>> Con gái đốt nhà mẹ đẻ - đốt cả lương tri

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ án mạng từ khía cạnh gia đình. Đó là câu chuyện về những người thân trong gia đình bột phát sát hại nhau xuất phát chủ yếu từ mâu thuẫn trong cuộc sống, tranh chấp đất đai, hận thù cá nhân… Nó để lại nhiều nỗi chua xót lẫn sự phẫn nộ trong dư luận.

Ngày 15/11/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSHS) - Công an tỉnh Kon Tum đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lương Thế Văn, 20 tuổi, trú tại thôn 1, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum về tội “giết người”.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSHS) - Công an tỉnh Kon Tum ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lương Thế Văn.

Mới đây, ngày 21/11, Công an tỉnh Kon Tum cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lương Thế Văn (20 tuổi, trú xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy) về tội  “giết người”, nạn nhân chính là bố đẻ của mình và lý do chỉ là bực tức, mâu thuẫn.

Trước đó là vụ “ba con gái đổ xăng đốt nhà mẹ ruột” ở Hưng Yên. Vụ án không khác gì một tấm bi kịch của  một người mẹ bất hạnh – người mang nặng đẻ đau 4 đứa con, đủ nếp, đủ tẻ lại bị chính những đứa con ruột của mình lao vào nhà, tưới xăng châm lửa đốt. Người mẹ ấy đã kêu la trong sự tuyệt vọng nhưng 3 người con gái với sự hung hăng, liều lĩnh vẫn không buông tha, rắp tâm thực hiện cho được mục đích của mình. Rồi vụ dì ghẻ và cha ruột với vẻ bọc tri thức hoàn hảo nhẫn tâm hành hạ một đứa trẻ 8 tuổi đến qua đời…

Nhìn rộng hơn, năm 2022 có gần 1.500 vụ việc và hơn 110.000 vụ án với 180.000 bị can đã được Bộ Công an tiếp nhận. Điều đáng nói, tội phạm giết người lại gia tăng 13%, số vụ giết người thân tăng 5%. Đây là những Báo cáo sơ bộ của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Những con số rung động đáng suy ngẫm. Tất cả đã đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức xã hội xuống cấp.

Đáng chú ý, những con người trong vụ án này họ đủ trưởng thành để nhận thức về hành vi của mình, về hậu quả khủng khiếp xảy ra, nhưng họ vẫn làm. Vì sao vậy? Vì sự hận thù, vì lòng tham, vì sự ích kỷ theo kiểu “không ăn được thì đạp đổ”, “lành thì làm gáo, vỡ thì làm muôi” họ sẵn sàng trà đạp lên tình thân. Vì mâu thuẫn vì đất đai, con sẵn sàng giết mẹ, anh cầm súng xử lý em, chú bác trong gia đình coi nhau như kẻ thù, con dâu “khai tử” cha mẹ chồng để chiếm đất, chiếm nhà… “Tấc đất, tất vàng” đã làm tha hóa bao nhiêu gia đình, dòng họ.  

Khu vực xảy ra vụ việc.

Hiện trường xảy ra vụ việc 3 cô con gái đốt nhà mẹ. Ảnh: Vietnamnet

Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng xót xa khi quá trình đô thị hóa làm biến dạng làng quê Việt Nam, chẳng còn hồn cốt, chẳng còn bản sắc. Chỗ nào cũng cao thấp nhấp nhô. Nhưng quá trình đô thị hóa ấy không chỉ làm thay đổi kết cấu bề ngoài mà còn âm thầm “giết chết” nhiều giá trị tốt đẹp bên trong như ‘hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”.

Đáng buồn là, chuyện xảy ra không chỉ ở làng quê. Sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức gia đình đang xuất hiện ở nhiều vùng miền, nhiều tầng lớp trong xã hội. Một cựu Bộ trưởng bị cáo buộc nhận hàng triệu đô la. Khi ra tòa, bị cáo khai rằng, đã chuyển số tiền đó cho con gái. Nhưng giữa công đường, con gái ông lại không thừa nhận. Chỉ khi bị đề nghị mức án “tử hình”, gia đình mới “bàn bạc” để trả lại số tiền đó nhằm giúp ông thoát án tử. Đó có phải là sự xuống cấp của đạo đức gia đình hay không?

Theo đó, những con số và sự việc đau lòng kia không phải do pháp luật chưa nghiêm. Và ai cũng nhận thấy, đó là câu chuyện “kinh tế đi lên, đạo đức đi xuống”. Căn nguyên của tình trạng trên là gì? Là do kinh tế thị trường làm thay đổi mọi giá trị, do giáo dục, do đạo đức không được chú trọng trong trường học, trong gia đình…  

Đây là vấn đề nghiêm trọng cần các nhà tâm lý học và xã hội học, nhà văn hóa cùng ngồi với các nhà làm luật pháp, và cả những người làm giáo dục, truyền thông nữa. Như thế mới đánh giá đúng vấn đề của xã hội hiện tại, chứ chỉ tăng mức phạt thôi là không giải quyết được vấn đề gốc của nó.

Dẫu vậy, văn hóa vẫn là gốc rễ của mọi vấn đề. Vì thế, một lần nữa xin được dẫn lại lời nói rất đáng suy ngẫm Đại biểu Phạm Văn Hòa, rằng: “Dù kinh tế - xã hội phát triển đến đâu, văn hóa vẫn là gốc rễ của mọi vấn đề. Trong thời buổi kinh tế thị trường, càng không nên mải miết chạy theo tiền bạc mà quên đi mái ấm gia đình”.