Chi phí chống dịch lớn

Tại Diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh" do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay trên toàn quốc vẫn có những điều chưa được hiểu đúng về dịch COVID-19 như vấn đề lây qua giọt bắn, tạo ra các F1 sai rất nhiều, phải phong toả, cách ly khiến chi phí chống dịch bị đội lên trong doanh nghiệp. Trong khi thực tế, virus không thể bay từ nhà này sang nhà khác, cũng như không thể bay từ phân xưởng nọ sang phân xưởng kia, mà chỉ tiếp xúc gần với nhau mới gây lây nhiễm. Đây chính là quan điểm để các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tiến hành cách ly, phong tỏa. Một ví dụ thể hiện sự bất cập đó là, vừa qua tại Hải Dương đã cấm những người đi từ Quảng Ninh về qua Hải Dương, gây đứt gãy giao thông nói chung, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động khác.

hiện nay trên toàn quốc vẫn chưa có những hiểu đúng về dịch COVID-19 như vấn đề lây qua giọt bắn, tạo ra các F1 sai rất nhiều, phải phong toả, cách ly khiến chi phí chống dịch bị đội lên trong doanh nghiệp (ảnh: Internet)

Hiện nay trên toàn quốc vẫn có những điều chưa được hiểu đúng về dịch COVID-19, từ đó khiến chi phí chống dịch bị đội lên trong doanh nghiệp (ảnh: Internet)

Nhiều doanh nghiệp cho biết, chi phí test COVID-19 cho người lao động, công nhân rất lớn, đặc biệt nếu áp dụng sản xuất ba tại chỗ, đòi hỏi xét nghiệm thường xuyên, gây khó cho doanh nghiệp. Kết quả khảo sát về sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh và giãn cách xã hội cho thấy, một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng; trong đó, thấp nhất là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), lĩnh vực thông tin truyền thông (4,9 tháng) và doanh nghiệp ngành xây dựng là 5,3 tháng.

Do đó, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, để giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ, cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Về vấn đề này, tại Diễn đàn, ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV TP.Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp các chi phí chống dịch như: xét nghiệm COVID-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác và sớm tiêm phòng vắc-xin (đủ 2 mũi) cho đầy đủ người lao động của các doanh nghiệp.

Công xưởng có 10 người thì chỉ nên xét nghiệm 1 người đại diện, không nên cả 10 người, chi phí phát sinh lớn gây lãng phí. Hay như vấn đề phun khử khuẩn cũng nên chấm dứt… yêu cầu ngay cả khi giao hàng hoá”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các đóng góp, ủng hộ của doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước, quỹ phòng chống dịch rất lớn cả về tiền và hiện vật. Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính nhấn mạnh, từ ngày 21/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2020 về hướng dẫn chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế với các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho công tác phòng chống dịch, bằng hiện vật hay tiền mặt. Cụ thể, tiền thuế của doanh nghiệp được trừ ra và sẽ được chia sẻ theo tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp, thay vì để doanh nghiệp phải bỏ tiền túi. Để xác định những khoản chi này, doanh nghiệp chỉ cần có các biên bản xác nhận tài trợ có mẫu kèm theo, hoặc có văn bản, chứng từ tài liệu xác nhận hợp lý.

29,1 nghìn tỷ đồng là số tiền ngân sách Nhà nước đã chi phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 tính đến 9 tháng năm 2021. (Nguồn: Vụ Ngân sách Nhà nước)

Ứng xử đúng với đại dịch

PGS.TS. Trần Đắc Phu

PGS.TS. Trần Đắc Phu

Thông qua Diễn đàn, PGS.TS. Trần Đắc Phu cũng muốn nêu bật quan điểm chấp nhận có F0 trong cộng đồng, do nền kinh tế đã chịu sức ép quá lớn. Nếu không phát triển kinh tế thì nền kinh tế sẽ chết, trong bối cảnh virus chủng Delta plus cũng không đáng ngại.

Tuy nhiên, để thực hiện việc này cần đảm bảo không được quá tải bệnh viện, không để tình trạng chuyển nặng của bệnh nhân, dễ dẫn đến tử vong. Vừa qua, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam bị quá tải hệ thống y tế, người cần can thiệp y tế, cần oxy, cần tư vấn để điều trị thì không được điều trị...

