>>> Đấu giá đất Thủ Thiêm tác động xấu tới thị trường bất động sản

>>> Cổ phiếu bất động sản tiếp tục "sốt nóng" sau vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm

Trước đó, Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt (Công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã trúng đấu giá lô đất mang ký hiệu 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TP.HCM diện tích 10.060 m2 với giá 24.500 tỷ đồng.

Ông Đỗ Anh Dũng đứng lên trả giá lô đất Thủ Thiêm tại phiên đấu giá hôm 10/12 ở TP HCM.

Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đứng lên trả giá lô đất Thủ Thiêm tại phiên đấu giá hôm 10/12 

Trong "tâm thư", ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cho biết đây là mức giá "cao bất ngờ" và khẳng định bản thân trước khi tham gia đấu giá cũng không bao giờ nghĩ đến. 

Ông Dũng khẳng định vì lòng tự hào dân tộc và danh dự của các tập đoàn đầu tư bất động sản trong nước nên đã quyết tâm trả giá cao hơn 3%, tương đương 700 tỷ đồng để vượt qua người trả giá thứ 2 là một công ty nước ngoài.

Sau đấu giá, doanh nghiệp đã suy nghĩ và lắng nghe dư luận xã hội theo nhiều chiều khác nhau và thấy rằng "kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt".

"Đặc biệt sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất vừa qua, chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc trúng đấu giá với kết quả trên sẽ đẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung", Chủ tịch Tân Hoàng Minh nhấn mạnh.

Tiết lộ thêm về lý do tham gia đấu giá, ông Đỗ Anh Dũng cho biết mình chỉ mong muốn "góp sức nhỏ bé của mình để TPHCM có thêm động lực khắc phục khó khăn sau đại dịch. Vì vậy ông quyết tâm tham gia đấu giá với mong muốn vừa "tăng thêm nguồn thu cho ngân sách TP.HCM vừa xây dựng một công trình điểm nhấn đẹp - văn minh - hiện đại và góp phần cải thiện bộ mặt kiến trúc đô thị của Thủ Thiêm".

Các lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) vừa được bán đấu giá

Các lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) vừa được bán đấu giá

Sau khi trúng đấu giá, ông nói tập đoàn này đã thay đổi toàn bộ kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính để đảm bảo đóng tiền theo tiến độ, quy định trong hợp đồng đã ký... đồng thời lên phương án kinh doanh, đầu tư mới phù hợp nhất để có hiệu quả. Và "mặc dù lợi nhuận theo tính toán là khá thấp không đúng như kỳ vọng ban đầu", nhưng "vẫn đảm bảo thu hồi vốn đầu tư...".

Theo tìm hiểu của PV, tại phiên đấu giá, lô đất 3-12 có diện tích hơn 10.059m2 với giá khởi điểm hơn 2.942 tỷ đồng. Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt đã trúng đấu giá lô đất này với mức giá 24.500 tỷ đồng (hơn 2,4 tỷ đồng/m2-PV), gấp 8,3 lần giá ban đầu sau 70 lượt đấu. Theo giới chuyên gia bất động sản, đây là mức giá giao dịch thành công tính theo mỗi mét vuông đất cao kỷ lục, chưa từng có trên thị trường bất động sản.

Vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, Công ty Ngôi Sao Việt có thể phải mất khoản tiền đặt trước là gần 588,5 tỷ đồng - bằng 20% mức giá khởi điểm của lô đất 3-12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015, khoản tiền đặt trước này sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, sẽ thuộc về ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại tổ khi nhắc tới việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nói, đấu giá 1m2 đất ở Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng/m2 là trường hợp "chưa bao giờ xảy ra". Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này xem có bất thường không, còn nếu bình thường thì không sao.

Để tránh những trường hợp kích giá ảo trong các buổi đấu giá, Chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng cũng đề xuất điều chỉnh các quy định liên quan chặt chẽ hơn. Cụ thể, buộc nhà đầu tư tham gia đấu giá phải có trách nhiệm tài chính bảo đảm, không chỉ để đóng đủ tiền sau khi trúng đấu giá mà còn đảm bảo thực hiện dự án theo quy hoạch. Để hạn chế tình trạng không thực hiện hợp đồng sau khi trúng đấu giá, các đơn vị tổ chức đấu giá đất nên xem xét tăng tỷ lệ đặt cọc lên 30%.

"Cũng nên xem xét bỏ quy định khi người thắng đấu giá đầu tiên không trả được tiền thì sẽ lựa chọn người trả giá cao thứ hai làm người thắng đấu giá trong Luật Đấu thầu để loại bỏ khả năng doanh nghiệp bỏ giá cao nhất và doanh nghiệp bỏ giá thứ nhì cùng bắt tay nhau để trúng đấu giá thấp trong khi ngăn cản được các đơn vị khác" - ông Hoàng nêu quan điểm.