Để có cát phục vụ các công trình tại địa phương, một đoàn xe mang biển kiểm soát Thừa Thiên- Huế đã vào Quảng Nam để thu mua khoáng sản rồi vận chuyển trở về.

<p/>Doanh nghiệp thản nhiên vi phạm nhưng lực lượng chức năng lại cho biết chưa phát hiện và xử lý trường hợp vi phạm nào.

Doanh nghiệp thản nhiên vi phạm nhưng lực lượng chức năng lại cho biết chưa phát hiện và xử lý trường hợp vi phạm nào.

Doanh nghiệp thản nhiên vi phạm

Suốt một thời gian dài, đoàn xe mang biển kiểm soát Thừa Thiên - Huế (xe Huế) vào Quảng Nam để thu mua cát phục vụ các dự án tại địa phương này. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển thì lái xe và chủ doanh nghiệp vận tải đã không nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về an toàn giao thông.

Trong đó, hầu hết các phương tiện đều mang tải trọng khủng, và chở đến quá tải, quá khổ. Và trên tuyến đường từ 14B ra đến đường tránh thành phố Đà Nẵng, những phương tiện này dễ dàng di chuyển mà không gặp trở ngại từ lực lượng chức năng.

Là địa phương trực tiếp quản lý khoảng sản và việc chuyên chở của các phương tiện, thế nhưng lực lượng Công an huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) lại tỏ ra dửng dưng với đoàn xe Huế này. Điều này khiến dư luận khó hiểu khi “binh đoàn” xe này hoạt động rầm rộ tại địa phương một cách ngang nhiên.

Phóng viên DĐDN liên hệ với Đại tá Nguyễn Giới – Trưởng Công an huyện Đại Lộc để tìm hiểu thêm thông tin nhưng bất thành bởi người này liên tục bận họp. Trao đổi qua điện thoại, ông Giới cho biết vấn đề xe quá tải trên địa bàn đã có báo cáo định kỳ và kiểm tra là việc mà lực lượng chức năng làm việc hằng ngày.

“Lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm soát, tuần tra trên các tuyến đường và đã có báo cáo với các ngành, cấp trên. Còn xe Huế thì anh cứ ra đường làm việc chứ gặp chỗ giao thông làm gì? Còn việc xử lý khi phát hiện thì sẽ có biện pháp xử lý thôi”, Trưởng Công an huyện Đại Lộc trao đổi qua điện thoại.

Chưa phát hiện vi phạm?

Qua trao đổi, Thượng tá Nguyễn Hoài Nam – Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt Quảng Nam thừa nhận doanh nghiệp vận tải chở quá tải nhưng nếu tập trung xử lý thì phải xử lý chủ doanh nghiệp nặng gấp 4 lần. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến doanh nghiệp phải bán xe hoặc đẩy giá thành cao lên. Như thế, cả cộng đồng sẽ bị bất lợi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đoàn xe Huế chuyên chở vật liệu để phục vụ cho dự án tại Huế. Do đó, việc không xử lý các vi phạm về an toàn giao thông không thể lý giải bằng việc lợi ích của người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, việc suốt một thời gian dài trước khi dịch COVID-19 trở lại địa phương không phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm khiến dư luận khó hiểu.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an huyện Đại Lộc và Công an các huyện, thị xã ra quân và duy trì thường xuyên việc tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe có hành vi vi phạm. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các lực lượng kiên quyết buộc tháo dỡ, cắt bỏ thành, thùng xe cơi nới trái phép. Đối với các chủ mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát, đá) không chấp hành thực hiện, thường xuyên để xảy ra tình trạng bốc xếp vật liệu lên xe qua tải trọng, Sở Giao thông Vận tải báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam và Sở Tài nguyên Môi trường biết, không giải quyết việc gia hạn hoặc có biện pháp chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản theo giấy phép được cấp.

Kỳ II: Doanh nghiệp “giỏi” đối phó