Giới kinh doanh chứng kiến mạng xã hội đang có hai xu hướng chính:

Thứ nhất là sự tích hợp của mảng thương mại, khi mà các tính năng giao dịch, mua bán và thanh toán đang dần trở thành một phần của các nền tảng mạng xã hội.

Thứ hai là sự “tách rời” của mảng nội dung, khi khoảng 17 triệu nhà sáng tạo đang thu lợi nhuận trực tiếp từ người xem hay các bản hợp đồng khác, mà dòng tiền không thông qua một nền tảng trung gian.

Lý do cho xu hướng thứ nhất tương đối dễ hiểu, khi các công ty phải tận dụng những gì có thể để thu thập thông tin người dùng trong bối cảnh bài toán về quyền riêng tư đang “nóng” hơn bao giờ hết.

Apple đang “siết” quyền khai thác dữ liệu của các công ty như Facebook hay TikTok, trong khi các gã khổng lồ công nghệ đã có sẵn “tài sản” là lượng thông tin khổng lồ qua nhiều năm hoạt động - họ có khả năng làm được nhiều thứ hơn là những công ty thông thường.

Thế nên có thể xem các nền tảng mạng xã hội hiện nay như một dạng trung tâm thương mại khổng lồ với nhiều “cửa hàng” và “khu giải trí”.

Nếu các nhãn hàng lớn như Nike thường dựa vào mô hình bán lẻ truyền thống thì giờ đây họ đang chuyển đổi để tiếp cận trực tiếp khách hàng. Nike đã cắt quyền phân phối với ít nhất sáu đối tác, chiếm 30% doanh thu của họ năm 2019. Rất có khả năng các sàn giao dịch điện tử sẽ phải “nhường sân” (hay “gia nhập") các mạng xã hội. Theo nghiên cứu thì tính năng mua sắm của Facebook đã mang lại doanh số nhiều hơn cho các cửa hàng độc lập.

Còn lý do cho xu hướng thứ hai? Có lẽ các nhà sáng tạo nội dung đã nhận ra mình bị “chèn ép” trên mạng xã hội như thế nào, khi thuật toán tính doanh thu và xây dựng cộng đồng người xem đang không đứng về phía họ.

Lấy ví dụ, cùng một nội dung nhưng bạn có thể sẽ được YouTube trả nhiều tiền hơn là Instagram, thậm chí Spotify sẽ trích hoa hồng cho bạn - nhưng đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong con số doanh thu thực sự mà các nền tảng này kiếm được. Theo lẽ dĩ nhiên, bạn sẽ không ai muốn tài khoản của mình “bấp bênh” và “vô định” như vậy.

Từ đó, các mô hình kiếm tiền trực tiếp ra đời làm một giải pháp hữu hiệu cho giới sáng tạo.

Nhưng điều đó có ý nghĩa gì với hoạt động tiếp thị? Ở thời điểm này, mạng xã hội sẽ là nơi để nhãn hàng thử nghiệm các chiêu thức marketing trước khi chọn một chiến lược cụ thể - nói cách khác, bạn sẽ cần ưu tiên trước nhất cho “mặt trận ảo” này.

Cách tiếp cận khách hàng cũng sẽ khác khi người dùng đang tập trung theo cụm tại những nền tảng riêng. Các quảng cáo hướng đối tượng sẽ “mệt mỏi” hơn khi nghĩ đến việc phải tiếp cận khách hàng thông qua hàng nghìn bản tin Substack hay nhóm sáng tạo nội dung trên OnlyFans.

Bản chất của mạng internet là vậy - luôn biến đổi không ngừng. Nhưng các nhà làm marketing có thể thấy một viễn cảnh ngay trước mắt, khi mạng xã hội thành “chợ” còn người dùng thì “ở nhà riêng”.