Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có văn bản góp ý về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó nhấn mạnh quan điểm cần công khai, minh bạch thông tin và lấy ý kiến cộng đồng ở dự án PPP.

Cần minh bạch thông tin và lấy ý kiến cộng đồng ở dự án PPP

Theo VCCI, do quan niệm cho rằng tiền đầu tư là của tư nhân, nên cơ chế giám sát đối với đầu tư các dự án PPP lỏng lẻo hơn so với đầu tư công. Tuy nhiên, các dự án này lại có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba (bên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của dự án và phải trả tiền).

“Do đó, việc tham vấn rộng rãi ý kiến của cộng đồng đối với các dự án PPP là điều hết sức cần thiết” VCCI nhấn mạnh quan điểm.

Có quan điểm cho rằng việc công khai, minh bạch và lấy ý kiến về các hợp đồng/dự án đầu tư sẽ khiến các nhà đầu tư e ngại khi đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, xét về dài hạn, VCCI cho rằng khi một dự án nhận được sự đồng thuận của xã hội thì nguy cơ bị phản đối về sau này sẽ thấp hơn. Khi đó, rủi ro cho nhà đầu tư khi dự án bị đình trệ, bị mất doanh thu do phản ứng của xã hội sẽ giảm.

Công khai thông tin, lấy ý kiến về dự án/hợp đồng PPP trước khi kí kết là nội dung quan trọng mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh trong văn bản góp ý đối với dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật Đầu tư PPP).

Công khai thông tin, lấy ý kiến về dự án/hợp đồng PPP trước khi kí kết là nội dung quan trọng mà VCCI nhấn mạnh trong văn bản góp ý đối với dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. 

Hơn nữa, chính sách cần khuyến khích các nhà đầu tư, các dự án đầu tư “sạch”, minh bạch, chứ không nên chấp nhận hạ thấp tiêu chuẩn về công khai, minh bạch chỉ để thu hút thêm đầu tư.

Theo đó, cần bảo đảm việc đăng công khai thông tin về dự án PPP ít nhất 60 ngày trước khi ký kết. Nội dung đăng tải bao gồm: (1) tóm tắt thông tin về dự án; (2) báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; (3) báo cáo nghiên cứu khả thi; (4) bản thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; (5) bản thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; (6) dự thảo hợp đồng.

Những nội dung thông tin thuộc về bí mật Nhà nước, bí mật kinh doanh, tài sản trí tuệ chưa được công bố thì được phép xoá hoặc bôi đen trong các tài liệu trên.

Đối với các dự án có quy mô lớn hoặc có ảnh hưởng đến bên thứ ba thì phải được tổ chức lấy ý kiến thông qua văn bản, hội thảo, họp báo. Đối tượng được lấy ý kiến gồm các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của dự án và các tổ chức đại diện của họ. Các ý kiến đóng góp cho dự án phải được tổng hợp, giải trình và gửi kèm cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền ký hợp đồng.

Sau khi ký hợp đồng, cần công bố toàn bộ các hợp đồng đầu tư PPP bao gồm cả phụ lục. Các nội dung thuộc về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp chưa công bố thì được phép xoá hoặc bôi đen; Công bố các báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của dự án đầu tư, kết luận thanh kiểm tra của cơ quan nhà nước đối với dự án.

Đối với các dự án có nguồn thu từ bên thứ ba thì phải công bố định kỳ sản lượng và doanh thu của dự án. Bên thứ ba (người dân và doanh nghiệp khác) phải được tham gia trong quá trình giám sát nguồn thu.

Cần một cơ quan chuyên trách về PPP

Về phần mình, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên VIAC khẳng định cơ chế công khai, minh bạch cho các dự án PPP, thông qua vừa tham vấn người dân vừa giải trình đối với họ, đồng thời bảo đảm lợi ích hài hoà giữa cả chủ đầu tư, người bị tác động và lợi ích công cộng chính là chìa khóa giảm rủi cho cho các dự án PPP.

Khẳng định Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là một chủ trương và giải pháp đúng đắn, Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, về lâu dài cơ quan nhà nước hãy thành lập một cơ quan chuyên trách về PPP theo mô hình Trung tâm nghiên cứu, rà soát và thông tin PPP hay BOT của các nước.

“Đó là không phải là một cơ quan phê duyệt dự án tập trung mà là một tổ chức tư vấn chuyên nghiệp và độc lập về PPP”, ông Lập nhấn mạnh.

Mặt khác, trong bối cảnh các dự án PPP vẫn còn gây tranh cãi, ông Lập cho rằng, nhà nước nên dừng hẳn cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” như là giải pháp huy động vốn đầu tư tư nhân đã lỗi thời vì cũ và có quá nhiều hệ luỵ.

“Thay vào đó cần xây dựng và phát triển một thị trường tài chính chuyên biệt với các giải pháp chuyên nghiệp cho các dự án BOT hay BT. Có rất nhiều bài học dường như kinh điển của thế giới cho lĩnh vực này mà Việt Nam cần và có thể học hỏi. Chỉ khi đó, chúng ta mới có được các nhà đầu tư tư nhân thật sự, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài, mà không phải chỉ các nhà đầu cơ như vừa rồi”, ông Lập đề xuất.