Cột mốc đáng nhớ của thị trường ô tô Việt Nam

Theo Hiệp định Thương mại AFTA, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN sẽ giảm từ 30% xuống còn 0% từ ngày 1/1/2018. Đây là dấu mốc quan trọng trong thị trường ô tô Việt Nam nói riêng và cả ngành công nghiệp xe hơi nói chung.

Ngoài ra, 1/1/2018 còn là thời điểm thuế tiêu thụ đặc biệt giảm còn 35% đối với các dòng xe dung tích 1.5L trở xuống và xe có dung tích giữa 1.5 và 2.0L là 40%. Cả hai đều giảm 5% so với mức thuế áp dụng trước đó.

Với hai mức ưu đãi hấp dẫn trên, khách hàng Việt kỳ vọng sẽ sở hữu được ô tô giá rẻ từ 30 - 40% với so với năm 2017. Nghĩa là một chiếc ô tô có giá 400 triệu sẽ chỉ còn khoảng 300 triệu vào năm 2018.

Ô tô giá rẻ chỉ là một giấc mơ

Trên thực tế, trước và sau thời điểm 1/1/2018 thì ô tô nhập khẩu lại bất ngờ tăng giá hàng loạt. Cụ thể, các mẫu xe bán chạy như Toyota Fortuner đội giá gần cả trăm triệu; Honda CR-V 7 chỗ đắt hơn mức giá công bố và Ford Ranger, Chevrolet Colorado khan hiếm nguồn hàng khiến giá bán tăng cao. Bên cạnh đó, những dòng ô tô mới dự kiến ra mắt khách hàng Việt gồm Toyota Wigo, Toyota Avanza, Honda Jazz, Suzuki Celerio… cũng không hẹn chính xác thời điểm mở bán.

Được biết, tình trạng này xảy ra là do ảnh hưởng của Nghị định 116/2017 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018. Theo đó, các doanh nghiệp muốn nhập khẩu ô tô phải được cấp giấy phép; doanh nghiệp bắt buộc có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô; doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có văn bản hoặc tài liệu xác nhận quyền thay mặt doanh nghiệp quốc tế tiến hành triệu hồi xe nhập khẩu tại Việt Nam; các lô xe nhập khẩu phải kiểm định chất lượng độc lập,...

Trong tất cả các quy định thì việc có giấy chứng nhận ô tô nhập khẩu của cơ quan nước ngoài khiến doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn nhất. Khi thông quan, thời gian ô tô nhập khẩu được xuất cảng sẽ bị đình trệ và làm tăng chi phí đầu vào trên từng mẫu xe.

Hơn nữa, thuế nhập khẩu 0% sẽ chỉ áp dụng cho những mẫu xe hơi đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% trở lên, vì vậy, nhiều dòng ô tô sẽ không được hưởng mức ưu đãi hấp dẫn này. Trong đó, hãng Toyota có lượng xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN nhiều về Việt Nam nhưng không phải mẫu nào cũng đáp ứng tiêu chuẩn nội địa hóa 40%, dẫn đến giá ô tô tăng cao so với mong đợi.

Không dừng lại ở đó, các dòng xe hơi nhập khẩu từ các nước ngoài khu vực ASEAN vẫn phải chịu mức thuế nhập khẩu theo quy định hiện hành. Điển hình như dòng bán tải Chevrolet Colorado nhập khẩu Thái Lan đạt tỷ lệ nội địa hóa 40 % nên có giá bán rẻ hơn chiếc Chevrolet Trax nhập từ Hàn Quốc.

Từ Nghị định 116/2017, ô tô nhập khẩu sẽ chịu sự quản lý nghiêm ngặt của Chính phủ và không phải mẫu xe nào cũng được hưởng thuế 0%. Thế nên, kì vọng về việc mua xe giá rẻ sau 1/1/2018 của khách hàng có lẽ sẽ không thể thực hiện trong thời gian ngắn hạn.