Chính phủ vừa ban hành Nghị định 14/2018/NĐ-CP trong đó quy định cụ thể về hoạt động thương mại biên giới. Ảnh: Internet

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 14/2018/NĐ-CP trong đó quy định cụ thể về hoạt động thương mại biên giới. Ảnh: Internet

Theo đó, Nghị định quy định thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới là thương nhân Việt Nam, bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Thương nhân có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới theo cam kết của các điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên. 

Cửa khẩu biên giới thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Quản lý ngoại thương.

Trường hợp hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới thực hiện qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, UBND tỉnh biên giới quyết định, công bố Danh mục các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa sau khi trao đổi, thống nhất với các bộ, ngành liên quan về việc đảm bảo có đủ lực lượng kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước.

Nghị định quy định rõ hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của thương nhân phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế…

Mặc dù Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Trung Quốc được đánh giá đã tạo điều kiện để các tỉnh biên giới khai thác và phát huy thế mạnh tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng Việt Nam cần có chính sách phù hợp để hạn chế dần xuất khẩu tiểu ngạch và tăng cường xuất khẩu chính ngạch. Bởi xuất khẩu tiểu ngạch không chỉ nhiều rủi ro, mà còn khiến hàng hóa Việt Nam không có động lực để cải thiện chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh những thuận lợi từ Hiệp định mang lại, ông Phạm Văn Trường, Trường Cao đẳng kinh tế thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam vẫn cần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hàng hóa bảo đảm chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch. Có như vậy, mới không còn tình trạng “giải cứu” các mặt hàng nông sản hay thực phẩm ở nhiều địa phương như thời gian qua.

Ngoài ra, Nhà nước cần triển khai cụ thể các giải pháp hỗ trợ thương nhân về thị trường, vốn, tạo thuận lợi trong chiến lược xuất nhập khẩu. Đồng thời, nghiên cứu tốt thị trường nước bạn để có phương án xuất khẩu phù hợp. Ngoài ra, cần tiếp tục đàm phán với Trung Quốc mở rộng thêm thị trường cho hàng hóa của Việt Nam vào bằng đường chính ngạch.

Theo ông Đinh Văn Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam cần sớm nghiên cứu đề án thành lập “Hiệp hội kinh doanh biên mậu” để đảm bảo quyền lợi cho các thương nhân của Việt Nam trong kinh doanh với Trung Quốc và các nước láng giềng; đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại ở khu vực biên giới nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới phát triển.

Mặt khác, cần đa dạng hóa các hình thức, phương thức xúc tiến thương mại, tăng cường hợp tác với các nước bạn trong tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị vào sâu trong hệ thống phân phối nội địa của các nước.

Đặc biệt, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách về phát triển thương mại biên giới. Đồng thời, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về hoạt động thương mại biên giới phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động thương mại biên giới.

Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn từng chia sẻ, hoạt động thương mại biên giới tại tỉnh Lạng Sơn vẫn còn những mặt hạn chế, việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; tiến độ xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn còn chậm.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thị trường, quảng bá sản phẩm còn nhiều hạn chế; khó khăn, tổn tại trong quá trình triển khai thực hiện các quy định hiện hành trong quản lý hoạt động thương mại biên giới; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.