Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2020, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên cả nước thu hút được khoảng 390 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 4,3 tỷ USD.

Theo đó, lũy kế nâng tổng số dự án FDI lên khoảng 9.850 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 194 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện đạt trên 70%.

Theo báo cáo của các Ban Quản lý KCN, KKT, tính từ đầu năm 2020, có khoảng 120 doanh nghiệp trong KCN tạm dừng hoạt động do các nguyên nhân liên quan đến dịch bệnh COVID-19, trong đó các KCN phía Nam như tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động cao hơn.

á

Tính đến cuối tháng 5/2020, cả nước có 336 khu công nghiệp đã thành lập.

Tuy nhiên, vượt qua tác động tiêu cực của dịch COVID-19, các doanh nghiệp ở KCN, KKT vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và mức suy giảm trong 5 tháng đầu năm đã giảm đáng kể. Theo đó, doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN, KKT đạt khoảng 81 tỷ USD, chỉ giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng giá trị xuất khẩu 58 tỷ USD, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến cuối tháng 5/2020, cả nước có 336 khu công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 97,8 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt gần 66 nghìn ha.

Trong 336 khu công nghiệp đã thành lập, có 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 68,8 nghìn ha và 76 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng với tổng diện tích khoảng 29,2 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đang hoạt động đạt khoảng 76,10%.

Hiện có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước đạt khoảng hơn 845 nghìn ha, diện tích đất đã cho thuê trong các khu chức năng trong khu kinh tế đạt trên 40 nghìn ha. Có 37 khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế với tổng diện tích khoảng 15,6 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt gần 10 nghìn ha. Trong 37 khu công nghiệp, có 20 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích khoảng 8,5 nghìn ha và 17 khu công nghiệp đang xây dựng với tổng diện tích đạt khoảng 7,1 nghìn ha.

Làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia khác bắt đầu từ khi chiến tranh thương mại diễn ra. Theo nhiều chuyên gia, dịch bệnh COVID-19 sẽ càng đẩy nhanh tiến trình dịch chuyển này nhanh hơn một khi dịch bệnh trên toàn cầu được kiểm soát.

Cùng với các "mũi giáp công" khác (bao gồm: thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng nội địa), thì thu hút vốn FDI được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm trong bối cảnh các đối tác lớn đang có nhiều động thái thay đổi chiến lược đầu tư kinh doanh, phân tán rủi ro trong đầu tư, nhất là trong đại dịch COVID-19, và Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn bởi môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, thời điểm hiện nay là cơ hội "vàng" để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về "sự tin cậy chiến lược", là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.

Bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, trong 4 tháng đầu năm 2020, Việt Nam thu hút khoảng 12,33 tỷ USD vốn FDI, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019; giải ngân được 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như thông tin mới đây nhất, ông Kenichi Horinouchi, Tổng giám đốc Tập đoàn Mitsubishi Motors Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn này đã bày tỏ dự định về việc tìm kiếm địa điểm thứ 2 để đặt nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam. Và Bình Định mong muốn Mitsubishi sẽ xây dựng nhà máy thứ 2 tại Việt Nam trên đất thuộc Khu công nghiệp Becamex của tỉnh…