Đây được cho là những những nguyên nhân chính khiến đường sắt Cát Linh-Hà Đông chưa thể vận hành được.

Trao đổi với Dân trí ngày 11/7, đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, hiện nay nhân sự của Tổng thầu có 27 người, bao gồm các thành viên lãnh đạo và chuyên gia, tư vấn giám sát có 5 người. Toàn bộ hơn 30 nhân sự đã hết cách ly theo quy định 14 ngày về yêu cầu kiểm tra dịch tễ Covid-19.

Đề cập tới công việc hiện tại của phía Tổng thầu Trung Quốc, đại diện Ban QLDA đường sắt cho hay: “Họ đang tập trung hoàn thiện hồ sơ hoàn công và bổ sung các thủ tục giấy tờ bị thiếu theo yêu cầu. Các nhân sự này không thuộc đội vận hành dự án”.

Trên thực tế, nhân sự phía Trung Quốc thực hiện dự án là 150 người, nhưng số lượng có mặt tại dự án mới chỉ đáp ứng được 1/5 tổng số nhân sự cần thiết để hoàn thiện dự án.

Đáng nói, đội ngũ nhân sự vận hành của phía Tổng thầu Trung Quốc được cho là quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay thì lại chưa sang Việt Nam. Việc thiếu khuyết lao động triển khai các các hạng còn lại đang gặp khó khăn.

“Tổng thầu Trung Quốc hiện chưa hoàn thành công tác hồ sơ, giấy tờ nên họ chưa sẵn sàng để vận hành dự án, vì thế họ chưa trả lời khi nào nhân sự của họ sẽ có mặt đầy đủ. Chúng tôi đang đốc thúc và yêu cầu phía Tổng thầu phải đưa nhân sự vận hành sang Việt Nam trong tháng 7 này” - đại diện Ban QLDA đường sắt thông tin và cho biết: “Dự án chưa đủ điều kiện để thử nghiệm toàn hệ thống”.

Trong khi đó, đơn vị tư vấn độc lập thực hiện kiểm định dự án vẫn đang mắc kẹt ở Pháp do dịch Covid-19 tại châu Âu bùng phát đợt 2 và có những diễn biến phức tạp. Mặc dù các nước châu Âu đã tính tới việc dần mở cửa trong nội khối, nhưng việc đi lại ngoài khối vẫn bị ảnh hưởng, hoạt động vận chuyển bằng đường hàng không cũng chưa thuận lợi.

Kế hoạch đặt ra là trong tháng 8 tới nhóm tư vấn Pháp sẽ tới Việt Nam, tuy nhiên kế hoạch này có thực hiện được hay không lại phụ thuộc vào diễn biến dịch ở nước sở tại” - đại diện Ban QLDA đường sắt cho hay.

Trước đó, tại buổi làm việc giữa tháng 6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT sớm hoàn thiện và đưa vào khai thác các dự án giao thông trọng điểm trong năm 2020 (trong đó có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông), báo cáo Chính phủ đầy đủ những vướng mắc của các dự án này, trình Quốc hội để có hướng xử lý.

"Dự án có thể đưa vào vận hành thử nghiệm hay không phụ thuộc vào kết quả đánh giá của tư vấn ATC" - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết khi thông tin về dự án Cát Linh – Hà Đông. Ông cũng cho biết, Bộ GTVT đang phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để sớm đưa các chuyên gia Pháp sang thực hiện tiếp dự án theo hợp đồng.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng khẳng định: Đang đốc thúc các bên liên quan thực hiện để dự án có thể khai thác thương mại trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào kế hoạch của Hà Nội vì là cơ quan tiếp nhận dự án.

Dự án đường sắt đô Cát Linh-Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng tương đương 552 triệu USD. Quá trình thực hiện dự án được điều chỉnh là 18.001,59 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Nguồn vốn sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị 669,62 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam là 198,4 triệu USD.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã phải tăng tổng mức đầu tư từ gần 8.770 tỷ đồng lên hơn 18.000 tỷ đồng, điều chỉnh tiến độ 4 lần. Ban đầu, thời gian dự kiến thực hiện dự án từ 2008-2013, sau 4 lần điều chỉnh, dự kiến hoàn thành 2018, vận hành, chạy thử đến hết 31/3/2019. Nhưng đến nay, sau cả chục lần lỗi hẹn vẫn chưa xác định được chính thức thời gian hoàn thành dự án.