Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đưa ra tầm nhìn lãnh đạo: “Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Để hiện thực hóa được viễn kiến đó, nghị quyết đại hội XIII cũng tiếp tục chủ trương “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

 nghị quyết đại hội XIII cũng tiếp tục chủ trương “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Nghị quyết đại hội XIII khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tư tưởng và sự thần kỳ Đông Á

Lịch sử khu vực Đông Á cho thấy quá trình tiến đến thịnh vượng, nâng cao sức mạnh và vị thế quốc gia luôn cần một điểm tựa tư tưởng hợp thời đại. Vào những năm 1870, để giúp Nhật Bản tránh khỏi nguy cơ tụt hậu, cải cách Minh Trị đươc tiến hành với sự du nhập những ưu điểm của tư tưởng phương Tây về kinh tế, chính trị, và xã hội. Trào lưu này đã giúp nhiều người thuộc tầng lớp Samurai, vốn chỉ đảm nhiệm các chức năng hành chính, trở thành các nhà đầu tư, sản xuất, và kinh doanh hiện đại. Cùng với giới thương nhân đang ngày càng lớn mạnh, tinh thần cải cách và năng lực vốn có của các Samurai đã góp phần quyết định giúp Nhật Bản trở nên hùng cường.

Điều tương tự cũng diễn ra ở Hàn Quốc vào những năm 1960, khi chính quyền cùng giới doanh nhân được thôi thúc bởi giấc mơ trở thành Nhật Bản thứ hai ở châu Á. Chỉ trong vòng hơn hai thập kỷ, quyết tâm sắt đá và sự hợp tác giữa chính quyền với các lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa Hàn Quốc thoát khỏi nghèo nàn. Đến nay, Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới.

Gần đây hơn, từ cuối những năm 1970, người Trung Quốc đã thực dụng hơn với triết lý “không quan trọng mèo trắng hay mèo đen, miễn bắt được chuột”. Từ năm 2001, Đảng cộng sản Trung Quốc kết nạp cả các chủ doanh nghiệp tư nhân và tuyên bố họ là đại diện cho “lực lượng sản xuất tiến bộ” cuả đất nước, chứ không chỉ các giai cấp lao động. Từ năm 2012, “giấc mơ Trung Hoa” hướng đến thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân đã trở thành yếu tố gắn kết những quyết tâm và nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp, và số đông người dân Trung Quốc trong tiến trình khôi phục sức mạnh và vị thế quốc gia.

Tư tưởng và những thành công của cách mạng Việt Nam

Những thành công lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thế kỷ 20 đều gắn với những tư tưởng truyền cảm hứng, đáp ứng được khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, và thoát khỏi đói nghèo, lạc hâu. Nửa đầu thế kỷ 20, các tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, với nòng cốt là chủ nghĩa Marx – Lênin, có thiên hướng bảo vệ lợi ích cho những tầng lớp yếu thế, đã dễ dàng được người dân Việt Nam, vốn đang phải sống dưới ách gông cùm thực dân, đón nhận và trở thành ngọn cờ tập lực lượng. ĐCS Việt Nam đã nắm bắt được khát vọng chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân về độc lập dân tộc để từ đó đảm nhiệm thành công vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Năm 1986, trước nguy cơ đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng, Đảng đã dứt khoát nhìn thẳng vào sự thật, thừa nhận những “sai lầm nghiêm trọng về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược”. Căn nguyên tư tưởng trực tiếp dẫn đến những sai lầm đó là “bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội”. Văn kiện đại hội lần thứ VI cũng chỉ ra những vấn đề sâu xa hơn: công tác tư tưởng “đã bộc lộ sự lạc hậu về nhận thức lý luận và sự yếu kém về vận dụng các quy luật trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Trên cơ sở đó, Đảng chỉ ra, chúng ta “phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”. Nhờ đó, đại hội VI đã trở thành dấu mốc bản lề, đưa Việt Nam trở thành một “câu chuyện thành công” điển hình, được thế giới ghi nhận.

Viễn kiến đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 đáp ứng được khát khao, mong đợi của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, bối cảnh đất nước hiện nay đã khác xa so với thời điểm năm 1986. Tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế đã khiến cho xã hội trở nên đa dạng hơn về lợi ích. Cũng từ đó, xuất hiện những thách thức mới về việc kiến tạo sự đồng thuận trong nhận thức, quan điểm, và cách thức giải quyết các vấn đề mới nảy sinh. Thực tế thành công của các quốc gia trong khu vực cho thấy, khả năng hiện thực hóa được tầm nhìn lãnh đạo đất nước phụ thuộc rất nhiều vào những niềm cảm hứng tập thể, qua đó quy tụ và nuôi dưỡng được sự ủng hộ rộng rãi, sự tập trung trí lực và vật lực của mọi tầng lớp nhân dân.

Khát vọng Việt Nam cần điểm tựa tư tưởng

Thế giới đương đại ngày cảng trở nên đa dạng và phức tạp. Các lợi ích ngày càng phụ thuộc vào nhau hơn. Các nhà lãnh đạo luôn phải ứng biến với những thách thức mới và nan giải trong những tình huống thay đổi nhanh và khó lường. Bối cảnh trong nước và quốc tế đang đặt ra những nhu cầu mới đối với công tác tư tưởng, vốn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quy tụ sự ủng hộ và kiến tạo nỗ lực tập thể.

Đó là sự thích ứng và tiếp biến với các ý tưởng mới, có xuất xứ khác nhau, để làm sao dung hòa và cùng tồn tại được với những giá trị, quan điểm, và thái độ vốn được đề cao của cộng đồng trong nước. Đó cũng là nhu cầu về sự tôn trọng các giá trị của các chủ thể đa dạng, cả trong nước và quốc tế, của cá nhân, tổ chức, cũng như các cộng đồng. Đó còn là thách thức về sự gắn kết giữa những giá trị của hệ thống chính trị với những giá trị của cá nhân và cộng đồng xã hội - cơ sở bảo đảm cho sự đoàn kết và hợp tác để cùng đưa xã hội tiến đến tương lai thịnh vượng.

Trên tất cả, khát vọng Việt Nam 2045 cần thêm những điểm tựa tư tưởng mới. Đó là các ý tưởng, giá trị, và niềm tin mới, phù hợp với xu thế thời đại và đáp ứng được sự mong đợi của quảng đại quần chúng nhân dân.