á

COVID-19 đã mở ra một giai đoạn mà mọi định hướng kinh doanh đều cần hướng tới một nền tảng số (Ảnh minh hoạ).

Đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây ra những tác động mạnh mẽ đến từng ngóc ngách của mỗi doanh nghiệp (DN) trên toàn cầu, trong đó nổi lên là “bài toán nhân sự”.

5 hướng thoát hiểm đầy ngoạn mục

Dịch COVID-19 như “liều thuốc thử” đo lường sức khỏe và mức độ phản ứng của mỗi doanh nghiệp. Trong “nguy” có “cơ”, theo ghi nhận của Anphabe - đơn vị tư vấn tiên phong tại châu Á về các giải pháp nguồn nhân lực hạnh phúc và thương hiệu nhà tuyển dụng, nhiều DN nhanh chóng nắm bắt tình hình và đưa ra những phương án ứng phó “tốc độ” và hiệu quả.

Với sự quyết liệt của chính phủ, Việt Nam tạm thời đã đẩy lùi làn sóng Covid thứ nhất và thứ hai. Nhưng như nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định, cuộc chiến lớn nhất – cuộc chiến kinh tế vẫn còn đang ở phía trước.

Thứ nhất, chuyển đổi số - câu chuyện tất yếu. Đại dịch COVID-19 thực ra lại là yếu tố thúc đẩy hành trình chuyển đổi số tại nhiều DN diễn ra nhanh và quyết liệt hơn bao giờ hết. Khi bắt buộc phải giãn cách xã hội, công nghệ trở thành chiếc phao cứu sinh giúp các công ty chuyển đổi sang làm việc ở nhà và hoạt động trực tuyến nhanh chóng, linh hoạt.

Như ví dụ tại tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt, tuy đã đầu tư rất sớm vào hệ thống truyền thông và kết nối nội bộ Workplace do Facebook cung cấp, nếu trước COVID-19, không dễ để thuyết phục mọi nhân viên cùng sử dụng thì giờ đây, việc dùng hệ thống này để trao đổi và làm việc nhóm đã trở nên rất thiết yếu. Công ty cũng cho biết, số lượng đơn hàng trực tuyến cũng gia tăng đáng kể dù trước đây, khá là khó để các nhân viên ở tỉnh xa “chia tay” với cách làm giấy truyền thống.

COVID-19 đã mở ra một giai đoạn mà mọi định hướng kinh doanh đều cần hướng tới một nền tảng số, mọi tổ chức từ lãnh đạo tới nhân viên đều cần tư duy số và công nghệ sẽ trở thành ngôn ngữ chung kết nối chúng ta tới tương lai.

Thứ hai, chuyển đổi chiến lược kinh doanh - nhanh và thức thời. Để thích ứng và tồn tại trong giai đoạn này, DN buộc phải liên tục thay đổi chiến lược kinh doanh, hướng tới những nhu cầu mới và thậm chí là các nhóm khách hàng mới. Tuy bị tạm ngưng đội ngũ vận chuyển bằng taxi công nghệ, Grab đã giới thiệu ngay dịch vụ đi chợ hộ Grabmart; chuỗi pizza 4P nổi tiếng vì “nói không” với dịch vụ giao hàng giờ đã phục vụ tận nơi và còn tặng thêm khách hàng danh sách nhạc riêng cho bữa trưa và bữa tối. Hay Vinamilk tập trung đẩy mạnh hàng loạt sản phẩm chuyên về sức đề kháng để đáp ứng nhu cầu tăng cường sức khỏe cho người tiêu dùng…

Dù muốn hay không, tinh thần “dám thay đổi” và tốc độ thay đổi chính là thước đo cho khả năng sinh tồn của các doanh nghiệp lúc này

Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu tổ chức -  quyết liệt chưa từng thấy. Chia sẻ với Anphabe, nhiều CEO và GĐNS cho rằng khủng hoảng Covid đã làm thay đổi nhiều vấn đề vốn bất di bất dịch, trong đó có câu chuyện cơ cấu tổ chức. Và đây cũng chính là cơ hội tốt để rà soát lại đội ngũ, thay đổi mô tả công việc ở nhiều vị trí theo xu hướng “chuyển đổi định phí thành biến phí” và tập trung vào “chiến tuyến đầu” cứu doanh thu.

