Trong 10 năm qua, Việt Nam luôn là một trong các quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trung bình khoảng 6-7% một năm, cao gấp 10 lần so với các nước đã phát triển có tốc độ tăng trưởng từ 0.5-1% một năm.

Chưa bắt kịp các quốc gia phát triển

Mặc dù Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng tốt nhưng chúng ta chưa thực sự tăng trưởng đủ nhanh để bắt kịp các quốc gia đã phát triển. Có thể thấy tốc độ tăng trưởng trung bình của Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 1968-1997 là 15% giúp cho GDP bình quân đầu người tăng từ 189 đô la lên 12.131 đô la.

Như vậy, so với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ bắt kịp với GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc năm 1997 vào năm 2048 tức sau 30 năm nữa! Như vậy, Việt Nam cần tổng cộng 58 năm để làm được những gì Hàn Quốc làm trong 28 năm.

Một báo cáo được thực hiện năm 2016 của Tổng cục Thống kê phân tích về năng suất lao động của Việt Nam chỉ ra rằng, trong vòng 10 năm qua, động lực chính thúc đẩy kinh tế là dựa vào các nguồn vốn đầu tư khi các nguồn vốn này thường xuyên chiếm tỷ trọng từ 50-80% trong các tác nhân thúc đẩy GDP của Việt Nam.

Trong khi đó chỉ số TFP của Việt Nam thường xuyên dao động trong khoảng 5-15% và mới gần đây tăng lên 30%. TFP (Total Factor Productivity) là chỉ tiêu đo lường năng suất của đồng thời cả “lao động” và “vốn” trong một hoạt động cụ thể hay cho cả nền kinh tế.

TFP phản ánh sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, qua đó sự gia tăng đầu ra không chỉ phụ thuộc vào tăng thêm về số lượng của đầu vào mà còn tùy thuộc vào chất lượng của các yếu tố đầu vào là lao động và vốn. Cùng với lượng đầu vào như nhau, lượng đầu ra có thể lớn hơn nhờ vào việc cải tiến chất lượng của lao động, vốn và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này.

Vì vậy, tăng TFP gắn liền với áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức quản lý và nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề của người lao động…

Nếu chỉ nhìn vào con số để so sánh, thì chỉ số TFP ở mức 30% của Việt Nam ở thời điểm hiện tại là một con số tương đối tiềm năng của một quốc gia đang trong giai đoạn phát triển. Trong giai đoạn phát triển rất nhanh của Hàn Quốc thì quốc gia này cũng chỉ đạt chỉ số TFP khoảng 36%, tức là không có sự chênh lệch lớn so với Việt Nam hiện tại.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải tính đến yếu tố thời điểm khi Việt Nam và Hàn Quốc không phát triển ở cùng một thời kỳ. Thời kỳ phát triển của Hàn Quốc là 1950-2014, vẫn gắn liền với các ngành công nghiệp nặng, nhà xưởng, máy móc…, khi đó Hàn Quốc tập trung đưa thêm lực lượng lao động mới vào nền kinh tế để thông qua đó tăng GDP của quốc gia.

Mất dần lợi thế nhân công giá rẻ

Đặc điểm của việc tập trung đưa nhiều nguồn lao động mới vào nền kinh tế một cách nhanh chóng là năng lực sản xuất của đội ngũ lao động này không cao, chủ yếu làm các công việc lao động phổ thông.

Tuy nhiên, ở giai đoạn phát triển hiện tại của Việt Nam, các công việc lao động phổ thông đang biến mất một cách nhanh chóng và dần bị thay thế bởi máy móc và công nghệ.

Một trong các động lực phát triển của Việt Nam là trở thành công xưởng của thế giới nhưng chiến lược này rất nhiều khả năng không thể dẫn Việt Nam tới sự phát triển bền vững vì sự thay đổi của công nghệ.

Quyết định chuyển nhà xưởng, nhà máy từ quốc gia này sang quốc gia khác được thúc đẩy bởi yếu tố duy nhất là lợi nhuận. Các nhà máy gia công chuyển từ Đài Loan sang Trung Quốc rồi sang Việt Nam chỉ phụ thuộc vào quốc gia nào có thể cho phép các doanh nghiệp sản xuất với chi phí thấp nhất và lợi nhuận nhiều nhất.

