>> Sức ép tỷ giá khi FED tăng lãi suất

Bộ ba “bất khả thi”

Tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố áp dụng trong ngày 18/7 ở mức 23.245 đồng, tăng mạnh 20 đồng so với mức công bố trước. Với biên độ +/-3% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.548 VND/USD, tỷ giá trần 23.942 VND/USD.

Việc tỷ giá VND/USD tăng và giá trị đồng Việt Nam giảm là vấn đề đã được dự báo trước

Việc tỷ giá VND/USD tăng và giá trị đồng Việt Nam giảm là vấn đề đã được dự báo trước

Cùng ngày, tỷ giá USD trên thị trường tự do tiếp tục tăng mạnh, lập kỷ lục mới, mỗi USD trên thị trường “chợ đen” được giao dịch quanh mức 24.520 (mua vào) và 24.670 đồng (bán ra), tăng 20 đồng ở chiều mua vào và 140 đồng ở chiều bán. Chỉ tính trong 7 ngày qua, giá USD đã tăng khoảng 600 đồng, tức tăng gần 100 đồng mỗi ngày. Nhu cầu gom USD liên tục tăng đã đẩy giá USD tự do lên mức cao kỷ lục.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, để phân tích về tỷ giá VND/USD sẽ cần đến bộ ba “bất khả thi”, được hiểu là khi chúng ta theo đuổi ba mục đích đồng thời gồm: Một là độc lập tiền tệ - công cụ quản lý chu kỳ kinh tế và ổn định hóa nền kinh tế, để khi GDP giảm, NHNN có thể bơm thêm cung tiền vào lưu thông, hoặc khi lạm phát cao có thể rút tiền khỏi lưu thông. Hai, là cố định tỷ giá, tạo neo danh nghĩa để ổn định giá cả, đảm bảo nghĩa vụ nợ quốc tế. Ba, là hội nhập tài chính, đón những dòng vốn từ nước ngoài giúp Việt Nam tăng trưởng một cách dài hạn, bổ sung vốn đầu tư và đa dạng hóa rủi ro.

Đây là ba mục tiêu cần phải theo đuổi, nhưng nếu thực hiện cả ba điều đó thì nền kinh tế sẽ có vấn đề, nên gọi là bộ ba “bất khả thi”, do đó chỉ được chọn hai trong ba điều này với các trường hợp như sau:

Thứ nhất, nếu chọn dòng vốn tự do ra vào kết hợp với chính sách tiền tệ độc lập thì không thể để tự do tỷ giá.

Thứ hai, muốn độc lập chính sách tiền tệ và tỷ giá cố định, thì chắc chắn dòng tiền sẽ không thể tự do ra vào. Vì đối với nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta không thể vừa can thiệp vào giá trị của tiền lại vừa giữ tỷ giá cố định được.

Thứ ba, vừa giữ tỷ giá cố định vừa cho dòng vốn tự do ra vào thì sẽ mâu thuẫn với chính sách tiền tệ độc lập, vì khi đó NHNN không thể kiểm soát việc bơm, hút tiền.

“Việt Nam đã có nhiều bài học về vấn đề này. Ví dụ năm 2011, chúng ta giữ tỷ giá cố định và muốn dòng vốn tự do ra vào, nên không thể tác động đến chính sách tiền tệ khi muốn kiểm soát lạm phát, dẫn đến lạm phát lên rất cao. Hiện tại chính sách tiền tệ cũng như chính sách tỷ giá của NHNN đang áp dụng là theo đúng bộ ba bất khả thi này và đang chọn hai yếu tố gồm tự do hội nhập về tài chính và chính sách tiền tệ độc lập, đồng thời bỏ cơ chế tỷ giá cố định”, ông Tuấn cho biết.

Chia sẻ thêm về lịch sử diễn biến của tỷ giá Việt Nam, CEO AFA Capital cho hay, thời điểm năm 2000 – 2006, Việt Nam áp dụng cơ chế tỷ giá neo cố định, nhưng đến năm 2006 thị trường ngoại hối bắt đầu chịu áp lực của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sau đó đến giai đoạn 2008-2011, chúng ta muốn áp dụng tất cả các điểm trên dẫn đến vấn đề là tỷ giá VND/USD biến động rất mạnh. Đến năm 2015, NHNN đã quyết định về việc công bố tỷ giá trung tâm, không giữ cơ chế tỷ giá cố định nữa mà sẽ liên tục biến đổi theo thị trường, đồng thời NHNN có thể can thiệp.

