Liên quan đến phản ánh của người dân về việc ô nhiễm môi trường làng nghề phế liệu Tràng Minh, ngày 06/08/2020 khi UBND quận Kiến An quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra, có nhiệm vụ đề xuất xử lý vi phạm hành chính về môi trường, đất đai, xây dựng và các lĩnh vực liên quan tại khu vực tổ dân phố Cấp Tiến 2, phường Tràng Minh. Tổ trưởng do ông Phan Lương Thụy, Phó Chủ tịch UBND quận làm tổ trưởng.

Theo đó, ngày 11/8//2020 UBND quận Kiến An có kế hoạch triển khai nêu rõ Tổ công tác thực hiện trong vòng 45 ngày kể từ ngày 11/8/2020. Yêu cầu Tổ công tác phải thực hiện đúng tiến độ, thời gian và nội dung của kế hoạch quá trình thực hiện phải tuân theo quy định của pháp luật. Kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định và trách nhiệm quản lý nhà nước qua từng thời kỳ.

cơ sở sản xuất tạo hạt nhựa của bà Phạm Thị Hài, cùng một số hộ bên cạnh, nằm ngay sát bờ sông Đa Độ gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Cơ sở sản xuất tạo hạt nhựa của một số hộ tổ 4, tổ 5, Cấp Tiến, phường Tràng Minh bên cạnh, nằm ngay sát bờ sông Đa Độ gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Trước đó, Diễn đàn Doanh nghiệp thông tin, nhiều năm qua những hộ dân sống tại tổ 4, tổ 5 phường Tràng Minh, Kiến An Hải phòng vô cùng bức xúc bởi cơ sở sản xuất tạo hạt nhựa của bà Phạm Thị Hài, cùng một số hộ bên cạnh, nằm ngay sát bờ sông Đa Độ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng ngày có rất nhiều dàn máy tạo hạt nhựa đốt từ nhựa và nilon và đặc biệt các nguyên liệu thừa và rác thải Eva tại các công ty giày da xả thải trực tiếp xuống sông Đa Độ khi chưa qua xử lý. Việc làm này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân trong vùng nói riêng và thành phố nói chung. Được biết, trên sông Đa Độ ngay gần đó có nhà máy nước Cầu Nguyệt, nhiều người dân trong thành phố đang sử dụng nguồn nước sạch của nhà máy này.

Ông H người dân sinh sống tại tổ 4, tổ 5 phường Tràng Minh, (Kiến An, Hải phòng) chia sẻ: "chúng tôi đã gửi đơn nhiều lần đến chính quyền sở tại, đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn như cũ, không hề thay đổi, thậm chí còn nhiều hơn. Hiện nay, họ thuê công nhân người dân tộc làm suốt ngày đêm, xả rác xuống sông Đa Độ nhiều hơn, tiếng ồn và mùi khét kinh khủng, chúng tôi thấy bất lực không biết trông đợi vào ai".

Người dân phản ánh tiếng ồn, mùi khét, khói đen bốc ra từ cơ sở này

Người dân phản ánh tiếng ồn, mùi khét, khói đen bốc ra từ cơ sở này

Trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp bà Hoàng Thị Mai Quyên, Phó trưởng phòng TNMT quận Kiến An cho biết: phường Tràng Minh đặc thù là làng nghề tự phát trước năm 1980 đến nay vẫn chưa được công nhận là làng nghề. Riêng khu Cấp Tiến, chúng tôi kiểm tra có cơ sở nhà bà Hài, ông Mịc, bà Hậu đang hoạt động thu mua, tập kết phế liệu sau đó nghiền thô. Năm 2020 quận Kiến An đã xử phạt và yêu cầu khắc phục hậu quả, nhưng đến nay các hộ vẫn không nộp phạt, quận đang yêu cầu phường đôn đốc các cơ sở thực hiện.

"Công tác bảo vệ môi trường ở Tràng Minh là một bài toán nan giải cho các cơ quan quản lý vì đây là miếng cơm, manh áo của bà con, chúng tôi sẽ vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu. Sắp tới chúng tôi tham mưu cho Chủ tịch UBND quận, báo cáo UBND thành phố điều chỉnh quy hoạch cho phép quận Kiến An có khu tập kết tập trung cho làng nghề", bà Quyên nói.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ cho biết: "chúng tôi đang đợi kết quả kiểm tra từ phía UBND quận Kiến An, được biết hiện nay phía đơn vị sản xuất vẫn đang tiến hành hoạt động bình thường, chưa có dấu hiệu ngừng sản xuất".

Được biết, UBND TP Hải Phòng, Sở Tài nguyên và Môi Trường yêu cầu UBND quận Kiến An, kiểm tra, xác minh làm rõ về hoạt động gây ô nhiễm môi trường của làng nghề nếu có phải xử lý nghiêm hành vi, vi phạm theo quy định.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này…