Một loạt công ty thanh toán đã rời bỏ Libra - Ảnh: BTC Manager

Một loạt công ty thanh toán đã rời bỏ Libra - Ảnh: BTC Manager

Khi ra mắt vào ngày 18.6 vừa qua, dường như Libra trở thành một thế lực mới hứa hẹn mở rộng tầm ảnh hưởng của Facebook trên toàn thế giới. Trong bối cảnh Facebook đang thu hút được hàng tỉ người dùng và hàng tỉ USD lợi nhuận hằng năm, giờ đây lấn sân sang mặt trận tiền tệ khiến họ như hổ mọc thêm cánh.

Người đứng đầu phụ trách công nghệ blockchain của Facebook là David Marcus đã vạch ra kế hoạch cho Libra từ tờ giấy trắng, với sự tham gia của một loạt công ty tài chính tên tuổi nhất thế giới để giúp điều hành loại tiền điện tử này dưới trướng Liên minh Libra.

Đó là tầm nhìn của Facebook đối với một loại tiền tệ xuyên biên giới và dựa trên những đối tác lớn, khiến sự lớn mạnh của Libra dường như là khó ngăn cản.

Tuy nhiên, sau những sóng gió liên tiếp, Paypal trở thành đối tác đầu tiên rút khỏi liên minh này vào ngày 4.10, chỉ sau đó ít ngày, một loạt ông lớn về thanh toán khác bao gồm eBay, Visa, Mastercard, Stripe và Mercado Pago cũng lần lượt thông báo rời khỏi Liên minh Libra.

Điều đó có nghĩa là mọi kênh thanh toán lớn của Mỹ đều đã rút khỏi hiệp hội tiền ảo của Facebook, kênh thanh toán còn lại là PayU chưa đưa ra bình luận gì nhưng nhiều khả năng cũng sẽ rời bỏ nốt trong vài ngày tới.

Đây là một bước ngoặt mang tính báo động đỏ với Facebook trong việc hỗ trợ nền tảng tiền ảo đầy tham vọng của công ty và cũng là dấu hiệu cho thấy những người tham gia sáng lập Libra có thể gây ra nhiều phiền toán cho chính đồng tiền này hơn là hỗ trợ.

Theo TheVerge, mất sự hỗ trợ của tới 5 công ty chỉ trong vòng vài ngày có vẻ như là một cơn chấn động lớn cho tương lai Libra, nhưng thời gian mới là vấn đề. Vào ngày 14.10 tới, các thành viên sáng lập Libra sẽ được triệu tập để tham gia cuộc họp Hội đồng Libra đầu tiên tại Geneva, Thụy Sĩ.

Đây cũng là nơi mà họ sẽ từ bỏ các vai trò khác trước đó để tham gia thảo luận và đi đến thống nhất các điều lệ chính thức của liên minh, sau đó là ký kết thỏa thuận mới.

Quá trình này sẽ đòi hỏi nhiều cam kết cụ thể từ các bên liên quan, do vậy nếu bất cứ ai còn hoài nghi vào tương lai của Libra thì đây là lúc tốt nhất để rời bỏ nó trước khi phải đặt bút vào các bản thỏa thuận ràng buộc.

Điều này cũng có nghĩa là về bản chất, cuộc tháo chạy không hoàn toàn thảm khốc như bề ngoài của nó, bất cứ ai cũng có thể phải cần thêm thời gian để suy nghĩ trước khi tham gia đặt bút ký vào một bản thỏa thuận dài hạn.

Liên minh Libra của Facebook sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trước - Ảnh: Medium

Liên minh Libra của Facebook sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trước - Ảnh: Medium

Nhóm công ty vừa rút lui đều có lý do đặc biệt để có quyết định lạnh lùng, ngoại trừ eBay, tất cả họ đều là các công ty tham gia xử lý thanh toán, nghĩa là họ có các yêu cầu pháp lý cụ thể liên quan đến chống gian lận, rửa tiền và thực thi các lệnh trừng phạt.

