Tính đến nay đã có 3 hãng viên thông được cấp phép thử nghiệm 5G tại Việt Nam.

Tính đến nay đã có 3 hãng viên thông được cấp phép thử nghiệm 5G tại Việt Nam.

Thử nghiệm tại các thành phố lớn

Tại Hội nghị ASEAN về 5G theo sáng kiến của Việt Nam diễn ra mới đây, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Đức Trung đã công bố về lộ trình triển khai 5G của Việt Nam. “Việt Nam đang thử nghiệm 5G trong năm 2019 và dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ 5G thương mại vào năm 2020”, ông Trung nói.

Theo đó, Việt Nam sẽ tiến hành triển khai 5G trong 1 năm, chia thành 3 giai đoạn: thử nghiệm (2019), hoạch định băng tần (2019-2020) và cấp phép triển khai 5G thương mại (2020).

Mục tiêu giai đoạn này là đánh giá toàn diện công nghệ 5G dựa trên các tiêu chí như vùng phủ sóng, công suất, tốc độ tối đa và khả năng tương thích giữa thiết bị 5G và cơ sở hạ tầng mạng hiện tại. Từ đó, các nhà mạng có thể lên kế hoạch, thiết kế và triển khai mạng 5G thử nghiệm trên dải tần trung bình (< 6Ghz) và dải tần siêu cao (mmWave) khi ứng dụng công nghệ MassiveMimo.

Hiện nay, cả 3 nhà mạng hàng đầu Việt Nam là Viettel, MobiFone và VNPT đều được Bộ TT &TT cấp phép thử nghiệm 5G. Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 đô thị lớn được chọn làm nơi thí điểm 5G của cả 3 nhà mạng lớn, với tổng cộng 44 điểm thử nghiệm tại Hà Nội và 52 điểm thử nghiệm tại TP. HCM. Các điểm thử nghiệm sẽ được tập trung ở các quận nội thành. Ngoài ra, nhà mạng Mobifone cũng đang lên kế hoạch thử nghiệm 5G ở Hải Phòng và Đà Nẵng.

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, việc triển khai sớm 5G sẽ giúp Việt Nam tiên phong trong đổi mới sáng tạo. Đồng thời, công nghệ này sẽ giúp Việt Nam đạt thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng viễn thông thế giới. Chính phủ Việt Nam dự kiến phân bổ các phổ tần 5G cho nhà mạng vào năm 2020, để đặt nền móng cho các dự án xe tự hành, thực tế tăng cường hay các ứng dụng cần dữ liệu lớn.

Trong quá khứ, Việt Nam đã xếp hạng thứ 20 thế giới về số lượng thuê bao băng thông rộng. Tuy nhiên, khi công nghệ 3G ra mắt, chúng ta đã trượt khỏi top 100 và chậm hơn 6-8 năm so với tiêu chuẩn quốc tế về cơ sở hạ tầng 4G. Do đó, để hiện thực hóa giấc mơ 5G của Việt Nam ngay trong năm tới cần tới chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư từ phía chính phủ, cũng như nỗ lực đổi mới các nhà mạng.

Theo bà Susie Armstrong, Phó Chủ tịch Cấp cao về Công nghệ, tập đoàn Qualcomm, Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn trong việc triển khai 4G và hướng tới phát triển 5G, và đề xuất Việt Nam cần có những chính sách phù hợp, thân thiện để triển khai nhanh, trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi đầu tiên triển khai hệ sinh thái 5G.

Tính khả thi nào cho 5G

Từ thực tiễn triển khai thí điểm 5G, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch HĐQT Viettel Global, 5G không đơn thuần là trạm thu phát sóng 5G mà còn bao gồm hệ thống mạng lõi để hỗ trợ cho 5G, thiết bị đầu cuối 5G.

Ví dụ, nếu chỉ có máy đầu cuối 3G sẽ không dùng được 4G. Vì vậy, để có được mạng hoàn chỉnh, chúng ta cần có thiết bị đầu cuối, các thiết bị thu phát sóng 5G, hệ thống đường truyền, kết nối giữa trạm và tổng đài. Tuy nhiên đến nay, theo ông Thắng thiết bị 5G do Viettel tự sản xuất chưa kịp để thử nghiệm nên nhà mạng này sẽ mua thiết bị của nước ngoài.

Tuy nhiên, để đạt được tốc độ 5G trên lý thuyết, các quốc gia triển khai 5G cần phải giải bài toán chi phí đầu tư lên tới hàng tỷ USD. Tại Việt Nam, ước tính tỷ lệ doanh thu trên mỗi người dùng của nhà mạng chưa tới 5 USD, còn rất khiêm tốn so với các quốc gia khác.

Giám đốc Quản lý Windsor Place Consulting, ông Scott W Minehane đề xuất: "Việt Nam cũng như các quốc gia có doanh thu trên người dùng của các nhà mạng còn khiêm tốn, cần sử dụng tần số thấp hơn. Qua đó, 5G mới có mức chi phí chấp nhận được".

Hiện nay giá dịch vụ 5G rất cao so với 4G, đồng thời giá thiết bị sử dụng dịch vụ 5G cũng đắt nên chưa thể triển khai đại trà, phát triển ở quy mô khách hàng rộng được.  Mặt khác, Việt Nam cũng chưa có quy hoạch băng tần cho 5G. Đối với việc thử nghiệm, Viettel cũng sẽ tiếp tục khai thác trên băng tần 2600 MHz, 3600MHz và 2.6GHz hiện có trong lúc chờ có quy hoạch băng tần chính thức cho 5G.

Hiện tại, một số ứng dụng dựa trên hạ tầng kết nối và nền tảng IoT như: đỗ xe thông minh (smart parking), giám sát chất lượng không khí (airmonitoring), giám sát vị trí (location tracking), thiết bị đo lường (metering devices)... đã bắt đầu được thử nghiệm. Đây là những ứng dụng ban đầu để tạo cơ sở cho sự phát triển và bùng nổ hệ sinh thái các dịch vụ IoT trong thời gian sắp tới. Sự bùng nổ này tất yếu kéo theo nhu cầu cần sớm có mạng 5G.

Trong tham luận "Hiện trạng mạng băng rộng và định hướng phát triển 5G tại Việt Nam" ở sự kiện Ngày Internet Việt Nam diễn ra cuối năm 2018, Cục Viễn thông cho rằng nhiều quốc gia coi 5G là cơ hội để họ tạo ra những ngành nghề mới, dịch vụ mới, cơ hội việc làm mới.

Những quốc gia có kế hoạch đi vào 5G đầu tiên sẽ phải nghĩ đến việc có những ngành công nghiệp mới xuất hiện để phục vụ 5G, có ứng dụng mới như thành phố thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh... để triển khai trên nền tảng 5G.