>> Số ca COVID-19 tử vong giảm mạnh, đại dịch sắp đến hồi kết?

Nhiều nước vẫn đang duy trì các biện pháp phòng dịch COVID-19 dù số ca nhiễm có xu hướng giảm

Nhiều nước vẫn đang duy trì các biện pháp phòng dịch COVID-19 dù số ca nhiễm có xu hướng giảm. Ảnh TTXVN

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước cần duy trì thành quả chống dịch thông qua các biện pháp hữu hiệu, trong đó có việc đẩy mạnh tiêm vaccine, đặc biệt cho những đối tượng có nguy cơ cao, cũng như đảm bảo nguồn cung trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực y tế phù hợp; Đồng thời tiếp tục duy trì xét nghiệm và giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 để giám sát các biến thể, tích hợp các dịch vụ giám sát và xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với các bệnh đường hô hấp khác, trong đó có cúm. 

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định “đại dịch đã qua”. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng nhanh chóng làm rõ rằng bình luận của ông Biden không làm thay đổi quyết định rằng Chính phủ Mỹ vẫn coi COVID-19 là Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, mặc dù Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã nới lỏng hướng dẫn phòng dịch vào tháng trước để cho phép người dân quay trở lại hầu hết các hình thức bình thường.

Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, hiện tại Mỹ chưa đạt đủ các yếu tố cần thiết để tuyên bố chấm dứt dịch COVID-19. "Những người lớn tuổi, người bị suy giảm miễn dịch hoặc tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nhiều nguy cơ vẫn có khả năng diễn tiến bệnh nặng và vẫn có thể cần phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa hơn", ông Fauci nói.

>> Đại dịch COVID-19 sắp kết thúc?

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân

Trên thực tế, WHO có một cách chính thức để xác định sự khởi đầu và kết thúc của một đại dịch: Một ủy ban gồm 18 thành viên gồm các chuyên gia sẽ nhóm họp và đưa ra quyết định, như đã từng làm với bệnh cúm, bại liệt và các dịch bệnh khác. Tuy nhiên, ông Caroline Buckee, một nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Harvard nhận định, sẽ dễ dàng thông báo khi một đại dịch bắt đầu hơn là đưa ra kết luận khi nào kết thúc. "Chúng ta sẽ không có một mốc thời gian cụ thể nào để tuyên bố chấm dứt dịch bệnh. Tuyên bố này cần sự đồng thuận với tỷ lệ cao", chuyên gia Buckee trao đổi với tạp chí trực tuyến Science.

Hiện nay, các nước vẫn đang theo đuổi các chiến dịch phòng chống dịch bệnh khác nhau. Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược zero-Covid, trong khi phần lớn thế giới đã giảm dần các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Do đó, WHO cũng khuyến nghị, về cơ bản, các nước cần bảo đảm có một hệ thống y tế luôn sẵn sàng chăm sóc bệnh nhân, cũng như tích hợp việc điều trị COVID-19 vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu; lập kế hoạch dự phòng các đợt bùng phát với sự chuẩn bị về vật tư, thiết bị và nhân lực y tế phù hợp. 

WHO cũng kêu gọi người dân duy trì các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo vệ các nhân viên y tế và những bệnh nhân không mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, việc thông báo cho người dân về những thay đổi trong chính sách phòng chống đại dịch COVID-19 cũng cần được chú trọng.

Tổng Giám đốc Ghebreyesus nhấn mạnh thế giới có thể đẩy lùi đại dịch COVID-19 nếu tất cả các nước, các nhà sản xuất vaccine, các cộng đồng dân cư và mỗi cá nhân cùng nhau quyết tâm hành động. Hiện nay, các chủng virus vẫn đang tiếp tục gây rủi ro cho sức khỏe của người dân. Do đó, mũi vaccine tăng cường là điều cần thiết khi các biến chủng mới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.