVID-19 diễn ra, gần nhất chúng ta đã chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008. Khi đó, chúng ta chưa có nền kinh tế độ mở như bây giờ, cũng chưa hội nhập tài chính sâu như bây giờ. Khủng hoảng của COVID-19 bây giờ rất sát. Nếu không nhìn thẳng sẽ không nhận diện được cuộc khủng hoảng này. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam trong 3 năm qua, cũng khiến chúng ta có phần chủ quan.

Nhận diện để tập trung cho cốt lõi

Hiện COVID-19 đã tác động phần nào đến kinh tế Việt Nam với mức sụt giảm GDP ở quý I, nhưng tác động chưa thực sự thể hiện. Chúng ta cần có những tác động đón đợi ở quý II nếu đầu vào không có, đầu ra không có, thậm chí phải nhìn không chỉ quý II mà nhìn sâu hơn nữa.

Theo đó, dù khủng hoảng kinh tế còn để ngỏ nhưng phải chuẩn bị, doanh nghiệp cần phải bình tĩnh và nhìn nhận rõ dịch tác động sâu đến toàn xã hội. Từ đó xem mình ở đâu để chuẩn bị, để giữ lại cái gì và thanh lọc cái gì.

Có thể hình dung ngắn gọn chúng ta đang điều hành một con thuyền đi trên biển, đang đi gặp sóng lớn thì doanh nghiệp phải chủ động để tính toán được nên bỏ giữ, giữ gì cho thuyền tiếp tục an toàn lướt qua bão.

Doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ của các chị em, chúng ta hay “thấy người ăn khoai vác mai đi đào”. Do đó, đại dịch là lúc chúng ta nhận diện lại cốt lõi của mình, chỉ nên tập trung cho cốt lõi.

Người Việt Nam luôn có tinh thần nhân văn, lá lành đùm lá rách nên trong khi khó khăn, thường các doanh nghiệp bạn bè tôi biết ở các công ty lớn dễ dàng cắt giảm các chính sách cho nhân sự, thì các doanh nghiệp nhỏ lại rất khó để làm điều đó. Tuy nhiên chúng ta cũng phải chia sẻ, thỏa thuận với người lao động để họ cũng thấy khó khăn và có chính sách sắp xếp nuôi nhau. Nghĩa là nhìn vào và cân đối bài toán chi tiêu phù hợp.

Trong đại dịch, sẽ không đúng sai khi doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc vì doanh nghiệp cũng khó khăn. Nhưng tôi cho rằng có thể chọn phương án thay vì cắt nhân sự, có thể giảm bớt chi phí tiền lương nhằm giảm áp lực cho doanh nghiệp. Nếu không còn nguồn để nuôi quân, doanh nghiệp vẫn phải làm sao giữ được nhân sự cốt cán vì sự phát triển lâu dài. Văn hóa hành xử với người lao động rất quan trọng. Chúng ta phải lựa chọn để khi trận dịch qua đi, đã có sắp xếp sẵn sàng.

Một trong những sắp xếp sẵn sàng cho mọi tình huống, là doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản sụt giảm doanh thu bao nhiêu thì tương ứng sắp xếp bấy nhiêu. Đó là các kịch bản nhìn thẳng sự thật, xây dựng mức độ để dự kiến “key version”. Kịch bản này dựa trên
chiến lược tiền mặt và nguồn tích lũy tương ứng của doanh nghiệp. Tất cả ban lãnh đạo doanh nghiệp cùng nhìn vào, thảo luận, đưa giải pháp, chủ doanh nghiệp không nên xoay xở một mình.

Có những doanh nghiệp mà Hawee ghi nhận khi thảo luận và đưa giải pháp trên vốn có – khó khăn, đội ngũ quản lý doanh nghiệp đã tự nguyện giảm lương 50% qua đó giảm rất lớn áp lực chi phí lương. Bản thân người lao động cũng tự nguyện nên thấy thỏa mãn.

Song song, là xây dựng chiến lược thích ứng để định hướng kinh doanh trên cơ sở các diễn biến mới. Trong khó khăn, nhiều công tác nghiên cứu R&D cho sản phẩm lại phát huy hiệu quả. Tất nhiên bài toán chọn sản phẩm nào với bối cảnh ngành hàng, diễn biến nào là bài toán không thể giải chung chung mà áp dụng cho từng doanh nghiệp.

Xây dựng “văn hóa Digital”

Thời gian qua, PNJ phát triển khá nóng, thậm chí đến mức không nghĩ phát triển đến như vậy. Theo đó cũng có nhiều điều chưa làm được. Thì đây chính là lúc để bổ khuyết, lắp đầy.

Trong thời gian cách ly xã hội, PNJ triển khai làm việc qua nền tảng công nghệ, tiết kiệm thời gian nên hiệu suất làm việc tăng gấp đôi. Có những ngày chúng tôi họp tới 4 cuộc. Đây chính là một “key” để chúng tôi xác định nếu chuẩn bị được và áp dụng như vậy cho sau này, PNJ sẽ còn có những bước tiến chắc chắn và tốt hơn nhiều.

Bổ sung những gì chưa có vào nền tảng văn hóa của mình, đối với chúng ta từ trong đại dịch COVID-19 mà nhìn lại, đó là tư duy của người lao động trong toàn hệ thống với công nghệ thông tin. Trước đây PNJ đã triển khai transforming từ 2018 với ứng dụng công nghệ số. Nhưng tốc độ không nhanh vì phải thay đổi tư duy từng cá nhân trong tập thể. Sau một tuần làm việc tại nhà, ban đầu mọi người lăn tăn lắm, rồi tất cả đều quen với việc làm việc qua công nghệ thông tin.

Vì vậy đây chính là cơ hội tiết kiệm nguồn nhân lực, tăng năng suất cao hơn. Các bạn nhân viên bán hàng trước đây còn ngại livestream bán hàng, bây giờ thương mại điện tử tăng, từng nhân viên đều tự động đẩy bán hàng online. Chúng ta kêu gọi rất khó nhưng COVID-19 đẩy tất cả xuống nước bắt buộc phải bơi. Do đó, nắm bắt chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có ngay chiến lược cụ thể cho đơn vị mình.

Một điều vẫn phải nhấn mạnh là trong các giá trị nhìn lại để nắm bắt cơ hội bước tới, muốn chuyển đổi số, doanh nghiệp biết sử dụng số đồng thời phải tạo văn hóa digital trong chính nội bộ. Không có văn hóa digital thì không có doanh nghiệp digital.