Ngày 16/5, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa 16, nhiệm kỳ 2016 - 2021 tổ chức kỳ họp thứ 23, xem xét thông qua các chính sách hỗ trợ đặc thù phòng, chống dịch COVID-19.

Người dân từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm vắc xin phòng Covid-19 miễn phí.

Người dân từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm vắc xin phòng COVID-19 miễn phí.

Tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đã chỉ đạo việc ban hành những chính sách bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch và bảo đảm sự an toàn về sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là cần thiết, cấp bách.

Quyết định “bước ngoặt”

Với chỉ đạo trên, kỳ họp đã xem xét và thông qua dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2022; Nghị quyết quy định một số chế độ chính sách hỗ trợ đặc thù phục vụ phòng, chống COVID-19 và quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 theo phương pháp gộp mẫu áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thực hiện trên địa bàn tỉnh…

Theo đó, người dân từ 18 tuổi trở lên, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng tại tỉnh Vĩnh Phúc, được tiêm vắc xin phòng COVID-19 miễn phí.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ này phải bảo đảm nguyên tắc đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Chính sách hỗ trợ sẽ dừng thực hiện nếu đối tượng không có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng tại tỉnh.

Tổng kinh phí hỗ trợ tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2022 dự kiến là 342,174 tỷ đồng.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 16/5/2021. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành, trước đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng ứng tiền hỗ trợ cho các trường hợp trên từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5.

“Đặc biệt, tại kỳ họp bất thường lần này, HĐND tỉnh đã thông qua 1 nội dung được dư luận rất quan tâm và ủng hộ, đó là quyết định sẽ miễn phí 100% kinh phí tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho toàn bộ người dân trong tỉnh từ 18 tuổi trở lên. Nghị quyết này được ký ngay trong ngày 16/5 và có hiệu lực thi hành theo quy định của pháp luật”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nói.

Vẫn theo Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc", Vĩnh Phúc đã kịp thời chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến để đáp ứng nhanh nhất yêu cầu thực tế đặt ra.

Trong mọi tình huống, Vĩnh Phúc luôn đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết. Mọi giải pháp, hành động đều hướng tới mục đích bảo vệ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Do đó, chủ trương chống dịch dù quyết liệt đến đâu cũng chỉ nhằm mang lại lợi ích cho người dân trên địa bàn”, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan bày tỏ.

Không chần chừ với sinh mạng người dân

Với những quyết định mang tính bước ngoặt của tỉnh, Vĩnh Phúc đều tuân thủ chặt chẽ 2 điều kiện tiên quyết, đó là căn cứ vào các quy định của pháp luật và căn cứ vào điều kiện thực tế đang diễn ra.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân Tập đoàn Prime Group.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân Tập đoàn Prime Group.

Trong điều kiện như thời chiến, căn cứ thực tế sẽ được đặt lên hàng đầu, nhằm giải quyết tình thế nhiệm vụ trước mắt. Bởi trong lúc nước sôi lửa bỏng, chần chừ sẽ mất cơ hội, là có tội với dân.

“Do vậy, mặc dù gặp nhiều khó khăn khi kinh tế bị đình trệ, dù Nhà nước đã có quy định về việc người thực hiện cách ly phải tự trả chi phí, nhưng Vĩnh Phúc vẫn quyết định chung tay chia sẻ với người dân bằng cách hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày”, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan chia sẻ.

Với chủ trương tiêm vắc xin phòng COVID-19 miễn phí cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên sẽ phải tiêu tốn một khoản kinh phí rất lớn, lên đến 300 - 400 tỷ đồng, nhưng tỉnh vẫn quyết đoán triển khai với mong muốn giảm bớt gánh nặng cho người dân trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh gây ra, qua đó, thiết thực góp phần đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn.

Về nội dung yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn phải xét nghiệm cho 100% người lao động, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, chủ trương này vừa mang tính động viên, vừa là yêu cầu bắt buộc.

Nguyên nhân là thực hiện chủ trương xã hội hóa phòng, chống COVID-19, mọi cơ quan, đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân đều phải có trách nhiệm với cộng đồng. Trong điều kiện người lao động quá vất vả vì dịch bệnh, doanh nghiệp cần thể hiện rõ trách nhiệm xã hội, thiết thực chia sẻ với chính công nhân của mình.

Ở chiều ngược lại, người lao động được đảm bảo an toàn sức khỏe sẽ có cơ hội, điều kiện cống hiến tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy là cả 2 bên đều có lợi.

Thực hiện yêu cầu trên, chỉ tính riêng trong ngày 15/5, toàn tỉnh đã có 33.000 công nhân trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn được xét nghiệm COVID-19. Dự kiến trong những ngày tiếp theo, con số này sẽ tăng cao hơn rất nhiều.

Về nguồn lực thực hiện, do đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch COVID-19 ở mọi cấp độ, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hiện tại, Vĩnh Phúc còn đang nghiên cứu phương án hỗ trợ thêm kinh phí cho các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, dù lực lượng này đang được hưởng chế độ theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.