Vậy đặc điểm dịch bệnh của Việt Nam hiện nay đang như thế nào? Vị PGS cũng trả lời rằng, tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở các nơi là khác nhau, các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An số ca mắc vẫn cao. Tuy nhiên, đánh giá vùng xanh - vùng đỏ ở những khu vực này còn chưa chính xác.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng vaccine mới chỉ bao phủ được ở một số tỉnh, còn nhiều nơi vẫn thấp, do đó phải đặt ra vấn đề rằng, không thể so sánh về phương pháp chống dịch của các địa phương với nhau và rộng hơn là của Việt Nam với các nước khác như Mỹ, Israel hay Singapore.

Nguyên nhân chính là do điều kiện kinh tế của Việt Nam còn hạn chế, nếu để “vỡ trận” là cực kỳ nguy hiểm. Còn các nước như Singapore, họ có thể chấp nhận các ca mắc rất nhiều, nhưng tỷ lệ tử vong không cao vì hệ thống y tế của họ rất tốt. Đây chính là vấn đề ứng xử của các tỉnh cần có sự khác nhau, chứ không thể lấy ví dụ của quốc tế để học theo, áp dụng. Từ đó, hoạt động của các doanh nghiệp phải gắn liền với công tác chống dịch của các địa phương, chấp nhận quan điểm phòng chống dịch bệnh tại nơi mình hoạt động.

Theo vị Cục trưởng, trong tình hình mới, Trung ương cần thống nhất về các nguyên tắc, bao gồm vấn đề đi lại liên quan nhiều tới địa phương, nếu không có sự thống nhất thì sẽ xảy ra tình trạng mỗi nơi một kiểu, ngăn sông cấm chợ, không hỗ trợ được kinh tế phục hồi.

 Về giải pháp để nâng cao công tác chống dịch, giảm chi phí cho doanh nghiệp, PGS.TS. Trần Đắc Phu khuyến nghị:

Thứ nhất, Việt Nam cần kiểm soát ca mắc để tránh hiện tượng quá tải hệ thống y tế, nhất là những nơi hệ thống y tế còn yếu kém.

Thứ hai, tỷ lệ tiêm chủng phải đạt được 70% cộng đồng bao gồm cả trẻ em, trong đó người già, người có nhiều bệnh nền là vô cùng quan trọng, nếu chưa có đủ vaccine thì phải phân bổ gắn với đối tượng có nguy cơ hay địa bàn có nguy cơ. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng là một trong những đối tượng có nguy cơ và nếu trong doanh nghiệp được tiêm chủng 100% thì càng tốt.

Thứ ba, có những nơi liên quan đến nông thôn chưa cần phải tiêm vaccine thì có thể chưa cần ưu tiên, nhưng cần kiểm soát hệ thống y tế sát sao.

Đáng chú ý, vai trò của cơ sở y tế trong doanh nghiệp cũng vô cùng quan trọng, đây chính là bộ phận tham mưu cho doanh nghiệp, nhà máy về công tác xét nghiệm, phong toả, cách ly,... Việc xét nghiệm có hai ý nghĩa chính, đó là vừa để phát hiện, bóc tách F0, nhưng vừa thông qua đó để đánh giá nguy cơ đang ở mức độ nào.

Trong bối cảnh mới, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện cách ly, nhưng phải đúng là F1 hoặc đúng F0 mới cách ly, còn trong trường hợp không tiếp xúc mà đóng cửa cả nhà máy gây tốn kém và đứt gẫy dây chuyền sản xuất là rất nguy hiểm với các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, chúng ta phải rất linh hoạt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, từ việc dự báo dịch, xác định vùng dịch và xác định các trường hợp cần xét nghiệm, phải cách ly, phong tỏa”, PGS.TS. Trần Đắc Phu khuyến nghị.

Tới đây, chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 do Thủ tướng ký sẽ có những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, vì vậy cũng cần có các diễn đàn, hội nghị để có thêm đóng góp của doanh nghiệp vào xây dựng chiến lược. Có thể thấy, ứng xử đúng với dịch bệnh thì công tác chống dịch sẽ thành công, ứng xử chậm một nhịp có thể gây nguy hiểm, còn nếu ứng xử thái quá sẽ tổn hại nặng nề đến đời sống an sinh xã hội và phát triển kinh tế nói chung.