Theo báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) công bố sáng ngày 28/4 , kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là lĩnh vực cải thiện mạnh mẽ nhất trong năm 2019. Ở cấp quốc gia và cấp xã, tỷ lệ người dân cho rằng tham nhũng có xu hướng giảm cao hơn so với tỷ lệ năm 2018 khoảng 5%.

Dẫu vậy, vẫn có tới 45% người dân được khảo sát cho rằng, cần phải đưa lót tay để có việc làm trong khu vực nhà nước. 18% người được hỏi đồng ý một phần với nhận định này. Điều này cho thấy tuyển dụng nhân lực vào khu vực công còn gây nhiều bức xúc trong công chúng.

Khách quan mà nói, công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng một bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Song, mục tiêu này rất khó đạt được, nhất là khi thân quen và lót tay là những yếu tố quyết định sự thành bại của một cá nhân khi xin việc vào khu vực công.

Thực tế, sinh viên trong nước tỷ lệ ra trường thì nhiều, số lượng tuyển lại hạn chế. Người có nhu cầu cần phải vào, muốn được vào, sẽ được vào cao, nhưng tỷ lệ “muốn cũng không được” lại cao hơn nữa. Do đó, trong dân gian mới truyền nhau câu cửa miệng “Nhất hậu duệ. Nhì quan hệ. Thứ ba tiền tệ. Thứ tư mới là trí tuệ.”

Đâu đâu người dân cũng phản ánh, nói về chuyện muốn xin vào công chức thì phải “chạy”. Người ta nói 100 triệu hay vài trăm triệu nhưng đó cũng chỉ là những lời truyền tai, nhưng mức giá này trước đây nếu là 1 thì tương lai có thể phải tăng lên gấp 5-10 lần. Thậm chí có tiền, cũng chưa chắc đã vào được công chức.

Vì vào công chức không chỉ để nhận lương, vào công chức còn mong muốn kiếm được bổng lộc. Và trong tương lai cán bộ, công chức sẽ là ước mơ của nhiều người, đây sẽ là lựa chọn tuyệt vời nhất.

Theo Bộ luật Hình sự và các luật liên quan, người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn mà nhận tiền hoặc lợi ích vật chất từ 2 triệu đồng là có thể bị cáo buộc nhận hối lộ.

Và người dân phàn nàn rất nhiều về tình trạng tham nhũng, mong muốn chống tham nhũng, nhưng có chuyện người dân lại tự mình chấp nhận thỏa hiệp.

Minh chứng là xã hội từng “nóng” về câu chuyện của một nữ giảng viên trẻ chia sẻ khi xin việc vào một trường đại học ở Hà Nội rằng: “Không tố giác hành vi nhận hối lộ, vì đó là quy luật của xã hội rồi. Bỏ ra chút tiền cho được việc. Hơn nữa, đối thủ đi ‘cửa sau’, chả lẽ mình lại dửng dưng. Bây giờ cả xã hội như vậy rồi, mình tố giác xong bị cô lập thì chết à”.

Còn trên diễn đàn Quốc hội thời gian qua, tham nhũng được nhiều đại biểu mô tả như “giặc nội xâm” trên mặt trận không có tiếng súng, nhưng ác liệt hơn ngoài chiến trường. Và thứ mà chúng phá hoại là những rường cột xã hội được gọi là niềm tin. Tuy nhiên, cái khó nhất chính là đụng chạm trực tiếp đến người thân, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và không loại trừ cả cấp trên.

Theo đó, cái gọi là “chủ nghĩa vị thân” và quan hệ cá nhân trong tuyển dụng nhân lực đã trở thành vấn nạn trong khu vực công. “Đây là vấn đề nhức nhối, bộ máy nhà nước sẽ bị méo mó bởi đội ngũ công chức được vào làm việc bằng con đường lót tay, thân quen thay cho những người giỏi, có năng lực thực sự” - TS Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES) nêu quan điểm.

Tất cả nó làm cho người người dân, trong sự bất lực với cái chép miệng “Việt Nam mình nó thế”. Còn thấm thía hơn rằng sự cau có, gắt gỏng, coi thường, làm khó đó sẽ ngay lập tức trở thành một nụ cười nếu họ biết điều. Điều gì? Là “không phải nói một là một, hai là hai”. Là phải “bắn” thật mạnh mới có thể qua “bốt”.

Không thể phủ nhận trong hệ thống công vẫn có nhiều cán bộ tử tế, liêm chính liêm khiết, họ làm việc vì cái tâm và trách nhiệm. Nhưng ngược lại cũng nhiều cán bộ, công chức luôn muốn tìm kiếm lợi ích cá nhân từ vị trí của mình. Và sẽ còn cần nhiều năm nữa để làm giảm bớt được tình trạng “Việt Nam mình nó thế”, ngay từ trong tư duy của cả người xin việc và cán bộ tham nhũng.

Có thể nói, “tham – sân – si” là câu chuyện của con người. không có gì phải bàn cãi. Nhưng làm sao hạn chế được phần tham trong con người cũng một phần nhờ ở thể chế. Khi thể chế hướng tới sự rõ ràng, công khai, minh bạch, dân chủ, nơi người dân có công cụ để giám sát hoạt động của khu vực công, dám tố giác những hành vi xấu, thì “tham – sân – si” không có điều kiện để phát triển.

Cuối cùng, xin mượn lời của bà Đỗ Thanh Huyền - chuyên gia chính sách công của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam rằng: “Con người như là dòng máu trong hệ thống nhà nước. Dòng máu khỏe thì cơ thể nhà nước sẽ khỏe và ngược lại. Nhưng bên cạnh đó, còn là việc đường ống có thông suốt hay không. Đường ống chính là hệ thống, là thể chế. Nếu có chỗ tắc nghẽn cũng gây cản trở phát triển. Vì vậy phải sửa cả hai thứ.”