Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng giải đáp một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến Biển Đông

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông"

Chiều 4/2, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ theo hình thức trực tuyến. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng giải đáp một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến Biển Đông.

Cụ thể, phóng viên đặt câu hỏi, các Bộ trưởng Anh và Nhật Bản hôm 3/2 đã ra thông cáo chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, phản đối hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng; Anh cũng dự kiến triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cuối năm nay, cũng như từng nhiều lần để ngỏ khả năng cho tàu sân bay tiến vào Biển Đông. Đề nghị Bộ Ngoại giao cho biết phản ứng của Việt Nam với thông tin này.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề Biển Đông, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Hoạt động của các bên ở Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu chung này.”

Bên cạnh đó, trước đề nghị cung cấp thông tin và bình luận về việc hiện nay có một số ảnh vệ tinh và một số thông tin cho thấy một căn cứ tên lửa đất đối không đang được Trung Quốc hoàn tất ở huyện Ninh Minh thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, cách biên giới Việt Nam khoảng 20 km, bà Hằng cho biết sẽ xác minh thông tin như phóng viên hỏi.

Câu hỏi “Trung Quốc định làm gì ở Biển Đông” và “Việt Nam có thể làm gì tại Biển Đông” đã được đặt ra từ lâu. Rõ nhất là sau “khủng hoảng” lần 1 vào tháng 5/2014, lần 2 vào tháng 7-10/2019, lần 3 ngay trong mùa dịch Covid-19 những tháng đầu năm 2020.

Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: Kyodo.

Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: Kyodo.

Nay câu hỏi đó lại được đặt ra trong bối cảnh Trung Quốc ra Luật Hải cảnh mới, cho phép Lực lượng Hải cảnh nổ súng chống lại tàu nước ngoài trong cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này. Luật có hiệu lực từ hôm 1/2 vừa qua sẽ là công cụ mới cho lực lượng hải cảnh nước này tiếp tục hành xử hung hăng và bạo lực ở Biển Đông.

Cần điểm lại một loạt các hoạt động trước đó khi Trung Quốc cũng đã liên tiếp đưa tàu sân bay, tàu đổ bộ trực thăng tấn công khổng lồ, tàu tự hành, máy bay ném bom hạng nặng ra biển Đông; Xây dựng Đài quan sát đáy biển, giúp tìm kiếm khoáng sản và phục vụ cho mục đích quân sự.

Tháng 8/2020, đưa máy bay ném bom hạng nặng ra Trường Sa. Và để chuẩn bị cho việc kiểm soát bầu trời trên Biển Đông, Trung Quốc đã đã thiết lập hệ thống thiết bị bay không người lái (UAV) kiểm soát tầng không và thiết bị lặn tự hành khảo sát đáy biển ở phạm vi 2000km và sâu 2000m…

 Cùng với 27 tiền đồn, căn cứ quân sự từ Hoàng Sa đến Trường Sa, trong 7 bãi đá (Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa, Gaven, Vành Khăn, Xubi) mà Trung Quốc chiếm của ta, thì đá Chữ Thập đã được mở rộng tăng kích thước lên gấp 11 lần, lớn hơn cả đảo Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa/Nam Sa mà Đài Loan đang chiếm giữ.

Cho đến trước khi mở rộng, Trung Quốc là bên duy nhất không có đường băng ở Trường Sa (Đài Loan có ở Ba Bình, Philippines có ở Thị Tứ, Malaysia có ở đá Hoa Lau, Việt Nam có ở đảo Trường Sa Lớn) thì bây giờ đường băng đã xuất hiện ở Chữ Thập, Vành Khăn và Xubi, có cả kho chứa ngầm, các hệ thống liên lạc, ra-đa, cảm biến quân sự, hầm chứa cho các tên lửa tấn công và hệ thống phòng thủ tầm ngắn. Bốn đảo khác nhỏ hơn (Gạc Ma, Châu Viên, Ga-ven và Đá Tư Nghĩa) đều được trang bị súng phòng không và có thể là hệ thống vũ khí phòng vệ tầm thấp để chống lại các cuộc tấn công tên lửa hành trình..v..v.

Từ diễn biến trên thực địa, Biển Đông được Trung Quốc đặt dưới sự kiểm soát đa tầng, nghĩa là mọi hoạt động dưới mặt nước, trên mặt nước và trong khoảng không trên mặt nước biển đều không thoát khỏi “tầm nhìn” của họ.

Có thể nói, Trung Quốc luôn khao khát biển Đông vì Biển Đông có tất cả. Tất cả đó là gi? Đó là một nguồn lợi cá và hải sản khổng lồ, một nguồn lợi về tài nguyên dầu khí lên tới hàng ngàn tỉ đô la Mỹ và nhất là một tuyến hàng hải, một tuyến thương mại quốc tế không thể thay thế.

Đặc biệt là địa chiến lược quân sự, khống chế được tuyến này là có thể bắt nạt các quốc gia cần đến nó, bắt nạt các nước lớn, bắt nạt cả thế giới. Nên các quốc gia lớn như Nhật Bản, Mỹ, Anh… lên tiếng phản đối sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng là lẽ đương nhiên.

Đối với Việt Nam, các thế hệ người Việt Nam hãy nhớ và phải nhớ, năm 2020 - tròn 70 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Nay bước sang năm 2021, hơn 70 năm ấy biết bao “mặn nồng”, giữa hai nước có vui, có buồn, có hữu nghị, có xung đột, thậm chí chiến tranh. Việt Nam và Trung Quốc đã là hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện.

Nhưng, trên thực tế những gì chúng ta thấy mối quan hệ hữu nghị, bình yên giữa 2 nước chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Và xét riêng vấn đề Biển Đông, khu vực này chưa bao giờ hết nóng, vì để chiếm được lợi ích cốt lõi trên Biển Đông, Trung Quốc đã đang và sẽ tiến hành theo kiểu “ngoại giao pháo hạm” như những gì dư luận quốc tế thấy trong thời gian qua.

Chúng ta đã kiên trì, bình tĩnh xử lý, nay càng phải bình tĩnh không nóng vội, chủ quan, khinh suất, không bị cuốn vào vòng xoáy “mắc mưu khiêu khích”, mất kiểm soát. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bằng sức mạnh tổng hợp ngoài khơi và trong bờ để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, dù còn một tín hiệu nhỏ nhoi, mong manh của hòa bình cũng phải dựa vào pháp luật để giải quyết bằng pháp luật và hòa bình.