Sự phát triển của các công nghệ tự động hóa trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm Việt Nam mất đi lợi thế của mình về nhân công giá rẻ và Việt Nam cũng không phải là một quốc gia có diện tích đất đai lớn để có thể cạnh tranh về giá đất cho các nhà máy ở các quốc gia khác.

Công nghệ tại Việt Nam vẫn chưa tối ưu 

Một so sánh khác, trong giai đoạn 1950 – 2014 chỉ số TFP của Hàn Quốc có mức tăng trưởng là 36%; Malaysia đạt 35%, Thái Lan đạt ngưỡng tăng trưởng TFP tới 50% trong giai đoạn 1957-1995. Đạt kỷ lục về năng lực tăng trưởng chỉ số TFP là Indonesia, chỉ trong vòng 14 năm, từ 2000-2014, Indonesia đã tăng trưởng chỉ số TFP lên tới 62%.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của TFP trong giai đoạn 2000-2014 là một trong những yếu tố đã đưa Indonesia trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và là một trong những nền kinh tế thị trường mới nổi trên thế giới.

Đất nước này cũng đã là thành viên của G20 và được phân loại là một quốc gia mới công nghiệp hóa. Indonesia là nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới tính theo GDP, năm 2012, Indonesia thay thế Ấn Độ trở thành nền kinh tế G-20 tăng trưởng nhanh thứ hai, sau Trung Quốc.

Ngoài ra, Indonesia cũng là đất nước có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển nhất và là cái nôi ra đời của nhiều startup công nghệ “tỷ đô” nhất trong khu vực Đông Nam Á như: Traveloka, Go-Jek, Tokopedia, Bukalapak.

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Indonesia bắt đầu vào khoảng năm 2010 cùng với sự ra đời của 4 startup “tỷ đô” kể trên. Dựa trên nghiên cứu được thực hiện bởi Google và AT Kearney vào cuối năm 2018, tổng số vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đã tăng gấp 68 lần trong 5 năm qua.

Xu hướng này cho thấy niềm tin và sự đóng góp tích cực của nhà đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Indonesia. Có thể thấy, sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, đi cùng với hiệu quả trong việc thương mại hóa công nghệ đã là một trong những yếu tố đưa chỉ số TFP của Indonesia trong giai đoạn 2000 – 2014 đạt mức tăng trưởng vượt bậc 62%.

Theo phân tích gần đây của Ngân hàng thế giới ở 38 quốc gia và khu vực, tiến bộ công nghệ đóng góp 50% vào tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển, hơn 30% ở các nước đang phát triển.

Tại Hàn Quốc, đột phá trong KH&CN giúp kinh tế xã hội nước này tăng trưởng mạnh, mức thu nhập bình quân đầu người tăng cao từ 1.040 đô la (1977) lên 3.360 đô la sau 10 năm. Đầu tư cho KH&CN của nước này tăng nhanh từ 378 triệu đô la lên 5 tỷ đô la, tương ứng với 13 lần.

Với Trung Quốc, đầu tư cho KH&CN tăng mạnh từ 0,6% GDP (2001) lên 1,43% GDP (2007) đã tạo đòn bẩy đưa GDP bình quân đầu người tăng từ 1.047 đô la lên 2.604 đô la.

Nước ta, trong thời kỳ 1998-2002, tỷ trọng đóng góp của yếu tố KH&CN vào tăng trưởng GDP chiếm gần 23%, kéo mức thu nhập bình quân đầu người từ vài trăm đô la đạt ngưỡng 1.000 đô la.

Có thể thấy, nếu so sánh riêng với các nước đang phát triển, tỷ trọng đóng góp của KH&CN ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp; nếu so sánh với các nước phát triển, tỷ trọng này ở Việt Nam mới chỉ bằng phân nửa. Trong khi đó, tỷ trọng này càng cao, tiềm năng phát triển của quốc gia đó càng nhanh.