Khi các chính phủ bắt đầu nhận ra Libra có thể khiến các yêu cầu pháp lý này trở nên khó khăn, đặc biệt là các kênh xử lý thanh toán sẽ gặp khó khăn hơn trong việc giám sát tính minh bạch của các giao dịch tiền ảo, thì việc rút lui vào thời điểm này là một quyết định dễ hiểu.

Như các thượng nghị sĩ Mỹ Schatz và Brown đã viết về 3 trong số các công ty rời bỏ Libra khi họ sắp rút lui, có vẻ như Facebook đang muốn nhận lợi ích của việc tham gia vào các hoạt động tài chính nhưng lại không muốn chịu trách nhiệm vốn được đặt ra cho các công ty dịch vụ tài chính.

Do vậy, những kẻ khủng bố và rửa tiền cùng các công ty tài chính như Visa và Mastercard cuối cùng sẽ là những người gánh tội thay cho họ (Facebook).

Đó là một viễn cảnh đáng sợ với các kênh thanh toán truyền thống, những công ty có thể hình dung về điều họ phải gánh chịu do các quy định chặt chẽ về tài chính dù vấn đề nằm ở Libra.

Nhưng đối với các công ty khác trong Liên minh Libra, đó không phải là vấn đề lớn. Liên minh này ban đầu gồm một loạt tổ chức, bao gồm cả tổ chức từ thiện, các công ty đầu tư mạo hiểm và các nhà cung cấp dịch vụ như Lyft hay Uber tham gia. Những công ty này không phải chịu áp lực với các ràng buộc pháp lý về tài chính từ các cơ quan quản lý, nên họ không cần phải lo sợ và rút lui sớm.

Tuy nhiên, chính những rắc rối với các kênh thanh toán đã chỉ ra một vấn đề cốt lõi của dự án Libra, một vấn đề không còn có thể giải quyết dễ dàng. Các đồng tiền điện tử dùng công nghệ blockchain hoạt động hoàn hảo trên một hệ thống khép kín, nhưng các vấn đề thường phát sinh ở những nơi chúng giao thoa với các giao dịch ngân hàng thông thường.

Trong thời kỳ đầu của Bitcoin, các kênh xử lý giao dịch thường bị truy tố vì không áp các quy định chống rửa tiền - điều mà nhiều công ty tiên phong chưa bao giờ coi trọng. Chỉ gần đây, các cơ quan quản lý của Mỹ mới bắt đầu đưa vào thực thi bộ luật Know Your Customer (Hiểu khách hàng của bạn) đối với các nhà cung cấp ví điện tử.

Các cổng thanh toán trong và ngoài hệ sinh thái là những thành phần quan trọng nhất và nhạy cảm về mặt pháp lý của bất kỳ dự án tiền tệ mới nào, Libra cũng không phải là ngoại lệ.

Trong tầm nhìn sơ khai, Libra đã chuyển những vấn đề tuân thủ pháp lý này sang cho các kênh thanh toán, với hy vọng Visa và Mastercard sẽ có thể xử lý các yêu cầu tuân thủ phức tạp liên quan đến giao dịch USD cho Libra.

Nhưng sau cuộc ra đi hàng loạt vừa qua, có vẻ như đó không còn là lựa chọn hiện hữu của Facebook nữa, cùng với một mớ quy định dễ gây nản lòng cho nhóm thanh toán cũng như những thành viên khác.

Bất cứ ai tham gia vai trò đó cũng sẽ phải chịu trách nhiệm và gánh một nhiệm vụ nặng nề hơn trước, thuyết phục các chính phủ trên khắp thế giới để dọn đường cho Libra vào thời điểm mà niềm tin của công chúng dành cho Facebook rơi xuống mức thấp chưa từng có. Đó chưa phải là sự kết thúc của Libra, nhưng có lẽ dự án tiền ảo này đang phải đối mặt với con đường khó khăn để tiến về phía trước, khó khăn hơn rất nhiều so với những gì họ từng hình dung.