Số lượng nhà đầu tư F0 tăng đột biến.

Số lượng nhà đầu tư F0 tăng đột biến. Ảnh: Nguyễn Long

VN-Index chốt phiên giảm 7,49 điểm xuống 1.234,89 điểm, chấm dứt 8 phiên tăng điểm liên tiếp. Toàn sàn HoSE có 664 triệu cổ phiếu giao dịch, tương đương giá trị 14.500 tỷ đồng. Độ rộng thị trường thiên về hướng tiêu cực khi có 233 mã giảm giá và 167 mã tăng giá.

Nhóm ngân hàng giao dịch phân hóa khi VCB, BID, CTG, EIB, MBB, STB, VIB chìm trong sắc đỏ; ngược lại KLB, NVB, SHB, VPB, LPB, TPB tăng giá; ACB đứng tham chiếu. Nhóm VN30 có 20/30 mã giảm giá, giảm mạnh nhất phải kể đến MBB, VCB, BID, VIC.

HNX-Index tăng 0,91 điểm lên 293,75 điểm, thanh khoản đạt hơn 3.000 tỷ đồng. UPCoM-Index tăng 0,51 điểm lên 83,07 điểm, thanh khoản ghi nhận 1.500 tỷ đồng.

Những cổ phiếu được khối ngoại mua rồng gồm HPG, VIC, SSI, HDB, VRE…; trong khi bán ròng là VNM, DXG, BID, VPB…

Áp lực bán tương đối lành mạnh nhưng xuất hiện trên diện rộng ở nhiều mã lớn như VIC (-1.8%), VCB (-1.9%), MBB (-1.9%), BID (-1.6%), BVH (-1.6%) đã tạo áp lực giảm giá trên chỉ số. Đà tăng tại KDH (+1.1%), HDB (+1.1%) không có nhiều ảnh hưởng.

Về nhóm ngành, nhóm Bất động sản đặc biệt là các mã vốn hóa vừa và nhỏ tăng tốt như DXG (+4,1%), DIG (+5.5%), DTA (+6%), CKG (+6.9%), LHG (+3.9%), NTL (+3.3%)…

Khối ngoại mua ròng 21 tỷ đồng phiên hôm nay với VRE (72 tỷ đồng), NVL (35 tỷ đồng), HPG (27 tỷ đồng) dẫn đầu danh sách mua ròng. Ngược lại, các mã BID (38 tỷ đồng), VNM (30 tỷ đồng), KDH (30 tỷ đồng) bị bán ròng nhiều nhất.

Tình trạng nghẽn lệnh diễn ra trầm trọng hơn khi HoSE nghẽn lệnh ngay từ cuối phiên sáng trong hơn 1 tuần qua. Biểu đồ biến động chỉ số VN-Index trên nhiều bảng giá các công ty chứng khoán cho thấy, có lẽ HOSE đã sớm nghẽn hệ thống, dù chỉ mới giao dịch gần 13 ngàn tỷ đồng. Nếu đúng, thì nguyên nhân “nghỉ sớm” là do nhiều lệnh nhỏ. Không rõ nguyên nhân này có liên hệ gì với thông báo của VSD về lượng tài khoản mở mới tăng khủng khiếp trong tháng 3 hay không?

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong tháng 3 lên gần gấp đôi so với tháng 2 và đạt kỷ lục với 113.191 tài khoản - đây cũng là tháng đầu tiên lượng mở mới tài khoản chứng khoán của đối tượng này vượt trên 100.000. Lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng tăng trở lại sau 2 tháng giảm với 149 tài khoản (tháng 2 là 68 tài khoản).

Tại thời điểm 31/3, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 2,98 triệu, tăng 113.340 tài khoản so với tháng trước.

Việc bùng nổ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE kể từ thời điểm cuối năm 2020 đến nay.

Diễn biến chỉ số VN-Index

Diễn biến chỉ số VN-Index

Theo CTCK Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index vẫn có khả năng sẽ thử thách vùng kháng cự 1.283 – 1.300 điểm trong những phiên giao dịch tới.

Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên Yuanta Việt Nam cho rằng nhịp điều chỉnh của thị trường có thể sẽ nhanh chóng kết thúc. Ngoài ra, Yuanta Việt Nam đánh giá rủi ro trung hạn vẫn ở mức thấp và chỉ báo tâm lý vẫn trong vùng lạc quan.

Còn theo CTCK KB Securities Việt Nam (KBSV), chỉ số VN-Index vẫn đang chịu ảnh hưởng của vùng kháng cự quanh 1.250 điểm  khiến chỉ số có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh. “Dù vậy, với xung lực vẫn tốt, chúng tôi cho rằng rủi ro điều chỉnh sâu chưa được đánh giá cao. Vùng quanh 1210 tiếp tục đóng vai trò ngưỡng hỗ trợ gần đáng lưu ý cho chỉ số” – KBSV cho hay.

Ông Trần Xuân Bách, chuyên gia phân tích của CTCK Bảo Việt lại nhìn nhận, VN-Index sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 1225-1230 điểm trong phiên cuối tuần. Diễn biến thị trường sẽ tiếp tục theo hướng giằng co với sự phân hóa mạnh theo thông tin kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp cụ thể.

Về tổng thể, chỉ số vẫn đang duy trì xu hướng tăng ngắn hạn với vùng giá mục tiêu gần nằm tại 1250-1265 điểm. Dòng tiền nội vẫn là động lực chính hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong giai đoạn này. Dòng cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu dẫn dắt sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường” – ông Trần Xuân Bách cho biết.

Về chiến lược đầu tư, chuyên gia BVSC cho rằng nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 65-80% cổ phiếu. Các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể canh bán trading giảm tỷ trọng danh mục khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự 1250-1265 điểm.