Theo nghiên cứu do nhóm chuyên gia đến từ Đại học Northwestern, Cục Điều tra dân số Mỹ và Viện Công nghệ Massachusetts tiến hành, những nhà sáng lập tuổi 20 có khả năng xây dựng công ty tăng trưởng hàng đầu thấp nhất. Trước đó, một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Các công ty của nhà sáng lập dưới 30 tuổi có tỉ lệ thất bại cao hơn gần 10% so với các công ty có nhà sáng lập trên 30 tuổi. Tại sao vậy?

Nói đến startup Việt, nhiều người nghĩ đến thế hệ trẻ đang tràn đầy nhiệt huyết và hừng thực khí thế khởi nghiệp. Tuy nhiên, thực tế tại quốc gia khởi nghiệp hàng đầu thế giới với biểu tượng Thung lũng Silicon khiến cả thế giới ngưỡng vọng lại cho thấy đó không phải là độ tuổi khởi nghiệp dễ thành công nhất.

Giải thích nguyên do đưa ra kết luận trên, nhóm nghiên cứu cho rằng: Điểm yếu của starup trẻ là thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh đương đầu với những khó khăn, thách thức. Trong khi đó, startup là thành trình gian nan với tỷ lệ thất bại lên đến 90%, nên để có được thành công không chỉ cần có đam mê, nhiệt huyết mà kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng. Tiếc là kinh nghiệm không phải là những thứ có thể học trên ghế nhà trường mà đòi hỏi phải có trải nghiệm thực tế.

Đó cũng là bài học mà Sanna Vohra - người sáng lập kiêm CEO của The Wedding Brigade - có được sau thời gian làm việc tại Morgan Stanley Coca Cola. Theo Sanna Vohra, dù không thể phủ nhận trường đại học dạy cho chúng ta rất nhiều thứ, nhưng có ít nhất 5 bài học mà các nhà khởi nghiệp trẻ không được dạy trong trường học mà chỉ khi khởi nghiệp mới thấy khác xa so với những gì đã học.

Tuyển dụng và quản lý nhân lực

Trong kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức, quản trị nhân sự đóng vai trò quan trọng, thậm chí có phần nhỉn hơn quản lý kinh doanh. Nếu các nhà sáng lập startup tuyển dụng đúng người cũng như tạo ra động lực và niềm vui cho nhân viên, thì họ sẽ đóng góp đáng kể cho startup cùng các nhà sáng lập hoàn thành mục tiêu đề ra. Bằng không, nếu không biết cách tuyển dụng và giữ chân người tài, thì nguy cơ startup thất bại rất lớn.

Đáng tiếc là các trường đại học có thể không dạy cho các nhà khởi nghiệp trẻ cách nhận biết ứng viên đó có phải là người có ý định gắn bó lâu dài với startup hay không cũng như cách nhận biết ứng viên đó có thuộc tuýp người dám nghĩ, dám làm hay không? Bởi những kỹ năng này chỉ có được khi bắt tay vào công việc thực tế, ít nhiều trải qua vài lần va vấp. Ngoài ra, cách thức thúc đẩy người khác làm việc tốt hơn cũng không phải là điều được dạy ở trường đại học. Song lại là những kỹ năng cần thiết, nếu muốn giữ chân người tài. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia trong lĩnh vực startup đã đưa ra lời khuyên rằng: Hãy làm việc ở các tập đoàn lớn để tích lũy kinh nghiệm trước khi khởi nghiệp.

Thuật ngữ kinh doanh

Trong những ngày đầu thành lập The Wedding Brigade, Sanna Vohra gần như "ngập ngụa" trong cả đống từ viết tắt: MOA, AOA, IEC, COI, TDS, PF... Những thuật ngữ chuyên ngành dùng để chỉ về các loại thuế và quy định áp dụng cho doanh nghiệp của bạn. Song chúng có thể không được dạy ngay cả trong các trường kinh tế, chứ đừng nói đến các trường khác.

