Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có văn trả lời Công văn số 2597/BVHTTDL-ĐA ngày 08/07/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý đối với Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

VCCI ủng hộ đề xuất của Cơ quan soạn thảo trong việc bãi bỏ: Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim; văn bản chấp thuận đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài; và quy định người nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim.

Tuy nhiên, qua rà soát các loại giấy phép và thủ tục hành chính tại Luật Điện ảnh, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bãi bỏ một số quy định sau:

Thứ nhất là việc cấp phép văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam.

Theo VCCI, quy định các cơ sở điện ảnh nước ngoài đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam phải được sự đồng ý của Bộ VHTTDL là không cần thiết và cần được bãi bỏ, bởi các lý do sau:

Hiện nay, việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam đã phải tiến hành thủ tục xin phép Sở Công Thương các địa phương theo quy định của Nghị định 07/2016/NĐ-CP. Do đó, việc yêu cầu các đơn vị này xin thêm Giấy phép của Bộ VHTTDL là trùng lặp về thủ tục hành chính.

"Việc các hãng phim, doanh nghiệp phát hành phim nước ngoài đến Việt Nam mở văn phòng đại diện là điều cần được khuyến khích. Đây chính là cơ hội để người làm điện ảnh của Việt Nam có cơ hội để hợp tác, học hỏi từ điện ảnh thế giới, đồng thời cũng là cơ hội để phim Việt Nam được xuất khẩu ra thế giới", VCCI khẳng định.

Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Hiện tại, Dự thảo Luật đang được công khai lấy ý kiến.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Dự thảo Luật đang được công khai lấy ý kiến.

Thứ hai là việc Cấp giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

Hiện nay, việc sản xuất phim đang ngày càng được quốc tế hoá theo hình thức chuỗi giá trị toàn cầu, mỗi quốc gia chỉ tham gia làm một vài công đoạn của bộ phim. Với những hoạt động đa dạng như vậy thì với quy định hiện tại sẽ rất khó xác định được hoạt động nào cần phải xin phép, hoạt động nào không.

Nền công nghiệp điện ảnh của Việt Nam hiện nay đang đi sau các nước trên thế giới rất nhiều về công nghệ, kỹ năng, phương pháp, trình độ quản lý. Sự hợp tác giữa những nhà sản xuất phim trong nước và các hãng phim nước ngoài sẽ là cơ hội rất lớn để các nhà làm phim Việt Nam gặp gỡ, trao đổi, học hỏi từ thế giới. Luật Điện ảnh cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đó bằng cách tạo điều kiện, gỡ bỏ các hàng rào thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính này có thể khiến các hãng phim lớn trên thế giới lựa chọn hợp tác với các quốc gia khác thay vì hợp tác với nhà làm phim của Việt Nam.

Với những lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.