Nếu thành công, đây có thể sẽ là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của Amazon trong mảng giải trí. 

Cùng với những cái tên như Netflix hay Disney+, Amazon cũng có chân trong mảng phim trực tuyến với con cưng Prime Video. Trong năm ngoái, Amazon đầu tư 11 tỷ USD cho các mảng chương trình, phim và nhạc cho Prime Video, thu hút được 175 triệu người xem - một con số khá ấn tượng.

Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đủ giúp Amazon giành được vị trí số 1 trong cuộc chiến khốc liệt của ngành streaming. Netflix dẫn đầu với 51%, Disney+ 29%, theo sau là HBO Max. Apple (với Apple TV +) và Amazon (với Prime Video) cũng chỉ chiếm được thị phần khá ít ỏi. Đó là còn chưa kể đến những dịch vụ quen thuộc khác (nhưng thị phần ít hơn) như Discovery hay Paramount Pictures. Thậm chí các đài truyền hình truyền thống cũng muốn chen một chân vào thị trường streaming màu mỡ này.

Một vũ khí quan trọng bậc nhất để ‘chiếm’ khách hàng chính là phim độc quyền. Trong năm 2020, Netflix đầu tư tới 17 tỷ USD, chủ yếu để làm phim độc quyền. Cộng thêm với số lượt người sử dụng “khủng” nhất trong tất cả các dịch vụ nhờ tham gia sớm vào thị trường đã đưa Netflix hiện vẫn đang tạm dẫn đầu.

Disney+ cũng không kém cạnh với thông báo dành ra 14 - 16 tỷ USD mỗi năm (đến năm 2024) để làm phim. Bên cạnh đó, những tựa phim độc quyền kinh điển như Star Wars, Marvel và Pixar luôn giúp Disney+ có được vị thế vững chắc trên thị trường.

Không chỉ đua tranh thị phần bằng số lượng phim, các dịch vụ này còn hướng đến danh tiếng trong giới Hollywood. Kể từ năm 2017, khi Netflix và Amazon trở thành 2 đơn vị streaming đầu tiên đoạt giải Oscar, thì các dịch vụ streaming đang ôm tham vọng (và tiềm năng) lớn hơn bao giờ hết.

Năm nay, Netflix giành được 36 đề cử Oscar, nhiều nhất trong số các hãng phim. Netflix còn thuê những rạp phim biểu tượng ở Hollywood và New York để chiếu những bộ phim có cơ hội tranh giải Oscar của mình. Disney thắng 5 đề cử, còn Amazon thắng 2.

Để cạnh tranh trong thị trường khốc liệt như vậy thì nội dung độc quyền chính là chìa khóa then chốt, vừa giúp nền tảng giữ chân khách hàng cũ, lôi kéo khách hàng mới, vừa có thể hướng đến việc đua tranh các giải thưởng.

Vậy nên việc Amazon chấp nhận chi khủng để mua lại MGM là điều không quá khó hiểu

Bản thân MGM có đến 4.000 tựa phim, với những cái tên cực nổi tiếng như James Bond hoặc Cuốn theo chiều gió. Cùng với đó là 17.000 tập phim dài tập, từ The Handmaid’s Tale cho đến Real Housewives.

Không chỉ là số lượng phim, bản thân thương hiệu MGM cũng là một cái tên bảo chứng chất lượng. Đây là một trong những hãng phim lâu đời nhất thế giới. Việc gắn liền với MGM sẽ giúp “lính mới” Prime Video “hưởng ké” danh tiếng.

Tại Việt Nam, Viettel Media cũng tham gia thị trường phim trực tuyến với dịch vụ Keeng. Nhưng đến nay, Keeng chưa có trong tay vũ khí gì để cạnh tranh với các ông lớn. Họ cũng không còn cách nào khác ngoài phải tham gia làm phim. Một trong các phương án đó là đầu tư cho các nhà làm phim độc lập (indie) trẻ, bằng dự án Sáng kiến Phim Trẻ 360. Ý tưởng tương tự như Amazon mua MGM.

Nếu thương vụ mua lại này thành công, cuộc chiến streaming lại một lần nữa chứng tỏ sự khốc liệt, đồng thời cũng là tính hấp dẫn của mình.