Thời điểm hiện tại, công nghệ tại Việt Nam vẫn chưa tối ưu được khả năng thương mại hóa như thế giới, đặc biệt là các quốc gia có hệ sinh thái Startup phát triển như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Anh, Ấn Độ…

Lý do thứ nhất đến từ việc các giảng viên khoa học không muốn hoặc không biết cách kinh doanh, thương mại hóa công nghệ và các nhà khoa học cũng không có động lực để kinh doanh.

Lý do thứ hai, startup là công cụ tốt để giải quyết vấn đề thương mại hóa công nghệ nhưng hiện tại đang gặp phải khó khăn khi thị trường vốn của Việt Nam quá sơ khai để họ có đủ nguồn lực thực hiện thương mại hóa công nghệ.

Chúng ta có thể điểm lại một số kênh truyền thống mà các công ty có thể tận dụng để kêu gọi vốn:

Người thân và gia đình: Kênh này rất phù hợp cho các công ty Startup mới khởi sự nhưng không phải startup nào cũng có điều kiện như vậy và Nhà nước không thể xây dựng mô hình này thành một kênh đầu tư quy mô.

Ngân hàng: Khác với quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc thù của ngân hàng là bảo toàn vốn, do đó khi ngân hàng cấp khoản vay, tiêu chí hàng đầu là khả năng đảm bảo thu hồi tiền thông qua thẩm định và đánh giá các tiêu chí như doanh thu, dòng tiền, lợi nhuận và tài sản đảm bảo...

Như vậy, dễ thấy startup trong những năm đầu tiên sẽ không đáp ứng được 2 yếu tố này. Hơn nữa, khác với quỹ đầu tư mạo hiểm cấp vốn để đổi lại cổ phần thì ngân hàng cấp vốn thông qua khoản vay có lãi mà startup mới thành lập sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu trả lãi vay và trả cả gốc.

Quỹ đầu tư mạo hiểm: Cặp bài trùng của Startup, tuy nhiên ngay cả quỹ đầu tư mạo hiểm cũng có các quy định trong việc quản lý vốn cũng như số tiền tối thiểu đầu tư vào mỗi công ty (thường từ 500 ngàn đô la trở lên) và các Startup Việt Nam đa phần đều không đạt quy mô cần thiết.

Ngoài ra, quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư theo xu thế và theo hiệu quả khai thác thị trường của Startup. Điều này tạo thành vòng luẩn quẩn cho Startup: không có người dùng và/hoặc không có doanh thu dẫn đến không huy động được vốn; không huy động được vốn thì không có vốn để kinh doanh, và không có vốn kinh doanh thì lại dẫn đến không có người dùng/không có doanh thu....

Sàn chứng khoán: Đây là một kênh huy động vốn lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhưng startup ở giai đoạn rất sớm (very early stage) chưa chứng minh được sự thành công thì không thể huy động từ sàn chứng khoán.

Và ngược lại các startup đã thành công lại chưa chắc đã muốn huy động vốn từ sàn chứng khoán với các lý do sợ mất quyền kiểm soát doanh nghiệp; phải công khai kết quả kinh doanh và bị theo dõi sát sao hơn bởi báo chí và truyền thông (cả tích cực và tiêu cực).

Các quỹ của nhà nước, các tổ chức phi Chính phủ: Startup và doanh nghiệp nói chung ít tìm đến các quỹ này vì hoạt động đầu tư của quỹ không thường xuyên do đó họ không nằm trong danh sách kênh gọi vốn của Startup.

Ngoài ra, thủ tục phức tạp và không đi sát với các hoạt động kinh doanh của startup vì tiêu chí của quỹ không phải tạo ra lợi nhuận mà là bảo toàn vốn hoặc cấp vốn cho các hoạt động mang tính cộng đồng.

Vốn đầu tư mạo hiểm còn hạn chế

Mặc dù có các kênh huy động vốn như trên nhưng Startup chỉ có thể gọi được vốn từ Nhà đầu tư thiên thần và Quỹ đầu tư mạo hiểm; Hai nguồn vốn này khá phổ biến ở một số nước nhưng chưa thực sự phát triển ở Việt Nam.

