Mới đây, đại diện VinFast vừa khẳng định công ty này trong thời gian đầu sẽ không thu phí sạc xe của những người sử dụng, mà chỉ thu tiền điện đúng giá điện thị trường. Khách hàng chỉ bị thu thêm phí nếu sử dụng dịch vụ sạc nhanh.

Đây là một trong những chính sách ưu đãi mới nhất của VinFast - nhà sản xuất xe hơi thuộc tập đoàn Vingroup dành cho bộ phận khách hàng sử dụng xe điện. Theo thông tin ghi nhận, những chiếc xe điện cộp mác VinFast sẽ bắt đầu lăn bánh thương mại vào tháng 11 năm nay. Ở Việt Nam, VinFast là đơn vị duy nhất cho đến hiện tại sản xuất xe điện.

Xe điện là một loại phương tiện giao thông khá mới mẻ tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung nếu so với xe xăng. Không chỉ mới, mà mặt bằng giá cả còn tương đối cao hơn so với xe dùng xăng truyền thống. Do đó VinFast cũng đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, chẳng hạn hỗ trợ 30 triệu đồng để khách hàng chuyển từ xe xăng sang xe điện, hoặc cho thuê pin và trả hàng tháng để giảm chi phí ban đầu.

Một trong những trở ngại lớn nhất của xe điện chính là việc nạp điện. Nếu là một doanh nghiệp sản xuất xe hơi truyền thống (tức là chạy bằng xăng), thì VinFast có thể không lo nghĩ về vấn đề này, vì hiện nay độ phủ của các cây xăng trên Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên khi sản xuất xe điện, VinFast phải tự thân vận động xây dựng các trạm sạc.

Theo thông tin, tính đến tháng 6/2021, VinFast đã thiết lập được 455 vị trí sạc với gần 11.000 cổng sạc tại 60/63 tỉnh thành. Đặc biệt nhất công ty này cũng xây dựng được các trạm sạc siêu nhanh với 15 phút sạc đi được 180km. Bên cạnh các trạm sạc công cộng, VinFast còn cung cấp thêm bộ thiết bị chuyển đổi để khách hàng có thể tự phục vụ sạc tại nhà.

Ngoài việc không thu phí người dùng, VinFast cũng thông tin hãng sẵn sàng cho các thương hiệu xe điện khác dùng chung trạm sạc với mình, miễn sao đáp ứng các tiêu chí an toàn.

Tuyên bố này của VinFast thoạt nhìn sẽ khiến nhiều người rất bất ngờ. Tuy nhiên đây không phải là một bước đi quá mới mẻ. Trên thế giới, hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk cũng đã thực hiện tương tự.

Theo đó, Tesla sẽ cho phép các hãng xe điện khác sử dụng hệ thống trạm sạc Supercharger của mình tại hơn 2.700 địa điểm trên khắp thế giới. Trước thông báo này, Tesla vẫn thường tự hào mạng lưới điểm sạc xe là một lợi thế độc quyền cho những khách hàng dùng xe điện của thương hiệu.

Vậy thì tại sao Vinfast hay Tesla sẵn sàng bỏ qua lợi thế này dù chi phí xây dựng và vận hành một trạm sạc cực kỳ tốn kém? Câu trả lời chính là vì những lợi ích đằng sau đó.

Xét về mặt ngắn hạn, việc cho xe khác vào sạc chung có thể giúp các đơn vị này kiếm được doanh thu từ phí sạc. Ngoài ra, họ cũng có thể biến các trạm sạc thành nơi dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống. Doanh thu từ các dịch vụ mua sắm, nhà hàng chắc chắn sẽ không ít.

Còn xét về mặt dài hạn, việc chia sẻ các điểm sạc sẽ giúp giải quyết bài toán ít trạm sạc. Khi được sạc thoải mái, người mua sẽ dễ dàng mua xe điện hơn. Từ đó giúp thị trường càng mở rộng. Và khi càng mở rộng thì những đơn vị sản xuất xe điện là bên được lợi hơn cả.

Có thể nói, những chính sách ưu đãi liên tục từ các nhà sản xuất xe điện chính là các chiến thuật để họ giải quyết khó khăn về điểm sạc, chi phí, v.v. cho người dùng. Từ đó khiến khách hàng có thêm động lực chuyển từ xe xăng sang xe điện.

Tuy nhiên, tất cả vẫn còn rất mới mẻ và xe điện vẫn còn nhiều thách thức trong việc cạnh tranh với xe xăng. Những người tiên phong mua xe điện có lẽ sẽ còn được nhiều ưu đãi tương tự trong thời gian tới.