Sáng nay (21/8), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Sửa Nghị định hay nhìn lại cách thức soạn thảo Nghị định và thực hiện Luật giao thông đường bộ.

Xe công nghệ Uber, Grab: "Muốn hay không nó vẫn tồn tại"!

Vẫn như mọi lần, điểm tạo nên chú ý nhất của dự thảo vẫn là những quy định liên quan đến hoạt động quản lý các loại hình công nghệ như Uber, Grab và taxi truyền thống. Hai loại hình vận tải này tiếp tục đưa ra những ý kiến trái chiều, gay gắt.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Về vấn đề này, theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Basisco, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, dự thảo quy định việc gắn 2 loại biển xe taxi và taxi điện tử là không cần thiết, vì taxi thường thì vẫn có thể chạy ứng dụng của taxi điện tử.

“Việc phân biệt này có thể chỉ cần thiết cho việc quản lý Nhà nước, chứ không có ý nghĩa đối với hành khách, là đối tượng hàng đầu cần hướng tới phục vụ một cách đơn giản, thuận tiện, chất lượng. Hơn thế, quy định taxi điện tử thì lại có taxi thường, đặc biệt là không phù hợp đối với loại taxi không chuyên nghiệp, mang tính kết hợp, tận dụng khai thác theo mô hình kinh tế chia sẻ”, ông Trương Thanh Đức khẳng định.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định: “Uber, Grab chỉ là hiện tượng của một xu thế. Bản chất của nó là nền kinh tế chia sẻ, kinh tế số. Vấn đề là làm sao để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tham gia được vào xu hướng này".

“Thực ra, kinh tế chia sẻ, kinh tế số, muốn hay không muốn nó vẫn tồn tại. Khi mà loại hình này mới xuất hiện, chúng ta lúng túng trong việc ứng xử với nó. Thậm chí, khi chúng ta loay hoay đối phó với thực tế chưa xong thì xu hướng kinh doanh mới đã ập đến, xung đột gay gắt với hiện trạng cũ”, ông Cung đặt vấn đề.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Theo quan điểm của ông Cung, tiềm năng của các loại hình kinh tế chia sẻ, kinh tế số mà điển hình tại Việt Nam là “hiện tượng” Grab, Uber là rất lớn.

“Đừng vì một hiện tượng mà xóa đi hay ngăn cản một xu thế. Đừng cấm để rồi các công ty công nghệ của chúng ta cũng không phát triển được”, ông Cung đặt câu hỏi.

Tại hội thảo, nhiều quan điểm thắc mắc, vậy làm thế nào để quản lý được các loại hình kinh doanh mới này?

Thay đổi từ tư duy quản lý

Với quan điểm cái mới dù muốn hay không muốn cũng sẽ thay thế cái cũ nên ông Cung cho rằng nguyên tắc làm luật ở đây là không kéo lùi cách thức kinh doanh hiện đại xuống mà phải nâng truyền thống lên; hướng đến chuyển đổi cách làm truyền thống thành hiện đại, phát huy được thế mạnh của kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, cần đặt lại vấn đề tư duy xây dựng pháp luật.

“Muốn cạnh tranh với Uber, Grab thì các doanh nghiệp taxi truyền thống phải làm mới, không thể sử dụng cái cũ. Sử dụng công cụ truyền thống để cạnh tranh với xu hướng hiện đại không được, phải có những công ty công nghệ xuất hiện”, ông Cung khẳng định.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Tiếp tục góp ý về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cần đổi mới tư duy, quan niệm về mô hình kinh doanh mới.

“Trong nền kinh tế hiện đại thì doanh nghiệp có xu hướng chuyên môn hóa. Họ chỉ tập trung vào một hoặc một số công đoạn trong chuỗi. Chẳng hạn với việc sản xuất 1 cái kim, doanh nghiệp làm từ A-Z sẽ có năng suất thấp hơn doanh nghiệp làm từng công đoạn một.

Lợi ích của việc sử dụng công nghệ là tính minh bạch cao, giúp hành khách và người điều khiển phương tiện tiết kiệm trong trao đổi giá, góp phần điều tiết giao thông trong giờ cao điểm với cách tính giá cước cao”, ông Long khẳng định.

Vì vậy, ông Long cho rằng, cần tận dụng kinh tế chia sẻ để tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Quy định doanh nghiệp ô tô phải sử dụng chữ ký số trong giao dịch là không nên và không thể.