Theo thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2020, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 18.878 công trình xây dựng, qua đó, phát hiện 88 trường hợp xây dựng không phép; 154 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 25 công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường, tổng số tiền phạt trên 9,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc áp dụng Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về chế tài xử phạt vi phạm còn thấp, chưa tạo ra được sức răn đe.

Thực trạng vi phạm trật tự xây dựng tại các chung cư khiến dư luận vô cùng quan ngại thời gian vừa qua

Thực trạng vi phạm trật tự xây dựng tại các Chung cư khiến dư luận vô cùng quan ngại thời gian vừa qua, đầu tiên là trường hợp tòa nhà HH1B Chung cư Meco Complex - Ảnh: LĐ

Đáng nói, thường niên, Sở Xây dựng đều có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tăng cường kiểm tra việc thực hiện giấy phép xây dựng được cấp, thế nhưng, tại các dự án Chung cư cao tầng vi phạm thi công sai so với giấy phép xây dựng xảy ra với tần suất ngày một nhiều, và hầu hết khi xảy ra sự cố mới phát lộ sai phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đe dọa tài sản, tính mạng người dân.

Điển hình như trường hợp tòa nhà HH1B Chung cư Meco Complex, ngõ 102 Trường Chinh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, nơi xảy ra sự cố sập sàn tầng 2 khiến 2 người bị thương nặng là hạng mục chủ đầu tư đã xây dựng, lắp đặt sai thiết kế so với giấy phép được cấp.

Sau sự cố nêu trên, đại diện cơ quan quản lý trật tự xây dựng địa bàn cũng xác nhận: “Ngay sau khi vi phạm xảy ra, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra lại bản vẽ thiết kế thi công và giấy phép xây dựng, theo đó, hạng mục bị sập là không đúng với thiết kế, chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư phải lắp đặt lại theo đúng thiết kế ban đầu”.

Tiếp đến là vụ sập giàn điều hòa tại Chung cư An Bình Plaza số 97 Trần Bình, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội - Ảnh: VTC

Tiếp đến là vụ sập giàn điều hòa tại Chung cư An Bình Plaza số 97 Trần Bình, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội - Ảnh: VTC

Hay mới đây, đêm 27/4 vừa qua, dư luận lại được một phen xôn xao khi chứng kiến giàn điều hòa rơi xuống khu vui chơi trẻ em xảy ra tại Chung cư An Bình Plaza số 97 Trần Bình, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội bất ngờ đổ sập xuống khu vui chơi cho trẻ em, rất may không có thiệt hại về người.

Nguyên nhân ban đầu được xác định, sự cố xảy ra do một doanh nghiệp thuê văn phòng tại dự án đã tiến hành lắp đặt và phân bổ các cục nóng chưa đúng vị trí.

Thực tế trên không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn xây dựng tại các dự án Chung cư, mà còn cho thấy những “lỗ hổng” từ công tác quản lý của các lực lượng chức năng trong quản lý trật tự xây dựng.

Một số chuyên gia cho rằng, vi phạm về trật tự xây dựng tại các dự án Chung cư, nhà cao tầng từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm, vì trong đó vẫn tồn tại sự “mập mờ” bởi mối quan hệ xin – cho. Những hạng mục xây dựng sai phép, sai thiết kế tại các dự án Chung cư mới đây chưa ghi nhận xảy ra tử vong về người nhưng cũng đủ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự bất ổn trong quản lý.

Dù chưa có thiệt hại về tính mạng con người nhưng những thực trạng vi phạm trật tự xây dựng tại các Chung cư đang gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan quản lý - Ảnh: TN

Dù chưa có thiệt hại về tính mạng con người nhưng những thực trạng vi phạm trật tự xây dựng tại các Chung cư đang gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan quản lý - Ảnh: TN

Thông tin với báo chí, Chuyên gia quy hoạch đô thị - KTS Trần Tuấn Anh cho biết, theo quy định, tất cả hạng mục trong dự án khi thay đổi công năng, thiết kế đều phải được sự cho phép bằng văn bản của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và phải đảm bảo chất lượng, an toàn vận hành, phòng cháy, chữa cháy...

“Thực tế, vấn đề xây dựng sai thiết kế, sai giấy phép được cấp tồn tại ở rất nhiều dự án, trong đó có những dự án đã đi vào vận hành từ hàng chục năm nay. Hàng năm, cơ quan quản lý Nhà nước tiến hành xử lý hàng trăm công trình xây dựng sai thiết kế nhưng phần lớn là công trình mới, còn những công trình đã đi vào sử dụng “cháy nhà ra mặt chuột”, chỉ khi có sự cố mới được nhắc đến” – KTS Trần Tuấn Anh nhìn nhận.

Còn theo KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội, quy định về xử lý vi phạm trật tự xây dựng chế tài nặng nhất là bắt buộc và cưỡng chế tháo dỡ, nhưng thực tế để thực hiện tháo dỡ không đơn giản, vừa hao tổn tài lực, vật lực của Nhà nước và người dân. Vì vậy, để hạn chế tình trạng trên cần phải nâng cao vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, có chế tài kỷ luật nặng tay đối với những cán bộ vi phạm, không chỉ dừng lại ở cảnh cáo, khiển trách mà cần phải cách chức, cho thôi việc.