Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm lực lượng Việt Nam làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình quốc tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm lực lượng Việt Nam làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình quốc tế

>> Cơ hội tái định hình ASEAN

Việt Nam vừa hoàn thành xuất sắc vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBALHQ) nhiệm kỳ 2020 - 2021. Trong vòng 1 năm phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã xử lý khối lượng công việc khổng lồ, 840 cuộc họp cấp đại sứ, thông qua 240 văn kiện với 60 chương trình nghị sự khác nhau.

Ngoài ra Việt Nam đã 2 lần đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021. Những năm qua tình hình quốc tế xảy ra rất nhiều biến cố.

Đầu tiên, Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, lực lượng Taliba trỗi dậy tái cầm quyền ở một quốc gia đầy rẫy xung đột. Nhiệm vụ giữ gìn môi trường hòa bình không hề dễ dàng.

Xung đột giữa các cường quốc vẫn âm ỉ, thương chiến lắng xuống nhưng đối đầu Nga-Mỹ lại gay gắt vì vấn đề hòa bình Ukraina; NATO mở rộng ảnh hưởng về phía Đông; đại dịch COVID-19 cũng là “khối u” có thể phát tác thành xung đột vũ trang bất cứ lúc nào.

Trong bối cảnh như vậy, những người “cầm cương” ở HĐBALHQ phải giữ được cái đầu lạnh và trái tim nóng để tránh đưa ra những quyết sách vội vàng, thiên tả; bằng ý chí yêu chuộng hòa bình.

Không ngẫu nhiên mà Hà Nội trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối, chúng ta chưa phải là cường quốc, nhưng chúng ta là biểu tượng vì hòa bình được thế giới công nhận - lịch sử đã chứng minh điều đó.

Và lịch sử cũng chứng minh, để có hòa bình bền vững - chỉ với súng đạn, vũ trang, cưỡng ép là chưa đủ, cái quan trọng là sức mạnh của chính nghĩa, chỉ có hòa bình khi người ta mang lại cho nhau thái độ thật hòa bình.

“Thái độ Việt Nam” cộng hưởng với đường lối ngoại giao bằng hữu đại đồng là thành công lớn nhất của Việt Nam sau ngày mở cửa; Việt Nam chọn con đường riêng nhưng không mâu thuẫn với đại cục; kiên định thể chế chính trị nhưng không khu biệt với dòng chảy chung.

Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế

Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế

Không tự nhiên mà cựu Tổng thống Trump quyết định chọn Việt Nam tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Có 2 điều mà Washington muốn Bình Nhưỡng thấu hiểu.

Một là, cũng là quốc gia xã hội chủ nghĩa, nhưng mô hình Việt Nam trở nên hài hòa, có thể làm bạn, đối tác với Mỹ; cũng là cựu thù nhưng hai bên biết cách gác lại quá khứ hướng về tương lai.

Hai là, cũng từng bị Mỹ cấm vận, nhưng Việt Nam biết cách gọt đẽo, tinh chỉnh để hội nhập và phát triển. Mở cửa, bắt tay hợp tác cũng là nghệ thuật bảo vệ thành quả cách mạng.

Những lần đảm nhiệm vai trò quan trọng trong các tổ chức quốc tế lớn đã chứng minh một điều, nước nhỏ, nước lớn không quan trọng, vấn đề là quốc gia ấy có “hữu xạ tự nhiên hương” để thuyết phục cộng đồng quốc tế.

Như vậy, khái niệm “cá lớn nuốt cá bé” trong bang giao quốc tế cũng cần suy nghĩ lại; nước nhỏ vẫn có tiếng nói trọng lượng trong các vấn đề toàn cầu; nước lớn nhiều khi bị hoài nghi vì tính phi nghĩa trong ý thức lẫn hành động.

Việt Nam đã thực sự có kinh nghiệm xử lý các vấn đề hóc búa trên trường quốc tế, trong quá khứ chúng ta đã đàm phán rất thông minh và hiệu quả với các cường quốc để giành lấy độc lập, tự chủ.

Trong tất cả những chương trình nghị sự chủ đạo toàn cầu, đều có sự hiện diện của Hà Nội, khi là thành viên chính thức, lúc là khách mời danh dự, không ít trường hợp là quan sát viên. Tất cả chứng minh 1 điều: Vai trò vị trí Việt Nam rất tốt.

Từng nấc thang một, Việt Nam vững chắc trên cung đường hội nhập, thể hiện khát vọng từ khu vực ra châu lục đến môi trường quốc tế đỉnh cao. Đó là những cuộc tập dượt quý giá cho tương lai trưởng thành.