Tư duy nhỏ của người Việt thể hiện khá rõ trong giao thông: Thời trước, hệ thống giao thông của nước Việt chỉ là những con đường nhỏ cho người đi bộ, ngựa, trâu, bò và xe hai bánh người kéo. Ít có đường rộng đủ để xe bốn bánh ngựa kéo hay ô tô đi lại được (Các đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện trải nhựa, đường xe điện, đường tàu hoả đều được xây dựng thời Pháp thuộc).

Giao thông toàn đường nhỏ cho người và xe hai bánh rất lợi hại cho phòng thủ đất nước, chống xâm lược. Chỉ cần rút lui, vườn không nhà trống rồi tuyệt đường tiếp vận là quân xâm lược tự thua và rút về nước. Đọc lịch sử Việt Nam thì thấy hầu hết các triều đại, khi ở thế phòng ngự thì các tướng lĩnh, vua, chúa Việt Nam đều dùng chiến thuật vườn không nhà trống này để chống xâm lược phương Bắc và đều giành chiến thắng.

Thế nhưng để phát triển kinh tế, giao thương thì đường giao thông nhỏ bé cũng là lực cản, hạn chế lưu thông hàng hóa.

Tư duy nhỏ bé còn thể hiện trong việc ruộng đất được chia nhỏ theo từng thửa, thường là 1 sào 360 m2, với thửa ruộng bé như vậy thì chỉ có thể làm thủ công với hiệu suất thấp, không thể tổ chức sản xuất lớn, không thể cơ giới hóa. Khoán 100 năm 1981 và khoán 10 năm 1988 đã thiết lập nên kinh tế hộ gia đình, người nông dân làm chủ mảnh đất của mình, đã tạo ra cú huých, đột phá, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực thành nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới.

Nhưng như cái lò xo bị nén được giải phóng đã bung hết cỡ, những năm gần đây, nông nghiệp không còn lực phát triển nữa, bởi bản chất kinh tế hộ gia đình vẫn là lối tư duy nhỏ bé. Phải làm lớn, tích tụ ruộng đất lớn để sản xuất với quy mô lớn, đưa máy móc, tự động hoá vào, đặc biệt phải đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao theo công nghệ của Nhật Bản, Israel. Chỉ có như vậy nông nghiệp và nông thôn Việt Nam mới có bước phát triển mạnh mẽ, mới có năng suất và hiệu suất cao.

Tư duy nhỏ bé còn thể hiện trong việc tổ chức buôn bán thông qua chợ cóc, vỉa hè. Với chợ cóc, buôn bán vỉa hè thì xe máy là phương tiện giao thông thích hợp nhất vì có thể dừng bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào. Khi xe máy ít thì đúng là rất thuận tiện, nhưng bây giờ khi Hà Nội có năm triệu xe và Hồ Chí Minh có tám triệu xe, nạn kẹt xe thường xuyên xảy ra thì hiệu quả của cả xã hội rất thấp, mỗi ngày người dân tốn thêm trung bình 45-75 phút cho việc đi đến công sở và trở về nhà. Bây giờ chúng ta mới bắt đầu nghĩ đến đường sắt đô thị, metro thì ít nhất phải 10-15 năm nữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mới có hệ thống đường sắt đô thị, metro.

Tư duy nhỏ bé còn thể hiện trong các doanh nghiệp. Ai cũng biết doanh nghiệp nhỏ thì năng động hơn, nhưng doanh nghiệp lớn mới có tiềm lực, có thể đảm nhận những công trình lớn, mới có thể cạnh tranh quốc tế. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam sau một vài năm thành lập, phát triển thành công một chút, lớn một chút là tách làm hai, làm ba, kể cả những công ty do 2-3 người bạn thân cùng góp vốn.

Nếu chúng ta không có những công ty lớn thì không thể cạnh tranh quốc tế, không thể làm được những việc lớn. Đất nước mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới đã 22 năm mà nếu doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm thầu phụ ngay trên chính sân nhà mình cho các dự án đấu thầu quốc tế thì không ổn.