Chẳng hạn nhân viên bộ phận vận hành (operation) được đào tạo để chuyển đổi thành bộ phận bán hàng (sales), thu nhập cố định theo đó sẽ giảm dần và được thay thế bằng thu nhập kinh doanh.  Đây chính là xu hướng chuyển dịch phổ biến đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp Bán lẻ, Bảo hiểm, Ngân hàng và thậm chí là Bất động sản.

Thứ tư, truyền thông nội bộ và nâng cao trách nhiệm xã hội -  việc làm cấp thiết. Thay đổi cũng đồng nghĩa với nhiều bất định và mất phương hướng trong nội bộ. Để “cách ly mà không chia xa”, doanh nghiệp phải biết tận dụng mọi cơ hội truyền thông nội bộ trên đa phương tiện và những nền tảng mới để gắn kết nhân viên, giúp họ an tâm hơn, đồng thời nắm được những ưu tiên trong hàng loạt thay đổi đang đồng loạt diễn ra.

Hiện tại, công ty vàng bạc đá quý PNJ đang sử dụng hệ thống khảo sát nhanh hàng ngày để nhân viên cập nhật nhanh về “tình hình sức khỏe”. Tổng giám đốc INSEE thì livestream về kết quả kinh doanh tới công nhân của từng nhà máy hay nhân viên Vietcredit nhảy Ghen Covid, quay lại bằng Tiktok và chia sẻ với toàn hệ thống nhờ Workplace…

Bên cạnh đó, ngoài việc giải quyết những khó khăn kinh doanh, cũng không hiếm các doanh nghiệp thể hiện tốt vai trò xã hội của mình trong việc “chung tay phòng chống COVID-19” với nhà nước.

Như việc nhân viên Saint Gobain cùng góp những ngày lương để ủng hộ 5 triệu khẩu trang chống dịch, toàn bộ ban lãnh đạo SHB tự nguyện giảm lương 30-50% cho đến khi hết dịch để dồn lực cho gói cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Hơn bao giờ hết, những giá trị cộng đồng mà các doanh nghiệp đang tạo ra trong giai đoạn này ngoài việc thúc đẩy lòng tự hào của nhân viên cũng sẽ là những điểm sáng trong Thương Hiệu Nhà Tuyển Dụng của họ trong tương lai.

Thứ năm, chỉ là khoảng nghỉ để tập trung huấn luyện và đào tạo. Nhiều DN với tầm nhìn xa cũng đã lựa chọn thời điểm này để tập trung hoạt động huấn luyện đào tạo nhằm nâng cao nội lực sẵn sàng hơn cho giai đoạn mới.

Ví dụ: Công ty bảo hiểm Prudential mới đầu tư 2 triệu đô cho hệ thống đào tạo đại lý trưc tuyến (Virtual learning studio) lần đầu tiên cho phép giảng viên tương tác với hàng trăm nhân viên từ nhiều đầu cầu y như thật. Hoặc mặc dù phải rất thận trọng với mọi chi phí giai đoạn này, INSEE Việt Nam vẫn không ngần ngại chi một khoản tiền không nhỏ để đăng ký tài khoản học trực tuyến trên LinkedIn cho toàn bộ nhân viên cấp quản lý. Công ty FE credit tập trung đào tạo kỹ năng mới cho đội ngũ là tiếp cận khách hàng qua điện thoại và bán hàng từ xa…

Nguyên lý “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” trong các trường hợp này chắc chắn sẽ mang lại những giá trị mới trong tương lai không xa cho các doanh nghiệp.

