g

Giá trị cà phê chỉ chiếm dăm ba phần trăm trong một cốc cà phê Starbuck bán ở New York.

Cách đây khoảng hai thập kỷ, một giảng viên trường Fulbright đã có một tính toán gây chú ý lúc bấy giờ là giá trị cà phê chỉ chiếm dăm ba phần trăm trong một cốc cà phê Starbuck bán ở New York.

Điều này cũng đúng với hầu hết các sản phẩm nông nghiệp khác. Ví dụ, một giá trị của đường trong chai nước ngọt (thực chất là nước pha đường) của Coca Cola cũng rất nhỏ.

Những con số nêu trên đưa ra một cách nhìn nghe chừng có lý và rất cám dỗ rằng giá trị cà phê hay đường nếu có tăng gấp đôi (từ 5 lên 10% chẳng hạn) thì cũng chẳng ảnh hưởng đến giá cốc cà phê hay chai nước đường bán ra. Như vậy, phần của người nông dân sẽ được rất đáng kể mà người tiêu dùng không hề quan tâm.

Thực tế là giá các sản phẩm nông nghiệp cơ bản liên tục giảm theo thời gian và đời sống của đa phần những người làm nông nghiệp vẫn có sự tiến triển chậm nhất trong xã hội.

Lý do là việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp là rất đơn giản. Công đoạn từ gieo trồng đến thu hoạch ra sản phẩm thô về cơ bản giống như công đoạn làm gia công các sản phẩm công nghiệp (như may một chiếc áo hay lắp ráp một con chíp tối tân).

Với sự tiến triển của khoa học công nghệ thì việc gieo trồng ngày một đơn giản. Điều này đồng nghĩa với việc biên lợi nhuận cho công việc này ngày một nhỏ hơn. Lợi nhuận chỉ tăng cho khâu đổi mới sáng tạo mà thôi chứ đến công đoạn của người nông dân thì ngày một teo tóp.

Trái cây độc đáo dịp tét rất dễ bị bắt chước, nhân rộng.

Trái cây độc đáo dịp tết rất dễ bị bắt chước, nhân rộng làm giảm giá trị của sản phẩm.

Có một sự ngộ nhận khác là nông nghiệp cần tập trung vào các sản phẩm độc đáo và lạ. Ví dụ việc tạo ra các hình thù độc đáo của trái cây hay hoa cho dịp tết sắp tới. Thực ra điều này chỉ đúng với các lứa đầu vì chúng rất dễ bắt chước và nhân rộng nên vài năm sau là đổ đống và giá lại là điệp khúc được mùa mất giá.

Từ hồi tôi biết nghe đài và xem tivi đến giờ, tôi thường xuyên được nghe về các điển hình tiên tiến hay mô hình sản xuất nông nghiệp giỏi. Tuy nhiên, các mô hình thường là chóng nở chóng tàn.

Thực tế cho thấy, những hộ nông dân khá giả hay có thu nhập cao là các hộ có nhiều đất. Nói cách khác thu nhập của những người làm nông nghiệp ở khắp nơi trên thế giới là do diện tích đất mà họ có trong tay. Đất đương nhiên là không thể nở ra nên để tăng diện tích đất trên một nông dân thì giải pháp là giảm số nông dân.

Một ví dụ đơn giản là để tăng gấp đôi thu nhập (sau khi đã trừ chi phí) cho nông dân ĐBSCL trong thời gian tới thì cần phải giảm hơn một nửa số lượng nông dân để những người còn lại có nhiều đất sản xuất hơn. Một nửa nông dân kia có thể lên phố bán trà đá hoặc làm những việc đơn giản trên phố sẽ có đời sống tốt hơn.

Thu nhập của người bán trà đá trên phố cao hơn người nông dân một nắng hai sương là do năng suất hay giá trị mà họ tạo ra cho xã hội cao hơn người nông dân kia chứ không phải là ngược lại như một vị đại biểu quốc hội đã phát biểu có ý coi thường những công việc đơn giản ở phố - nơi tạo ra sự đổi đời cho số đông.

Còn nữa