Nói cách khác, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm cho startup ở Việt Nam còn rất sơ khai và hạn chế, chưa tạo điều kiện cho các startup Việt Nam có cơ hội kêu gọi đầu tư, nhân rộng và phát triển mô hình kinh doanh của họ. Có hai nguyên nhân giải thích điều này:

Thứ nhất, thị trường đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam vẫn còn thiếu sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước. Nhóm thứ nhất của đối tượng này là những người có một số vốn nhất định nhưng không có nhu cầu trực tiếp tự quản lý các khoản đầu tư của mình.

Họ vẫn chưa nhìn nhận đầu tư Startup là một mô hình đầu tư có thể tạo ra lợi nhuận do đa số chưa biết hoặc chưa hiểu mô hình này sẽ tạo ra lợi nhuận như thế nào trong khi rủi ro thì lại lớn.

Về cơ bản, tâm lý không ai muốn trở thành người thử nghiệm đầu tiên, họ cũng là những người có xu hướng đầu tư vào thị trường chứng khoán, nên việc cân nhắc đầu tư vào một công ty startup chưa có báo cáo tài chính công khai và số lượng lịch sử giao dịch còn nhỏ được cho là một sự mạo hiểm mà họ chưa sẵn sàng đánh đổi. Nhóm thứ hai của đối tượng các nhà đầu tư trong nước là các chủ doanh nghiệp lớn, muốn tự thành lập và trực tiếp quản lý các vườn ươm và quỹ đầu tư mạo hiểm của mình.

Tuy nhiên thời điểm hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp có nhen nhóm mô hình này đều chưa ưu tiên tập trung nghiên cứu và vận hành quỹ đầu tư mạo hiểm, mà mới chỉ dừng lại ở hình thức hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho các startup. Ở các nước với hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, đầu tư đã trở thành một ngành công nghiệp, chứ không chỉ dừng lại ở việc các doanh nghiệp lớn làm từ thiện hỗ trợ các doanh nghiệp mới ra đời.

Vì vậy, có thể thấy ở thời điểm hiện tại, cả hai nhóm các nhà đầu tư này đều không phải là những nhân tố chủ động trong việc phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.

Thứ hai, giải thích cho việc thị trường vốn đầu tư mạo hiểm vào Startup ở Việt Nam còn chưa phát triển, đó là: Các quỹ đầu tư đã hoạt động ở Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc kêu gọi vốn đầu tư trong nước.

Khó khăn của họ đến từ chính lý do kể trên. Theo đó, những doanh nghiệp lớn thì muốn thành lập và tự quản lý quỹ đầu tư riêng của họ, còn những cá nhân có các khoản đầu tư nhàn rỗi thì cho rằng việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp mới hình thành là quá mạo hiểm. Không có vốn đối ứng trong nước, các quỹ đầu tư này càng gặp khó khăn khi kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư cá nhân và các doanh nghiệp nước ngoài.

Một khó khăn nữa chính là sự hạn chế trong số tiền quản lý quỹ: các quỹ đầu tư vốn giai đoạn đầu, ngoại trừ lợi nhuận khi bán cổ phần (khoảng 7-10 năm sau khi đầu tư) thì số tiền quản lý quỹ là rất bé và thường không đủ để tạo quy mô xây dựng đội ngũ quản lý quỹ hùng mạnh.

Như vậy có thể thấy, mặc dù được cho là hai nguồn vốn phù hợp nhất cho các công ty Startup, nhưng nguồn vốn từ các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, thị trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam vẫn còn quá sơ khai.

Gặp khó khăn về nguồn vốn trong nước, các startup Việt Nam phải mở rộng tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài, tuy nhiên, việc này cũng mất rất nhiều thời gian bởi nhu cầu gọi vốn của Startup là liên tục; đồng thời, tỷ lệ cạnh tranh cũng cao hơn nhiều do phải đặt lên bàn cân với Startup các nước khác trong khu vực.

Đây cũng là những nguyên nhân chính làm cho Startup Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư; và cơ hội thương mại hóa công nghệ tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.

Còn tiếp...