Tối ưu hóa nguồn nhân lực và cách làm việc mới

Việc sẵn sàng cho nhiều kịch bản khác nhau từ ngắn hạn đến dài hạn hậu Covid là vô cùng cần thiết. Một năng lực mới cho các lãnh đạo thời nay được nhiều doanh nghiệp nhắc tới là khả năng lên kế hoạch kinh doanh không gián đoạn (BCP – Business Continuity Plan) với nhiều tình huống và có hướng thích ứng nhanh chóng.

Trong đó, không chỉ là đảm bảo an toàn cho nhân viên và hình dung ra các cú sốc, ví dụ nếu doanh thu giảm tới 1 nửa thì phải “khởi động nút cấp cứu” thế nào, mà cốt lõi hơn là trong trật tự mới hậu Covid, cơ hội “bật dậy và bứt phá” có thể nằm ở đâu? Khách hàng đang thay đổi hành vi theo hướng nào và Danh mục sản phẩm mới có những gì để nắm bắt các xu hướng đó?

COVID-19 sẽ qua đi nhưng nhiều thay đổi nó tạo ra sẽ vẫn ở lại. Ví dụ như xu hướng làm việc từ xa, làm việc tại nhà sẽ được nhiều doanh nghiệp cân nhắc áp dụng. Các chuyển đổi nguồn nhân lực từ nhân sự cố định sang tận dụng các nguồn lực chia sẻ (freelance, nhân sự bán thời gian…) sẽ ngày càng phổ biến. Các phương thức tưởng thưởng thay đổi theo hướng giảm chi phí cố định sẽ được ưu tiên hơn. Trong bối cảnh đó, tiếp tục tận dụng các nền tảng số để đảm bảo sự mượt mà trong vận hành và gắn kết sâu trong tổ chức sẽ là yếu tố tiên quyết.

Hậu COVID-19, bên cạnh những thay đổi về mô hình kinh doanh, cách thức làm việc thì những kỹ năng mới cũng được hình thành và sẽ quyết định sự ‘sống còn’ của mỗi người đi làm, trong đó chắc chắn có năng lực sử dụng thuần thục các nền tảng công nghệ phổ biến (digital literacy). Trong khi các doanh nghiệp đang liên tục thuyên chuyển hoặc tinh giảm nhân sự theo lộ trình, về phía người lao động, nếu không tập trung phát triển khả năng “đa nhiệm”, ví dụ như nhân viên chăm sóc khách hàng cũng phải biết Sale, nhân viên Sale có hiểu biết về Marketing…, sẵn sàng tinh thần “một người làm bằng hai” để tạo ra nhiều giá trị rõ ràng hơn, thì rủi ro bị đào thải với họ cũng là rất lớn.

Ngoài ra, văn hóa hay năng lực hành vi cũng sẽ là những thay đổi, các doanh nghiệp có thể tranh thủ cơ hội này “cài đặt” cho nhân viên. Ví dụ như PNJ ngay trước thềm mùa dịch đã khởi động dự án “tái tạo văn hóa doanh nghiệp” trong đó đặt giá trị Sáng Tạo lên thành yếu tố tiên quyết.

Bà Thanh Nguyễn – Giám đốc điều hành & Truyền cảm hứng Hạnh Phúc Anphabe chia sẻ “COVID-19 tuy là một cú đấm đau thương nhưng cũng có tác dụng thức tỉnh. Tạm gác những nỗi đau về kinh tế thì đây sẽ là cơ hội để các tổ chức nhìn lại chính mình. Khi cả nước đang gồng mình chống dịch thì nhiều doanh nghiệp cũng đã kịp có những bước thay đổi thức thời và tôi tin rằng đây chính là những vũ khí thiết yếu cho các doanh nghiệp này bứt phá trong giai đoạn hậu COVID-19. Tôi cũng ghi nhận nỗ lực của nhiều doanh nghiệp đang làm hết sức để bảo vệ quyền lợi cho nhân viên và chính vì thế, đây cũng là lúc người nhân viên thể hiện trách nhiệm và tinh thần cao nhất để cùng chung tay với doanh nghiệp”.