Hội nhập kinh tế thế giới là tất yếu, nhưng sau 22 năm hội nhập, một số thương hiệu Việt nổi tiếng một thời lại vào tay các hãng nước ngoài chỉ vì doanh nhân Việt không dám nghĩ lớn, không dám đương đầu cạnh tranh sòng phẳng với các hãng nước ngoài, dù là trên sân nhà. Thương hiệu Việt bị các hãng nước ngoài “nuốt chửng,’’ mất luôn tên tuổi có thể kể đến như: kem đánh răng Dạ Lan bị Colgate Palmolive thôn tính, kem đánh răng PS về tay Unilever, bia Huế về tay Carlsberg Đan Mạch, Tribeco về tay Uni-President, Phở 24 và Highland Coffee về tay Jollibee Ford…

Một điểm yếu nữa của nhiều doanh nhân Việt là ít có ‘‘máu’’ chinh phục, ít có ‘‘máu’’ kinh doanh quốc tế, hay khát vọng toàn cầu hoá. Trong khi người phương Tây vào tận nước mình, kinh doanh, thôn tính, kiếm tiền của mình, mà các doanh nghiệp Việt chỉ quanh quẩn trong nước, thậm chí trong thành phố mình, tỉnh mình thì rõ ràng sẽ thua thiệt nhiều thứ.

Năm 1998, FPT quyết định chiến lược Toàn cầu hoá Xuất khẩu Phần mềm, anh Trương Gia Bình đã gặp rất nhiều lực cản cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Rất nhiều lãnh đạo FPT sợ thất bại, sợ mất tiền. Để thể hiện quyết tâm, anh Trương Gia Bình đã phải ra nghị quyết đầu tư 1 triệu đô la cho xuất khẩu phần mềm (một con số gấp 2,5 lần toàn bộ doanh thu phần mềm trong nước của FPT năm 1998). Chưa đủ, anh Trương Gia Bình còn thể hiện quyết tâm bằng khẩu hiệu “Dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải xuất cho được phần mềm”. Nếu không có những quyết tâm cao độ đó thì hôm nay FPT đã không có 10.000 người làm xuất khẩu phần mềm với doanh thu 300 triệu đô la năm 2016.

Đến giai đoạn xuất khẩu lần thứ hai của FPT, kiếm được hợp đồng từ các nước đang phát triển đã khó, để có chuyên gia sẵn sàng đi nước ngoài triển khai hợp đồng cũng khó không kém. Chúng tôi đã phải xây dựng chính sách ưu đãi cho chương trình Toàn cầu hoá như tiêu chuẩn ăn, ở, đi lại, công tác phí, phụ cấp toàn cầu hoá, ba tháng về thăm nhà một lần, vậy mà cũng không mấy cán bộ tự nguyện đi Toàn cầu hóa. Chưa hết, chúng tôi còn quy định quy đổi doanh số Toàn cầu hoá được nhân hệ số 4, tức là 1 triệu đô la doanh số Toàn cầu hoá bằng 4 triệu đô la doanh số ở thị trường Việt Nam.

Hiện tại, tuy Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu 162 tỷ đô la (năm 2015) nhưng hầu hết là xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản, thuỷ hải sản, nông sản, thực phẩm và hàng gia công, chứ rất ít từ dịch vụ, từ công nghệ, tức giá trị chất xám của người Việt còn chiếm tỷ lệ rất thấp.

Về tinh thần thì số doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài (không tính Campuchia và Lào) chinh chiến, hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh tại các quốc gia khác mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu phải kể tên thì cũng chỉ có Viettel, FPT, Hoàng Anh Gia Lai…

Chúng ta không kiếm được tiền của các nước khác mà lại để doanh nghiệp các nước khác kiếm tiền của mình, trên sân nhà mình thì chúng ta nghèo hơn người ta là đúng thôi.

(Còn nữa)