>> Giải pháp đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp về đúng vị thế

Theo số liệu tổng hợp từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), trong tháng 11/2022, thị trường ghi nhận 6 đợt trái phiếu được thông báo và phát hành. Tỷ lệ giao dịch thành công trong tháng 11 đạt 97,5%, thời gian đáo hạn bình quân ở mức 4,8 năm, cao hơn mức trung bình 12 tháng gần nhất là 4,5 năm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ảm đạm, phản ánh tâm lý thận trọng, tiêu cực vẫn hiện hữu

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ảm đạm, phản ánh tâm lý thận trọng, tiêu cực vẫn hiện hữu

“Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 11 có sự cải thiện so với tháng 10, tuy nhiên vẫn là mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây. Thị trường tiếp tục ảm đạm, phản ánh tâm lý thận trọng, tiêu cực vẫn hiện hữu. Do đó, những thông điệp của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như các cơ quan liên quan trong việc chấn chỉnh và tháo gỡ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tạo tiền đề để niềm tin và sự sôi động quay trở lại trong thời gian tới”, BSC đánh giá.

Có thể thấy, các doanh nghiệp phát hành đang gặp khó khăn về thanh khoản, về dòng tiền, về tín dụng và thị trường bất động sản khó khăn thì các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu cũng khó khăn.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng 12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, sự ra đời của Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 153 đã kịp thời tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xử lý các vấn đề bất cập cũng như bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, tình hình thị trường thay đổi, diễn biến nhanh chóng thì cần đặt ra vấn đề để thích ứng tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất rõ phải rà soát ngay, kể cả Nghị định vừa mới ban hành, để nếu có vấn đề gì, cần bổ sung hoặc thay đổi thì chúng ta phải thực hiện ngay để thị trường quay trở lại.

Mặt khác, Bộ Tài chính đã triển khai văn bản gửi tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và yêu cầu các doanh nghiệp phải ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của doanh nghiệp để thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư. Trường hợp có khó khăn khi thanh toán gốc, lãi trái phiếu thì cần có phương án thỏa thuận với các nhà đầu tư. Chủ động việc đó giống như chủ động ra thị trường để phát hành và trách nhiệm phải thực hiện bằng mọi cách, mọi giá, hết khả năng của mình.

“Doanh nghiệp phải tuân thủ chế độ công bố thông tin theo quy định. Chủ động cung cấp thông tin của doanh nghiệp cho các nhà đầu tư. Chúng tôi khuyến nghị, yêu cầu các doanh nghiệp phải thuê các công ty tư vấn, trong đó có tư vấn về kiểm toán độc lập, tư vấn về xếp hạng tín nhiệm, định giá để xác định giá trị doanh nghiệp, từ đó có được kết quả công bố, công khai với các nhà đầu tư, để các nhà đầu tư biết được doanh nghiệp đang ở đâu để người ta có phương án.

Nếu doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật thì các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý nghiêm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư trong bất kỳ hoàn cảnh nào như Thủ tướng đã nói trong Hội nghị truyền thông chính sách”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

>> Niềm tin giảm sút gây ảnh hưởng trái phiếu doanh nghiệp

Phân tích các giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trên thị trường, TS. Võ Trí Thành chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay tổng lượng trái phiếu phát hành trên thị trường đã xấp xỉ trái phiếu Chính phủ. Trong đó lớn nhất là của ngân hàng thương mại, phát hành thường không có tài sản đảm bảo, nhưng lòng tin rất cao. Tiếp đến là đến bất động sản, chiếm gần một phần ba và sau đó mới đến năng lượng hay các lĩnh vực khác. Có một số vấn đề trên thị trường cần ưu tiên hiện nay là minh bạch thông tin và cam kết của các nhà hoạch định chính sách, của Chính phủ phải rất rõ ràng. Đặc biệt cách xử lý sai phạm trong giai đoạn khó khăn làm sao để hài hòa hơn, mặc dù sai thì phải sửa, nhưng việc xử lý khéo léo rất quan trọng.

Theo chuyên gia, ngoài vấn đề tín dụng, phải tính đến các giải pháp đồng bộ. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, chương trình hỗ trợ bất động sản của Trung Quốc là một vấn đề rất nên nghiên cứu để học hỏi kinh nghiệm. Vừa qua đối với trái phiếu doanh nghiệp, chúng ta đã sửa đổi Nghị định 153 nhưng nhiều người vẫn cho rằng quy định sửa đổi quá chặt chẽ, trong thời gian tới nên xem xét điều chỉnh.

“Cũng trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế, việc chi tiêu hàng trăm nghìn tỷ đồng hiện đang bị đọng, nhất là ở đầu tư công. Nhiều nghiên cứu cho rằng, có các gói không còn “hợp thời”, vậy chúng ta phải rất linh hoạt chuyển sang lĩnh vực khác. Ví dụ trong giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng nhưng vẫn phải giữ chân người lao động, giúp người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thời điểm này. Vì vậy, trong gói hỗ trợ người lao động, tiền thuê nhà, thì cũng có thể dùng phần khác để tiếp tục thực hiện gói này tốt hơn.

Hay vừa qua có kiến nghị sử dụng số tiền đang bị đọng cho ngân hàng quốc doanh vay, nhưng theo tôi vấn đề này còn liên quan đến chính sách tài khoá, gắn với kế hoạch trong đó có chi tiêu đầu tư công.

Nếu nhìn con số 200.000-300.000 tỷ đồng sẽ có đóng góp rất tích cực, nhưng so với nhu cầu như hiện nay, xử lý cả các vấn đề về tín dụng trước đây hay tín dụng cấp mới thì không phải là quá lớn, vì vậy phải tính đến rất nhiều giải pháp đồng bộ”, vị chuyên gia nói.

Còn theo ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược (Ngân hàng Nhà nước), phải phân loại từng nhóm doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Trong đó, doanh nghiệp nào tự xử lý được dự án để cân đối được dòng tiền trả nợ trái phiếu thì doanh nghiệp tự lo.

Với nhóm gặp vướng mắc trong chuyển nhượng dự án, hoặc vướng mắc về pháp lý để hoàn thiện dự án thì Chính phủ cần có cơ chế cho các doanh nghiệp này chuyển nhượng dự án, hoặc chính sách pháp lý để các doanh nghiệp này hoàn thiện dự án và tạo dòng tiền.