Trụ sở TAND huyện Đắk Song.

Trụ sở TAND huyện Đắk Song.

Mới đây, UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông ra thông cáo về quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với 2 lãnh đạo và thẩm phán đang công tác đang công tác trong ngành tòa án vì để cấp dưới lập khống 57 hồ sơ vụ án dân sự ở thời điểm họ đang là lãnh đạo TAND huyện Đắk Song.

Theo đó, ông Phạm Văn Phiếm, Chánh án TAND huyện Tuy Đức, nguyên Chánh án TAND huyện Đắk Song; bà Nguyễn Thị Hải Âu, Phó chánh án TAND huyện Krông Nô, nguyên Phó chánh án TAND huyện Đắk Song; ông Nguyễn Xuân Triệu, thẩm phán TAND huyện Tuy Đức, nguyên thẩm phán TAND huyện Đắk Song cùng nhận hình thức kỷ luật khiển trách.

Việc này đang làm nóng dư luận xã hội với nhiều vấn đề được đặt ra như: Mục đích của việc bịa ra 57 hồ sơ vụ án dân sự giả này để làm gì? Không tham ô, tham nhũng, không cầm tiền của ai, không có tư lợi vì là hồ sơ ảo? Có ý kiến phán đoán rằng, các vị dựng hồ sơ giả vì mục đích thành tích, hoàn thành chỉ tiêu…?

Khách quan mà nói, áp lực hiện nay đối với thẩm phán là rất nặng nề. Như tại các tòa quận, huyện ở TP.HCM, mỗi thẩm phán được phân chỉ tiêu xử xong 7-8 vụ/tháng. Nhưng thực tế, con số này đang là gấp đôi, tức 14-15 vụ/tháng/thẩm phán, vượt xa mức yêu cầu. Hoặc câu chuyện nhiều Thẩm phán, cán bộ ngành tòa án ở Đà Nẵng bỏ việc – xin chuyển ngành vì áp lực công việc quá lớn, trong khi không đủ cán bộ để xử lý vụ án… cũng là vấn đề để chúng ta chia sẻ.

Liên quan vấn đề trên, chánh án một TAND tại TP.HCM nêu quan điểm: “Chỉ tiêu đặt ra là vậy. Nhưng nếu một tháng anh xử xong tám vụ, 10 vụ thậm chí 15 vụ (kệ anh) nhưng cuối năm tổng kết anh chỉ đạt tỉ lệ dưới 85 % thì coi như năm đó anh không hoàn thành nhiệm vụ. Vượt năng suất gấp đôi, thậm chí gấp ba nhưng lại không hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy là quá khắt khe và bất cập”.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, cần phải làm rõ động cơ, mục đích việc lập khống 57 hồ sơ vụ án dân sự, dù là sai phạm như thế nào cũng phải xem xét những chế tài mà pháp luật đã quy định để xử lý công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Không thể có chuyện lấy số lượng vụ án làm thành tích vô lý như vậy. Thành tích của ngành Tòa án chính là đảm bảo không có án oan sai. Về hình sự thì xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Về dân sự thì không thể có chuyện "án dân sự xử sao cũng được".

Cán bộ tòa mà có hành vi vi phạm như vậy kỷ luật khiển trách là rất nương tay. Lẽ ra phải xử lý nặng gấp 2 đến 3 lần. Đảng và Nhà nước đã giao trách nhiệm, hiến pháp, luật cho tòa để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Công chức, viên chức, người có thẩm quyền cao cỡ nào đi nữa khi ra tòa, tòa đều có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, để thụ lý đến 57 vụ án “giả mạo”, tòa phải ban hành các quyết định về việc thụ lý, quyết định phân công thẩm phán thụ lý giải quyết, quyết định đình chỉ... nộp tạm ứng án phí, phải có đơn thư, chữ ký, chữ viết của đương sự. Đồng thời, để có một hồ sơ vụ án sẽ bao gồm rất nhiều tài liệu, chứng cứ trong đó có các giấy tờ của các cơ quan, tổ chức... và các đơn thư văn bản tài liệu của các đương sự trong vụ án. Những vụ án này đã được cơ quan chức năng xác định là không có thật nên các giấy tờ làm căn cứ để thụ lý, giải quyết và đình chỉ sẽ được xác định là các giấy tờ, tài liệu giả.

Do đó, những người làm giả các giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức là cá nhân, tổ chức không có chức vụ quyền hạn sẽ bị xem xét xử lý hình sự về Tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức; tội sử dụng giấy tờ tài liệu giả theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng: “Những hành vi vi phạm của cán bộ công chức, viên chức tòa án như vậy, không thể chỉ khiển trách mà cần xử lý nghiêm ở mức cao để làm gương. Tòa là cán cân công lý, khi nhìn vào tòa án, người ta biết là nơi chính trực, nghiêm minh, công bằng để xử lý theo quy định pháp luật. Do đó không thể chấp nhận hành vi vi phạm như vậy”.

Dẫu có biện minh bằng nhiều lý do gì đi nữa thì việc làm này của Chánh án TAND huyện Tuy Đức (nguyên Chánh án TAND huyện Đắk Song) là “không quân tử, không minh bạch, tạo ra sự bất công, vi phạm đạo đức nghề nghiệp”. Vì vậy, cần phải xử lý cho thỏa đáng, bởi đã là nơi công lý thì càng phải nghiêm minh.