Thu hút vốn đầu tư

Thu hút vốn đầu tư là sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học. Ở giai đoạn đầu của khởi nghiệp, CEO Sanna Vohra cho rằng: Đó là nghệ thuật nhiều hơn khoa học. Việc am hiểu những kiến thức được dạy trong trường như: phương pháp định giá dòng tiền chiết khấu... sẽ không giúp startup trẻ thu hút nhà đầu tư mà chỉ trở nên hữu ích trong tương lai. Trong khi đó, ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, yếu tố giúp startup thu hút nhà đầu tư lại phụ thuộc vào kỹ năng trình bày ý tưởng kinh doanh (pitching). Vì vậy, để thu hút được nhà đầu tư, việc trình bày ý tưởng khởi nghiệp càng mạch lạc, hấp dẫn càng tốt.

Để làm được điều này, các nhà khởi nghiệp phải tìm câu trả lời cho những câu hỏi: Làm thế nào mà sản phẩm của startup có thể mang đến giải pháp hoàn toàn khác hoặc chí ít cũng tốt hơn 5-10 lần so với giải pháp hiện tại trên thị trường? Kênh marketing cũng như phân phối của startup là gì? Chúng mang đến lợi thế ra sao? Đội ngũ nhân viên của startup như thế nào? Làm thế nào để nén tất cả thông tin trên vào 10 slide trình bày hoặc ít hơn mà vẫn súc tích?

Dường như chưa có lớp học nào dạy về kỹ năng trình bày PowerPoint trong trường kinh tế, dù nó thực sự rất hữu ích! Điều đó cũng có nghĩa các nhà khởi nghiệp phải tự tích lũy kinh nghiệm thông qua những công việc cụ thể.

Kỹ năng lên kế hoạch ngay cả khi có ít thông tin

Các tình huống kinh doanh được giảng dạy, phân tích, mổ xẻ trong trường đại học thường chỉ xoay quanh những vấn đề mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi đã đi vào hoạt động ít nhất một vài năm (hoặc nhiều thập kỷ), chứ không phải là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Vì thế, các nhà khởi nghiệp thường phải tự mày mò mà hầu như không có bất cứ thông tin nào.

Đơn cử: Việc tính chi phí bỏ ra để có khách hàng mới hoặc mức lương dành cho trưởng bộ phận bán hàng. Nếu không có bất kỳ thông tin nào, thì hai việc trên cũng đủ gây khó cho startup trẻ thiếu kinh nghiệm thực tế, vì những kiến thức học được trong nhà trường không có những điều này. Chỉ một khác biệt nhỏ trong chi phí dự kiến so với chi phí thực tế cũng có thể tạo ra thuận lợi hay khó khăn cho startup.

“Quản trị” tinh thần và cảm xúc bản thân

Đây là một trong những chủ đề ít được đưa ra thảo luận nhất, cho dù đáng lý phải được nhắc đến nhiều nhất. Hành trình trở thành doanh nhân rất chông gai, nhất là trong giai đoạn khởi nghiệp khi mà những tình huống nhà khởi nghiệp phải đối mặt là sự từ chối hơn là chào mừng.

Vì thế, để có thể truyền đồng lực cho cả nhóm và mọi người tập trung vào mục tiêu đã đề ra trong khi những thành quả mà các nhà khởi nghiệp muốn đạt được lại không diễn tiến như ý muốn thực sự là việc rất khó. Nó đòi hỏi các nhà khởi nghiệp, nhất là startup trẻ sự can đảm, niềm tin và cả độ gan lỳ. Việc tìm ra cách thức để giữ cho bản thân bình tĩnh, tập trung hiện thực hóa mục tiêu và xả stress là kỹ năng mà các nhà khởi nghiệp không thể có được trên ghế nhà trường mà chỉ có trải nghiệm thực tế mới tôi luyện cho họ bản lĩnh đó.