>>Ùn tắc nông sản biên giới: Nhìn nhận và đầu tư chưa theo kịp thị trường

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ với DĐDN về việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam luôn gặp khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thời gian qua.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

- Theo bà, vì sao doanh nghiệp Việt Nam lại ít mặn mà với việc xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc?  

Thực tế hiện nay Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, họ đã có những quy định rất chặt chẽ về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vùng trồng... Trong khi đó, việc quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam về đăng ký vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đâu đó vẫn còn có những hạn chế.

Điều này dẫn đến một số chủng loại sản phẩm nông sản của chúng ta không thể đi được sang thị trường Trung Quốc bằng con đường chính ngạch, vì chưa đáp ứng được chất lượng theo yêu cầu tiêu chuẩn của họ. Do đó, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam buộc phải phụ thuộc vào hình thức trao đổi cư dân biên giới.

- Câu chuyện xuất khẩu chính ngạch đã được đặt ra từ rất lâu, nhưng vì sao trong nhiều năm qua việc triển khai vẫn không có gì mới, thưa bà?

Cụ thể, như câu chuyện “giải cứu” nông sản thời gian qua, tuy nhiên ở đây có sự phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố mùa vụ. Việc xuất khẩu chính ngạch là nội dung được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm. Trong 2 năm gần đây, bộ liên tục có những khuyến cáo đối với doanh nghiệp, đó là cần nhanh chóng chuyển sang xuất  khẩu chính ngạch. Bộ Công Thương đang có nghiên cứu và có những đề, án đề xuất nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể để làm sao chúng ta sớm có được hình thức xuất khẩu chính ngạch.

- Giữa bài toán xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch sẽ ảnh hưởng như thế nào tới xuất khẩu và nền kinh tế nói chung, thưa bà?

Hình thức xuất khẩu chính ngạch bao giờ cũng ổn định và chắc chắn hơn xuất khẩu tiểu ngạch. Tuy nhiên, thực tế không có khái niệm về xuất khẩu tiểu ngạch, đây là hình thức trao đổi cư dân biên giới để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Như tôi đã nói, thị trường Trung Quốc hiện nay yêu cầu  ngày càng cao về mặt chất lượng cũng như các quy định về vùng trồng, về truy xuất nguồn gốc... và họ yêu cầu các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu đó thì mới có thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

>>Ùn tắc nông sản biên giới: Nguy cơ tăng chi phí thêm 2-3 lần khi đi đường biển

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, họ đã có những quy định rất chặt chẽ về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vùng trồng...

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, họ đã có những quy định rất chặt chẽ về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vùng trồng...

Khi chúng ta xuất khẩu chính ngạch thì sẽ ổn định hơn và sẽ không còn xảy ra tình trạng phải “giải cứu” như thời gian gần đây. Ngoài ra, khi sản phẩm nông sản của Việt Nam có chất lượng cao và được nâng tầm bằng thương hiệu và chất lượng, thì không những có thể xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, mà chúng ta còn có thể thâm nhập vào những thị trường khác.

Đây là một trong những nỗ lực và là mục tiêu Chính phủ và các bộ, ban, ngành đặt ra để chúng ta có thể đa dạng hóa các thị trường, không bị phụ thuộc vào một thị trường. Đến khi đó chúng ta sẽ giảm bớt được những rủi ro cho những sản phẩm nông sản xuất khẩu nói chung và trái cây của Việt Nam nói riêng.

Vậy, để sản phẩm nông sản của Việt Nam không còn bị phụ thuộc vào một thị trường và tự tin chinh phục những thị trường mới, kể cả những thị trường được đánh giá là “khó tính” như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản... Bộ Công Thương có khuyến nghị gì đến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thưa bà?

Việc khuyến nghị đến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam thời gian qua đã được Bộ Công Thương làm rất nhiều và làm liên tục. Bộ Công Thương đã cho in các ấn phẩm sổ tay về thị trường Trung Quốc để giúp cho các doanh nghiệp nắm bắt thông tin về thị trường và biết được thị trường Trung Quốc hiện nay yêu cầu những cái gì.

Đơn cử, vừa qua Trung Quốc có đưa ra lệnh 248 và 249 liên quan đến sản phẩm thực phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thì phải đăng ký. Liên quan đến yêu cầu này, Bộ Công Thương đã vào cuộc từ rất sớm, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kênh đăng ký chung trên mạng giúp doanh nghiệp đăng ký để có thể sớm thực hiện đúng những yêu cầu của nước bạn.

Điều có ý nghĩa rất quan trọng, vì khi chúng ta xuất khẩu sang một nước nào đó thì phải hiểu được yêu cầu của họ, như thị trường yêu cầu gì, quy định như thế nào, các sản phải bao gói, đóng gói ra sao... Và khi các sản phẩm nông sản của chúng ta đáp ứng đúng các quy định đó thì xuất khẩu sẽ luôn ổn định và bền vững.

- Trân trọng cảm ơn bà!