Để khắc phục tình trạng quy hoạch "treo" ảnh hưởng đến đời sống người dân, ngày 17/6/2020 Quốc hội ban hành Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, có hiệu lực bắt đầu từ 1/1/2021, cho phép người dân được quyền xây dựng nhà mới nếu phần đất thuộc diện quy hoạch "treo" trên 3 năm.

Theo khoản 33 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, trường hợp sau 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định. (Có nghĩa, nếu đất thuộc diện quy hoạch nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa thu hồi đất để thực hiện dự án, người sử dụng đất có quyền xin cấp giấy phép xây dựng để xây dựng nhà mới).

Đây có lẽ là thông tin mà rất nhiều người chờ đợi, bởi có rất nhiều dự án quy hoạch “treo” tại rất nhiều địa phương. Và những khu đất treo này thì người dân không thể làm gì được. Họ phải sống trong cảnh sống tạm bợ, “méo mặt” trong những căn nhà tồi tàn xuống cấp. Chính quyền thì... luôn nhận... khiếu kiện. Các doanh nghiệp tham gia thực hiện quản lý, đầu tư, xây dựng dự án thì... luôn phải tất bật chạy đôn chạy đáo cố thúc đẩy giải phóng mặt bằng nhưng có những “cỗ xe rùa” nhúc nhích cũng chẳng được là bao.

Thay vì chính quyền phải thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất để thực hiện dự án nhưng có những dự án 10 năm, hơn 10 năm, thậm chí có những dự án ngót nghét 20 năm vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Người dân thì phải thuê chỗ khác để ở do nhà cửa xuống cấp vì không được sửa chữa, cũng chỉ vì cái tiếng “trong vùng dự án”.

Dự án đường 100m Lạch Tray - Hồ Đông gần 15 năm mới giải phóng được 3% diện tích

Dự án đường 100m Lạch Tray - Hồ Đông gần 15 năm mới giải phóng được 3% diện tích

Tại Hải Phòng, có rất nhiều dự án như thế, như: dự án đường 100m Lạch Tray – Hồ Đông, gần 15 năm mới giải phóng được khoảng 3% diện tích; dự án đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí công viên hồ Phương Lưu, 10 năm trôi qua kể từ ngày có quyết định phê duyệt dự án mới chỉ giải phóng được 3 hộ có đất nông nghiệp… Khỏi phải nói, những người dân có đất thuộc diện thu hồi trong những dự án này họ đã bức xúc như thế nào.

Ông Lê Thanh Phong (Đông Hải 1) cho biết, dự án đường 100m Lạch Tray – Hồ Đông có giấy thông báo thu hồi đất gần 15 năm nay nhưng đến thời điểm này vẫn chưa triển khai. Do là dự án treo nên gia đình không được tự ý xây dựng. Hiện con tôi đã lớn, gia đình rất thiếu không gian sinh hoạt, nhiều lúc gia đình tính chuyển đi nhưng việc sang nhượng cũng rất khó vì người mua e ngại nhà của tôi nằm trong khu đất quy hoạch.

Không riêng gì gia đình anh Phong, hàng nghìn gia đình thuộc phường Đông Hải 1, Đông Hải 2, Đằng Hải, Nam Hải, Tràng Cát (quận Hải An), phường Đông Khê (quận Ngô Quyền) đang rơi vào hoàn cảnh đi cũng dở, ở cũng không xong vì dự án “treo”.

Bà Lanh (đường Phủ Thượng Đoạn, Đông Hải 1) cho biết, dân cư 2 bên đường Phủ Thượng Đoạn nằm trong dự án này, đến nay cơ sở hạ tầng ở đây đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ cần mưa nhỏ là nước ngập hết cả nhà, nhà xuống cấp bao năm rồi chưa xây dựng lại được. Một số nhà không thể sinh sống được đã tiến hành làm đơn “5 lần 7 lượt” mới được chính quyền địa phương chấp thuận cho sửa chữa, xây dựng nhưng với điều kiện phải ký cam kết “nếu dự án thu hồi sẽ không được bồi thường…”.

Ngán ngẩm, chua xót, ông Trần Văn Bách – phường Đông Hải 1 (quận Hải An) chia sẻ, mỗi khi trời mưa gia đình ông lại lo ngay ngáy vì nước tràn vào nhà. Dù thừa điều kiện để sửa sang, xây mới ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng của mình nhưng ông cũng như nhiều hộ gia đình ở đây không thể làm được điều đó. Không biết dự án còn kéo dài bao lâu nhưng trước mắt chỉ thấy người dân quá khổ, muốn xây dựng nhưng không được. Tính chuyển đi cũng không xong vì chẳng ai mua, chỉ vì cái tiếng đất nằm trong vùng quy hoạch.

Những ngôi nhà tồi tàn trong dự án mà không được sửa chữa

Những ngôi nhà tồi tàn trong dự án mà không được sửa chữa

Trước những bất cập, khó khăn trên tại rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân Hải Phòng đã liên tục kiến nghị về các dự án “treo” khiến cơ sở hạ tầng, đường xá, công trình nhà ở của nhân dân xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Và đề nghị lãnh đạo TP nghiên cứu, rà soát lại các dự án chậm tiến độ.

Tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hải Phòng khóa XV, trước kiến nghị của đại biểu HĐND thành phố, Bí thư Thành ủy nêu rõ, đối với các dự án chậm tiến độ, HĐND thành phố đã giao cho UBND thành phố chỉ đạo đôn đốc các chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án. Nếu các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, không tiếp tục thực hiện dự án, thành phố sẽ thực hiện thu hồi dự án, chuyển dự án cho nhà đầu tư khác thực hiện. Đối với những dự án chậm tiến độ, có tình trạng quy hoạch “treo”, thành phố cho phép người dân trong vùng dự án được cấp phép xây nhà 3 tầng thay vì 2 tầng. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn mòn mỏi, khốn khổ cùng các dự án “rùa bò”.

Khốn cùng, khốn khổ! người dân đang rất mong đợi vào Luật 62/2020/QH14 vừa được Quốc hội ban hành. Hy vọng Luật này sẽ đáp ứng được mong mỏi của người dân.