Những bất cập và mâu thuẫn về thủ tục Hải quan gây khó khăn cho doanh nghiệp không phải câu chuyện mới, thực tế, theo Báo cáo “Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2020” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức, hơn 40% doanh nghiệp phản ánh bị áp mã HS không đồng nhất. Cùng một mặt hàng nhưng mỗi nơi, mỗi chỗ áp một kiểu, khiến không ít doanh nghiệp bị xử phạt, truy thu không do lỗi doanh nghiệp mà xuất phát từ phía cơ quan Hải quan.

Sự bất nhất trong việc áp mã HS được cho là căn nguyên dẫn đến khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Sự bất nhất trong việc áp mã HS được cho là căn nguyên dẫn đến khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Theo phản ánh của ông Nguyễn Đức Nghĩa – Thành viên Hiệp hội doanh nghiệp Logistics, nhiều tình huống, Hải quan áp trị giá tính thuế oan cho doanh nghiệp, khiến lợi nhuận gần như biến mất. Nhiều tình huống có phần oan ức cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp muốn kiện hải quan về xác định trị giá tính thuế nhưng không dám làm. Quản lý chuyên ngành lấy đi nguồn lực của xã hội tới hàng chục triệu giờ lao động nhưng chỉ phát hiện vài chục trường hợp vi phạm trên toàn quốc hàng năm, nguồn lực và kết quả như vậy là không tương xứng

Cũng theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, ngành Hải quan cần có cái nhìn cởi mở hơn khi áp dụng trị giá tính thuế xuất nhập khẩu.

Thực tế, bất cập trong việc áp mã HS đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu luôn trở thành nỗi ám ảnh bởi những thiệt hại về sự thiếu đồng nhất khiến không ít doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí phải “đóng cửa”.

Câu chuyện của Công ty TNHH MTV Nhật Thiên Kim (Công ty Nhật Thiên Kim), tại TP. Hồ Chí Minh năm 2019 là một bài học nhãn tiền, Công ty Nhật Thiên Kim có mở 9 tờ khai hải quan nhập khẩu các mặt hàng cáp điều khiển hiệu Sang Jin có xuất xứ Trung Quốc (C/O form E do Trung Quốc cấp) tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Các loại sản phẩm gồm: Cáp tín hiệu điều khiển bọc lưới chống nhiễu; Cáp điều khiển không lưới chống nhiễu; Cáp điều khiển dẹp (gồm nhiều kích cỡ khác nhau); Điện áp sử dụng từ 300-500v, tổng giá trị khai báo trên 7.530.645.248 đồng. Trong đó, mã HS là 8544.49.49 được xếp vào danh mục “loại khác” (thuế suất NK ACFTA là 0%, thuế suất GTGT 10%).

Căn cứ hồ sơ Hải quan, từ năm 2009 đến năm 2018, Công ty Nhật Thiên Kim đã nhập sản phẩm này với mã HS 8544.49.49 (tên gọi, tính năng, công dụng vẫn không đổi). Trước đó, mã HS này vẫn phải chịu thuế nhập khẩu là 10% và Công ty Nhật Thiên Kim đều đóng thuế đầy đủ, đến năm 2017, sản phẩm này được giảm thuế xuống còn 0% (theo cam kết thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc).

Quá trình thực hiện thanh tra, cơ quan quản lý cho rằng sản phẩm nhập khẩu của Công ty Nhật Thiên Kim phù hợp với phân loại vào mã số 8549.49.41 - Cáp bọc cách điện bằng “plastic” thuộc “loại không dùng cho viễn thông, điện áp trên 80V nhưng không quá 1000V” thuộc phân nhóm 8544.49.41 “dây dẫn điện khác, dùng cho điện áp không quá 1000V” của nhóm 8544 “dây, cáp điện (kể cả cáp đồng trục) cách điện (kể cả loại tráng men cách điện hoặc mạ lớp cách điện) và dây dẫn cách điện khác, đã hoặc chưa gắn với đầu nối; cáp sợi quang, làm bằng các bó sợi đơn có vỏ bọc riêng biệt từng sợi, có hoặc không gắn với dây dẫn điện hoặc gắn với đầu nối”.

Quyết định đã nêu, khiến doanh nghiệp này đã rơi vào cảnh phá sản, mặc dù sau đó những kết luận và quyết định đã trả lại sự công bằng cho doanh nghiệp, thế nhưng, đây có thể coi là bài học lớn về sự thiếu thống nhất trong áp mã HS.

Đã có doanh nghiệp bị đẩy đến cảnh phá sản từ sự thiếu thống nhất trong áp mã HS của cơ quan Hải quan - Ảnh minh họa

Đã có doanh nghiệp bị đẩy đến cảnh phá sản từ sự thiếu thống nhất trong áp mã HS của cơ quan Hải quan - Ảnh minh họa

Hay vào tháng 6/2020, hàng loạt doanh nghiệp hạt giống tại TP. Hồ Chí Minh đã phải làm đơn kêu cứu vì bị cơ quan Hải quan truy, áp thuế không đúng.

Theo đơn kêu cứu của các doanh nghiệp trên thì Cơ quan Hải quan tại TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu họ phải đóng thuế nhập khẩu 10% đối với mặt hàng hạt giống rau, dưa hấu cũng như truy thu thuế mặt hàng hạt giống dưa hấu từ năm 2015 đến năm 2018; Áp dụng thuế nhập khẩu 10% đối với hạt giống bí đỏ, dưa lê, dưa lưới, hạt hoa hướng dương từ năm 2019 và thuế nhập khẩu 15% đối với mặt hàng hạt giống ngô, rau mùi từ năm 2020.

Tuy nhiên, căn cứ theo Luật Thuế xuất nhập khẩu 107/2016/QH13 ngày 6/4/2016 và các Nghị định liên quan, Quyết định số 2432/QĐ-BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì các mặt hàng hạt giống rau (bao gồm cả hạt giống cây trồng khác Việt Nam chưa sản xuất được) được hưởng thuế suất ưu đãi 0%.

Việc truy thu, áp đặt thuế của Hải quan tại TP. Hồ Chí Minh khiến cho doanh nghiệp hoang mang, lo lắng và vô cùng lúng túng trong việc nộp thuế cũng như thông quan hàng hóa và gây bất ổn giá cả hạt giống rau, dưa, bí các loại trên thị trường,…

Và tại hội thảo Báo cáo “Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2020” vừa qua, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng một lần nữa nhấn mạnh, vấn đề xác định trị giá hàng hoá khi khai hải quan không thống nhất là câu chuyện tồn tại lâu rồi nhưng vẫn nóng.

Vậy, vì đâu doanh nghiệp muốn kiện… Hải quan? Có lẽ chỉ cần nhìn vào những thực tiễn đã nêu, có thể thấy, những hệ lụy từ sự thiếu thống nhất trong áp mã HS đã tác động tiêu cực như nào đến doanh nghiệp.