Đó là chia sẻ của ông Vân Đình Thảo – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tuyên Quang về mục tiêu đạt trên 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong năm 2020. Đồng thời Tuyên Quang cũng sẽ tập trung đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Thời gian đăng ký thành lập Doanh nghiệp đã được rút ngắn xuống còn 8h làm việc

Trong năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tuyên Quang đã tiếp nhận 1.820 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, trong số này đã có 177 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 209 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 1.755 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp lên gần 1.700 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký trên 17.000 tỷ đồng, ông Thảo cho biết.

Tuyên Quang triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định để các doanh nghiệp đóng góp ngày càng cao vào sự phát triển kinh tế - xã hội; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp.

Việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm việc cho doanh nghiệp được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong hỗ trợ doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính trong thẩm định, đăng ký số doanh nghiệp và mã thuế. Đặc biệt, thời gian đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp hiện đã được rút ngắn từ 2,1 ngày xuống còn 8 giờ làm việc, giảm 50% so với thời gian quy định.

Ông Vân Đình Thảo – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tuyên Quang cho biết, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh hiện chiếm đến hơn 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Để trợ lực cho các doanh nghiệp, năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tuyên Quang đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành một nghị quyết chuyên biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND đã ra đời, có rất nhiều các điều khoản miễn phí cho doanh nghiệp như: trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích đối với tất cả các TTHC; các chi phí ban đầu đối doanh nghiệp thành lập mới, chuyển đổi từ hộ kinh doanh với mức hỗ trợ 4 triệu đồng/doanh nghiệp. Nghị quyết cũng dành điều khoản hỗ trợ giá trị hợp đồng tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, tự tổ chức đo lường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. 

Dây chuyền chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Woodsland

Dây chuyền chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Woodsland

Đồng thời, Tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành Đề án Phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu đạt số lượng 2.000 doanh nghiệp, tăng thu ngân sách nhà nước trên 50% và tăng tỷ lệ đóng góp khoảng 20% vào GRDP của tỉnh. Đến năm 2030, phấn đấu đạt số lượng trên 3.000 doanh nghiệp, đạt mục tiêu 30 doanh nghiệp/1 vạn dân, đưa tỷ lệ tham gia thu ngân sách nhà nước trên 55% và đóng góp khoảng 25% vào GRDP của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Tuyên Quang đã tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Các doanh nghiệp của tỉnh đã không ngừng lớn mạnh phát triển cả về quy mô, năng lực và chất lượng hoạt động. Từ năm 2016 đến nay, Tuyên Quang có khoảng gần 200 doanh nghiệp mới được thành lập, tăng mạnh so với giai đoạn trước (trung bình hơn 100 doanh nghiệp/năm). Tính đến tháng 12/2019, trên địa bàn tỉnh có 1.691 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 17.248 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng để doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh tiếp cận các nguồn lực và thị trường, phát triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh nhằm huy động và phát huy mọi tiềm lực trong tỉnh kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển. Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn; chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; ưu tiên phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do đồng bào dân tộc, phụ nữ làm chủ doanh nghiệp; tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý về khởi nghiệp.

Tuyên Quang hiện có dư địa rất lớn trong phát triển số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 24.000 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động có phát sinh doanh thu. Trong đó, có gần 23.000 hộ doanh thu dưới 1 tỷ đồng, 295 hộ doanh thu từ 1 đến 3 tỷ đồng, trên 30 hộ doanh thu từ 3 đến 5 tỷ đồng, còn lại là hộ có doanh thu trên 5 tỷ đồng/năm. Trong năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 5 hội nghị phổ biến, tuyên truyền các cơ chế, chính sách pháp luật về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; đồng thời tổ chức 2 khóa khởi sự doanh nghiệp, 2 khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp, ông Thảo chia sẻ thêm.

Hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, vì một mục tiêu “Doanh nghiệp phát tài, Tuyên Quang phát triển”, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đang nỗ lực cùng các sở, ngành liên quan thực hiện tốt Nghị quyết số 35 của Chính phủ, Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động số 06 của UBND tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.