Nắm bắt được khó khăn của doanh nghiệp, chiều ngày 25/4, VCCI Thanh Hóa phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng cho doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, để lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế.

VCCI Thanh Hóa đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp

VCCI Thanh Hóa phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp

Theo báo cáo nhanh của ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Thanh Hóa, kể từ  31/3 đến nay, tác động của dịch COVID-19 đối với dư nợ của ngành ngân hàng tại Thanh Hóa khoảng 7.365 tỷ đồng. Trong đó, có 883 doanh nghiệp, 2.094 hộ kinh doanh cá thể đang được xem xét các khoản vay; nguồn vốn triển khai các khoản vay mới 2.549 tỷ đồng.

Cũng từ cuối tháng 3 trở lại đây, có khoảng 633 doanh nghiệp đã gửi đơn đến các chi nhánh ngân hàng với mong muốn được cơ cấu lại thời gian trả nợ, 221 doanh nghiệp, cá nhân xin gia hạn, 511 doanh nghiệp xin giảm lãi xuất. Trong thời gian tới, con số này có thể tăng gấp nhiều lần do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến chính sách tín dụng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, như: Xem xét tháo gỡ khó khăn trong vấn đề trả nợ lãi vay bằng ngoại tệ, do hiện tại doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa để thu ngoại tệ; Có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi hơn với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm sản, hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp tiếp cận nguồn hỗ trợ của chính phủ; Thực hiện chia nhóm các lĩnh vực chịu tác động để áp dụng chính sách hỗ trợ tín dụng sát thực hơn; Kiến nghị các ngân hàng hướng dẫn nhanh và cụ thể hơn các thủ tục tiếp cận chính sách hỗ trợ tín dụng…

Nhiều doanh nghiệp đang còn băn khoăn về các chính sách, thủ tục tiếp cận chính sách hỗ trợ của chính phủ

Nhiều doanh nghiệp đang còn băn khoăn về các chính sách, thủ tục tiếp cận chính sách hỗ trợ của chính phủ

Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch hiệp hội đá Thanh Hóa cho biết, hiện tại các doanh nghiệp trong hội đang rất khó khăn bởi sản phẩm không bán được, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng sản xuất từ vài tháng nay. Thế nhưng, các doanh nghiệp rất khó để tiếp cận với các nguồn hỗ trợ của chính phủ bởi một số tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét đang quá rườm rà, và có một số tiêu chí không phù hợp với thực tế như tiêu chuẩn xác định doanh nghiệp được giảm lãi xuất, giản nợ đang bất cập.

Ông Nguyên Văn Thọ đề nghị ngân hàng có ý kiến với chính phủ về những vướng mắc thực tiễn mà doanh nghiệp đang gặp phải để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Đại diện Công ty in Đông Á, Công ty Đông Á Media, ông Lê Đức Thắng cho rằng, hiện có rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch nhưng lại khống có trong danh sách được hỗ trợ của chính phủ. Doanh nghiệp kiến nghị bổ sung ngành nghề in ấn, điện, truyền thông... vào danh mục bị ảnh hưởng và hỗ trợ tín dụng. Đồng thời, đề xuất các ngân hàng xem xét, áp dụng mức giảm lãi suất cao hơn theo quy định tối đa của ngân hàng Nhà nước.

Chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại, đại diện các ngân hàng đã thông tin đến hội nghị, các doanh nghiệp một số chính sách, giải pháp, kết quả cụ thể mà các đơn vị đã và đang rà soát, thực hiện nhằm cơ cấu nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ đối với các nhóm khách hàng bị ảnh hưởng.

Ông Lê Đức Thắng, đại diện Công ty in Đông Á kiến nghị bổ sung ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Ông Lê Đức Thắng - đại diện Công ty in Đông Á kiến nghị bổ sung ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Theo đó, ngay sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và hội sở, các đơn vị đã triển khai xác định các ngành nghề ảnh hưởng trực tiếp để cân đối nguồn vốn thực hiện hỗ trợ. Đồng thời, thông tin đến các hiệp hội, các DN về các nguyên tắc hoạt động của tổ chức ngân hàng, vừa bảo đảm triển khai chính sách nhưng phải và bảo đảm an toàn chất lượng tín dụng.

Ông Nguyễn Thanh An - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ giữa tháng 3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 01/2020 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhà nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Thanh An, giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa lắng nghe, chia sẽ khó khăn với các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Thanh An - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa lắng nghe, chia sẽ khó khăn với các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục xem xét, chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư cho những dự án khả thi. Đơn giản hóa thủ tục nội bộ các khoản vay mới nhằm thúc đẩy sản xuất. Đồng thời, cũng đề nghị các doanh nghiệp chia sẻ, thấu hiểu với các ngân hàng trong việc triển khai hỗ trợ phải phù hợp với nguồn lực của từng đơn vị vụ thể.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tích cực hơn trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ; công bố rõ ràng thủ tục, đối tượng thụ hưởng nhằm tạo sự thống nhất và công bằng đối với các nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng.

Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa khẳng định luôn đồng hành cùng doanh nghiêp để có những kiến nghị thiết thực nhất, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp

Ông Đỗ Đình Hiệu - Giám đốc VCCI Thanh Hóa khẳng định luôn đồng hành cùng doanh nghiêp để có những kiến nghị thiết thực nhất, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp

Ông Đỗ Đình Hiệu - Giám đốc VCCI Thanh Hóa cũng cam kết, VCCI Thanh Hóa sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp và ngân hàng trong việc đề xuất, tháo gỡ những khó khăn trong triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng, giúp DN vượt khó để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, VCCI Thanh Hóa sẽ tiếp tục thông tin tuyên truyền cho các hội viên nắm rõ các nội dung, đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng theo quy định từ Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời, kiến nghị VCCI đề xuất Chính phủ các giải pháp hữu hiệu hơn trong việc hỗ trợ tín dụng cho các DN.