Vingroup hiện đang là cổ đông lớn thứ 3 tại VGT với 50 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ doanh nghiệp. Số cổ phiếu Vingroup muốn bán ra tương đương 50% lượng cổ phiếu tập đoàn này đang nắm giữ tại VGT.

Vingroup đã đăng ký bán 25 triệu cổ phiếu VGT, tương đương với 5% vốn điều lệ của Tập đoàn dệt may này.

Vingroup đã đăng ký bán 25 triệu cổ phiếu VGT, tương đương với 5% vốn điều lệ của Tập đoàn dệt may này.

Như vậy, nếu thương vụ thoái vốn trên thành công, tỷ lệ sở hữu của Vingroup tại VGT sẽ giảm còn 5%. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 1/4 đến ngày 29/4 thông qua các phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh.

Đáng chú ý, việc Vingroup muốn thoái vốn khỏi VGT diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu nhà may này đã tăng mạnh trong vài tháng qua, hiện giao dịch ở mức 17.700 đồng/cổ phiếu (cuối ngày 31/3). So với đầu năm 2021, thị giá của cổ phiếu VGT đã tăng gần 80% và đang giao dịch quanh vùng đỉnh từ khi niêm yết năm 2017.

Sự kiện này cũng đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2014 Vingroup quyết định thoái bớt vốn khỏi doanh nghiệp dệt may này. Và với thị giá hiện tại, thương vụ thoái vốn này có thể mang về cho Vingroup gần 450 tỷ đồng.

Tại thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu vào năm 2014, VGT có vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng, tương ứng với 500 triệu cổ phần. Mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng, trong đó, Nhà nước nắm giữ 255.000.000 cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 3.000.850 cổ phần, chiếm 0,6% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 120.000.000 cổ phần, chiếm 24% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 121.999.150 cổ phần, chiếm 24,40% vốn điều lệ.

Trong số 24% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, Tập đoàn Vingroup nắm giữ 10%; Số cổ phiếu còn lại là 14%, tương đương với 70 triệu cổ phần, thuộc sở hữu của Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam – VID Group (tiền thân của VNTex).

Tuy nhiên, vào đầu năm 2018, VNTex cũng đã bán ra 35 triệu cổ phần, tương đương với 50% số cổ phần đang nắm giữ tại VGT và giảm sở hữu xuống còn 7% vốn điều lệ của VGT. Số cổ phần này đã được Itochu, một Tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản mua lại thông qua phương thức giao dịch thỏa thuận.

Vào thời điểm tiến hành cổ phần hóa, VGT thu hút đầu tư ở quỹ đất lớn, là điểm hấp dẫn với những nhà đầu tư bất động sản, bán lẻ như Vingroup hay VID. Bởi Tập đoàn dệt may này đang sở hữu mạng lưới hơn 4.000 điểm giao dịch, hàng chục doanh nghiệp, nhà máy sản xuất ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, đó là chưa hàng loạt trường, trung tâm dạy nghề cũng thuộc quyền quản lý của Tập đoàn này.

Kèm theo đó là khối tài sản thuộc quyền khai thác của Tập đoàn và các thành viên. Với 490.000 m2 đất phục vụ sản xuất, kinh doanh được giao, trong đó nhiều diện tích có vị trí "vàng" ở nội thành Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác như Nam Định, Hải Phòng, Bình Dương… Cùng với đó là các tài sản vô hình ở mối quan hệ, thị phần của VGT trên thị trường dệt may của châu Á, Nhật, Úc, Mỹ...

Đáng lưu ý, trong kế hoạch, VTG được phép sử dụng tiền chuyển mục đích sử dụng đất tại một số đơn vị để tăng vốn chủ sở hữu sau cổ phần hóa. Còn theo kế hoạch công khai, VGT dự kiến tăng vốn điều lệ lên 6.007 tỷ đồng trong năm 2014, và dự kiến lên gần 7.200 tỷ đồng vào năm 2015…

Cổ phiếu VGT đang ở đỉnh giá cao nhất trong lịch sử kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Do đó, ở thời điểm này, nhiều nhà đầu tư cho rằng, Vingroup đang “nhòm ngó” vào quỹ đất khủng của VGT. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của giới chuyên gia lúc bấy giờ thì nhận định trên có vẻ đã bị nhầm. Bởi việc chuyển từ đất thuê phục vụ sản xuất công nghiệp (đất thuê) sang đất làm nhà ở phải thực hiện rất nhiều thủ tục tốn kém, và trước tiên phải thuyết phục được HĐQT, hoặc đại hội cổ đông của VGT, nhưng tỷ lệ nắm giữ của Vingroup tại VGT lại không đủ sức nặng để quyết định việc này.

Với quyết định thoái vốn hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, nếu chỉ nhìn vào số tiền mà Vingroup thu về khoảng gần 450 tỷ đồng trong đợt đăng ký giảm 5% vốn, thì có thể cho rằng Vingroup đã thành công trong phi vụ đầu tư. Tuy nhiên, nếu xét cả quá trình 7 năm và số vốn bỏ ra ban đầu khoảng 550 tỷ đồng để sở hữu 10% cổ phiếu VGT, tương đương với mức giá 11.000đ/cổ phiếu, thì thương vụ này cũng không mang lại nhiều lợi nhuận cho Vingroup.

“Có lẽ nhận thấy khả năng tăng trưởng của VGT trong tương lai không nhiều và cổ phiếu cũng đang đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử kể từ khi niêm yết. Cùng với đó là kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong năm 2020 của Tập đoàn này, khi lợi nhuận giảm sâu đến 46%, nên nhà đầu tư quyết định thoái vốn ở thời điểm này cũng là điều dễ hiểu”, một chuyên gia nhận định.

Cũng cần lưu ý rằng ở vị thế của mình, Vingroup thường ít khi có các quyết định đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa với mục đích đầu tư tài chính. Với thương vụ Vinatex, cũng đã có thông tin cho rằng đây là một nước cờ chiến lược sáng giá của Vingroup ở thời điểm Tập đoàn muốn mở rộng hệ sinh thái bán lẻ qua Vinmart. Nắm Vinatex, Vingroup sẽ dễ dàng chi phối ngành dệt may với mục tiêu nâng cấp sản phẩm nội địa để đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại. 

Tuy nhiên, quyết định dừng cuộc chơi bán lẻ để đầu tư công nghệ và trở thành một Tập đoàn công nghệ, thực hiện giấc mơ ô tô Việt, có lẽ sau vụ M&A VinMart và VinEco về tay Masan, những bước đi mở rộng chuỗi cung ứng cho hệ sinh thái này của Vingroup, theo thời gian tất yếu cũng sẽ được thu hẹp. Vấn đề chỉ là sự thu hẹp sẽ diễn ra với những khoản nào và ở thời điểm nào.