Doanh nghiệp lạc quan

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), 9 tháng đầu năm 2018 đạt 26,87 tỷ USD, tăng 16,57% so với cùng kỳ, tăng mạnh so với tốc độ tăng 9,8% của cùng kỳ 2017 so với 2016 và hoàn thành 79% kế hoạch xuất khẩu cả năm.

Nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu của ngành dệt may cũng tăng mạnh, tương đương với tốc độ tăng xuất khẩu. 9 tháng qua, chi nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt kim ngạch 16,36 tỷ USD, tăng 16,49%.

VITAS nhận định, từ đầu năm đến nay, các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt và các thị trường CPTPP, Hàn Quốc, Trung Quốc ... tăng trưởng mạnh, vượt trội so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, chiến tranh thương mại Trung – Mỹ được xem là cơ hội lớn cho ngành dệt may, với các mặt hàng bứt phá mạnh là áo thun, quần, áo jacket, váy, vest..

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, 9 tháng đầu năm, sản xuất của ngành dệt may đều đạt tăng trưởng cao. Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 434,7 triệu m2, tăng 14,3%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 806,3 triệu m2, tăng 19,9%; quần áo mặc thường ước đạt 3.549 triệu cái, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Thuận lợi về thị trường, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu tăng mạnh, trong đó nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cho biết, 8 tháng 2018, TCM đạt doanh thu khoảng 105 triệu USD, tương đương 2.467,5 tỷ đồng, vượt kế hoạch 8 tháng 14% và hoàn thành 80% kế hoạch cả năm 2018.

Lợi nhuận sau thuế 8 tháng đạt 7,9 triệu USD, tương đương 185,65 tỷ đồng, vượt 44% kế hoạch 8 tháng và hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018.

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cũng thông báo khả quan về kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2018. Doanh thu thực hiện ghi nhận đạt 2.359 tỷ đồng, hoàn thành 86% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 117,7 tỷ đồng, hoàn thành 93% kế hoạch năm và tăng 154% so với cùng kỳ năm 2017.

Với kết quả tích cực trên, công ty dự kiến doanh thu cả năm nay có thể vượt 25% kế hoạch, đạt khoảng 3.450 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng có thể vượt 24% kế hoạch, đạt 157 tỷ đồng.

3 tháng còn lại của năm 2018 là thời điểm "vàng" để các doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Với tình hình thị trường và đơn hàng như hiện tại, VITAS dự báo, đích ngắm 35 tỷ USD là hiện thực với ngành dệt may trong năm 2018.

Những thách thức cần vượt qua

Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM Phạm Xuân Hồng cho biết, dệt may luôn được đánh giá là ngành có lợi thế xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định. Chẳng hạn như nguồn nhân lực yếu, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn nguyên liệu.

“Muốn hội nhập, các doanh nghiệp cần lựa chọn thiết bị từ các nước công nghiệp tiên tiến, công nghệ mới nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hóa và có thêm nguồn nguyên - phụ liệu; chủ động đáp ứng nhu cầu khách mua hàng nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm”, ông Phạm Xuân Hồng đề nghị.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay cạnh tranh trong ngành dệt may rất gay gắt, quá trình hội nhập ngày càng sâu và toàn diện đem đến nhiều cơ hội phát triển thị trường, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị dệt may cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp. Mức độ cạnh tranh được dự báo sẽ gay gắt hơn trong bối cảnh tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực dệt may và công nghệ thông tin tạo ra những thay đổi nhanh chóng về phương thức sản xuất và cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng.

Do vậy, doanh nghiệp muốn tồn tại phải tăng năng suất lao động, đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ mới. Áp dụng công nghệ để hướng vào khâu thiết kế thời trang chứ không chỉ dừng lại ở việc gia công. Mặt khác, việc phát triển các nhà máy thông minh, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất có thể bắt nguồn từ những ý tưởng và nguồn nhân lực sẵn có trong các nhà máy thông thường. Để phát huy sức sáng tạo này, cơ quan nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về đào tạo với những chương trình phù hợp trong bối cảnh công nghệ hiện đại. Nhà nước cần tiếp tục đóng vai trò “bà đỡ” tháo gỡ những vướng mắc về cơ sở hạ tầng; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ trong khâu sản xuất mà còn ở cấp quản lý doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cần giảm bớt chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức lại sản xuất.