Con đường đế Triều Tiên trở thành đồng minh của Mỹ vẫn còn quá xa vời

Con đường đế Triều Tiên trở thành đồng minh của Mỹ vẫn còn quá xa vời

Sự toan tính của Triều Tiên

Hiện tại, Triều Tiên không có nhiều sự kiên nhẫn dành cho Mỹ. Kể từ sau cuộc gặp lần thứ 3 của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại biên giới liên Triều, lần gần đây nhất quan chức hai bên tiến hành đối thoại tại Stockholm, nhưng đã nhanh chóng đổ vỡ.

Ngay sau đó, hai bên đã có nhiều hành động được cho là khiêu khích lẫn nhau. Trong khi Mỹ cáo buộc Triều Tiên tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân và tên lửa và đang thử nghiệm các tên lửa tầm ngắn, đẩy các binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như người dân các nước này vào thế nguy hiểm; thì Triều Tiên bị Mỹ đưa vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố và cho rằng đây là sự khiêu khích nghiêm trọng, có động cơ chính trị.

Tuy nhiên, Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) hôm qua vẫn đưa ra nhận định, các cuộc đối thoại Mỹ - Triều có thể sẽ sớm được nối lại vào giữa tháng 11 này hoặc muộn nhất là đầu tháng 12 tới. Thậm chí, một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều mới vẫn có thể diễn ra ngay trong năm nay, 

Các học giả cho rằng, việc này xuất phát từ việc ông Kim Jong-un đang muốn tiến tới việc xây dựng một liên minh với Mỹ. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi có nguồn tin cho rằng, trong lần đầu tiên Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau tại Singapore năm 2018, ông Kim đã chia sẻ rằng Triều Tiên muốn đạt được một mối quan hệ chiến lược cơ bản giữa hai nước.

Vậy tại sao Triều Tiên muốn là đồng minh của Mỹ? Giới quan sát cho rằng, điều này xuất phát từ việc Bình Nhưỡng chưa bao giờ tin tưởng người hàng xóm bên cạnh và bây giờ, hơn bao giờ hết, ông Kim muốn chống lại sự gia tăng quyền lực của Bắc Kinh. Đặc biệt, rất có thể điều này được Triều Tiên củng cố sau hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Việt Nam.

Năm 2016, Bắc Kinh đã đồng ý gây áp lực lớn hơn đối với Triều Tiên. Trung Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ các lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi tìm cách hạn chế nhập khẩu vật liệu liên quan đến sản xuất hạt nhân hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế đối với giới thượng lưu Triều Tiên như cấm đi du lịch hoặc cấm nhập khẩu hàng xa xỉ. Trung Quốc cũng đã đồng ý ngăn chặn Bình Nhưỡng giao dịch khoáng sản và than đá.

Trong bài phỏng vấn của New York Times, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Bộ Công an nhận định, chừng nào Triều Tiên còn xung đột với Mỹ, họ sẽ không thể phát triển kinh tế đúng cách.

"Trung Quốc sẽ thử mọi cách thức có thể để giữ Triều Tiên trong vòng kiểm soát vì họ muốn một quốc gia làm "sân sau". Tuy nhiên, Triều Tiên có những điều kiện cần thiết để thoát khỏi sự kìm kẹp của Trung Quốc nếu tăng cường mối quan hệ sâu sắc với Mỹ mà không cần phát triển vũ khí hạt nhân", ông đánh giá.

Hai mục tiêu rộng lớn của Triều Tiên cho tới nay luôn là an ninh quốc gia và cứu trợ kinh tế. Người Triều Tiên đã lưu ý rằng nhu cầu liên quan đến viện trợ và khôi phục nền kinh tế cần đặt lên hàng đầu, nhưng thực chất, an ninh là quốc gia mới là mối quan tâm chính. 

Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã đánh giá sai Triều Tiên khi mới chỉ yêu cầu Triều Tiên xóa bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân mà không bao giờ để ý đến việc ông Kim thực sự muốn gì. Do vậy, chính quyền Mỹ vẫn chưa đưa bất cứ điều gì liên quan đến việc xây dựng một liên minh với Triều Tiên lên bàn đàm phán dẫn đến việc Bình Nhưỡng không sẵn sàng thảo luận chi tiết tất cả các bước để hoàn thành việc phi hạt nhân hóa.

Con đường không dễ dàng

Mỹ và Triều Tiên cần xây dựng lòng tin trước khi tính đến những bước đi lâu dài

Mỹ và Triều Tiên cần xây dựng lòng tin trước khi tính đến những bước đi lâu dài

Tuy nhiên, con đường trở thành đồng minh Mỹ của Triều Tiên sẽ không dễ dàng. Gần như lhông có khả năng để Quốc hội Mỹ chấp nhận việc này khi phần lớn các Nghị sĩ Mỹ cho rằng, Triều Tiên là mối nguy hiểm lớn luôn thường trực. 

Ngay cả với chính bản thân Mỹ, để Triều Tiên trở thành một đồng minh là nước cờ mạo hiểm. Nếu quân đội Mỹ thay thế sự hiện diện tại Hàn Quốc bằng Triều Tiên, điều này sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực ở Đông Bắc Á và có khả năng khơi dậy sự nghi ngờ ở Bắc Kinh. Điều đó sẽ không làm tăng cường an ninh cho khu vực mà có thể sẽ dẫn tới một cuộc xung đột tiềm tàng. 

Bên cạnh đó, phe bảo thủ ở Seoul khó có thể coi viễn cảnh Mỹ chấp thuận xây dựng liên minh với Triều Tiên với sự bình tĩnh. Thậm chí, chính phủ Nhật Bản cũng sẽ có nhiều sức ép nếu Mỹ thực hiện ý định để Triều Tiên trở thành đồng minh tại khu vực châu Á.

Do đó, để giải quyết các mối quan tâm về an ninh của Triều Tiên sẽ cần có một cách tiếp cận toàn diện, có liên quan đến tất cả các chủ thể trong khu vực trong các cuộc đàm phán song song dẫn đến mối quan hệ đối tác an ninh với Mỹ.

Cụ thể, các chuyên gia cho rằng có thể bắt đầu tiến trình hòa bình ba hoặc bốn bên trên bán đảo Triều Tiên bằng tuyên bố kết thúc chiến tranh và cam kết đàm phán một hiệp ước hòa bình. Đồng thời, thiết lập một khu vực không có vũ khí hạt nhân sẽ cung cấp một cách thức ràng buộc về mặt pháp lý trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. 

Điều này cũng có thể đóng vai trò như một sự bảo đảm cho Triều Tiên, một khi quốc gia này được chứng minh là không sở hữu vũ khí hạt nhân, thì Triều Tiên sẽ không phải là đối tượng của bất kỳ mối lo ngại nào từ phía Mỹ; cùng như Triều Tiên sẽ được bảo vệ để chống lại sự tấn công của bất kỳ quốc gia nào khác. 

Có thể thấy, sẽ mất rất nhiều thời gian và kiên nhẫn để Bình Nhưỡng và Washington tạo ra sự thay đổi căn bản trong mối quan hệ giữa hai quốc gia. Điều này sẽ không xảy ra trong vòng một hoặc hai năm tới. Trong khi đó, hai bên có thể từng bước cam kết với các biện pháp xây dựng lòng tin lẫn nhau để tiến tới mục đích xa hơn trong tương lai.