“Vì vậy khi có những tác động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về tăng lãi suất,  tôi đã đưa ra các dự đoán về tỷ giá sẽ biến động và cần phải nghiên cứu rất kỹ. Đặc biệt với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rõ nhất ở các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và sự ảnh hưởng đến từng doanh nghiệp”, ông Tuấn nhắc lại.

>> Tỷ giá sẽ còn tăng

Nguyên nhân nội tại

Có thể thấy, khi FED tăng lãi suất, tất cả các ngoại tệ đều giảm giá so với đồng USD bởi vì Mỹ là quốc gia độc quyền trong việc sử dụng công cụ thanh toán trên toàn thế giới. Tính đến ngày 13/7, đồng tiền mất giá mạnh nhất là yên Nhật lên tới 17,9%, theo sau đó là Euro mất giá khoảng 7,8%. Như vậy, khi một đồng tiền rất mạnh tăng lãi suất thì tất cả các đồng tiền khác sẽ phải giảm giá trị, bởi về lý thuyết, dòng tiền luôn có xu hướng chạy về nơi có lãi suất cao. Việc tỷ giá VND/USD tăng và giá trị đồng Việt Nam giảm là vấn đề đã được dự báo trước. Song điểm tích cực ở đây là biên độ giảm của VND đang thấp hơn các đồng tiền khác, không chỉ trong khu vực châu Á, như so với Nhân dân tệ đã giảm 5,4% và đồng baht Thái giảm 6,3%.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital

Xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn đề cập thêm đến trụ cột về chính sách tiền tệ nằm trong bộ ba bất khả thi. Theo ông Tuấn, ngoài nguyên nhân khách quan là chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD (DXY) đã tăng 11,8% so với đầu năm 2022 và đang neo ở mốc 108,1, cùng với lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 2,98%, thì nhìn vào nguyên nhân nội tại của Việt Nam sẽ thấy đợt tăng giá này đến từ đâu.

Trong đó, số liệu kinh tế 6 tháng đầu năm cho thấy, chỉ số FDI đang có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021, số vốn FDI đăng ký mới giảm 8,9%. Tăng trưởng xuất khẩu dù vẫn tốt, nhưng thặng dư thương mại đâu đó chỉ 743 triệu USD, trong khi kỳ vọng lớn hơn con số này rất nhiều.

Thêm một yếu tố nữa đó là vấn đề kiều hối. Thông thường mỗi năm Việt Nam có từ 12-15 tỷ USD kiều hối từ nước ngoài chuyển về, nhưng khi COVID-19 xảy ra, con số này đã có sự sụt giảm do thu nhập của kiều bào ở nước ngoài giảm và việc đi lại, các phương tiện cũng bị gián đoạn.

Một yếu tố vô cùng quan trọng nữa đó là thị trường liên ngân hàng. Trên thị trường này lãi suất USD đã tăng mạnh từ 0% đến hơn 1,5% sau khi FED tăng mạnh lãi suất vào ngày 16/6 và lãi suất tiền đồng rất thấp dẫn đến chênh lệch giữa lãi suất USD và lãi suất VND.

“Khi lãi suất USD cao hơn, mọi người có xu hướng dùng tiền đồng đi mua USD để gửi, như vậy sẽ có lợi suất chênh lệch khoảng 1% mà thị trường liên ngân hàng có khối lượng lớn nên lãi suất 1%/năm cũng là rất lớn. Vấn đề là khi mọi người đều nhìn ra xu hướng này thì sẽ hành động giống nhau, dẫn đến tỷ giá VND/USD tăng cao.

Mặt khác, ngân hàng cũng phải tăng lãi suất của VND lên, cụ thể trong phiên 21/6, NHNN đã thực hiện bán 200 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 0,3%/năm. Tính đến 1/7, NHNN hút ròng qua kênh tín phiếu là 107,6 nghìn tỷ, chủ yếu là kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 0,65%. Như vậy, NHNN đã phải vừa bán USD vừa nâng lãi suất.

Xét một cách tổng quan hiện nay, NHNN đang chọn phương án hội nhập tài chính và chính sách tiền tệ độc lập, hơn là giữ tỷ giá cố định theo bộ ba bất khả thi. Các yếu tố vĩ mô quốc tế cũng như trong nội tại chưa đến mức thiếu hụt, tuy nhiên trên thị trường liên ngân hàng thì biến động này đang rất lớn và dẫn đến việc NHNN phải can thiệp rất nhiều”, ông Tuấn giải thích.