Vào chiều ngày 20/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan về xuất khẩu gạo. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tạm ứng trước hạn ngạch 100.000 tấn gạo từ hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2020, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hiện có gạo tồn đọng tại cảng nhưng chưa mở được tờ khai hải quan. Riêng về mặt hàng gạo nếp, Phó Thủ tướng chỉ đạo, trước mắt việc xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường. Ngoài ra, tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng khác.

Gạo xuất khẩu đang bốc xếp lên tàu ở cảng Mỹ Thới vào ngày 21/4

Gạo xuất khẩu đang bốc xếp lên tàu ở cảng Mỹ Thới vào ngày 21/4 - Ảnh: Vĩnh Sơn

Theo tinh thần cuộc họp nói trên, chiều ngày 21/4, PV Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Hùng - Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, về việc triển khai thực hiện tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại An Giang. Ông Hùng cho biết, đây là họp giữa Phó Thủ tướng với các Bộ, ngành nên chưa triển khai đến địa phương. Ông chỉ biết tinh thần cuộc họp thông qua báo chí.

Ông Hùng cho hay, vào ngày mai (22/4), tại TP. HCM sẽ có cuộc họp do Bộ Công thương chủ trì. Theo ông nắm, trong số 400.000 tấn gạo xuất khẩu (theo quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020, về việc công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4/2020, số lượng 400.000 tấn - PV) thì xuất qua cảng Mỹ Thới (An Giang) có nhiều doanh nghiệp và ở các tỉnh. Trong đó tỉnh An Giang chỉ có hai doanh nghiệp mở được tờ khai hải quan với số lượng 3.550 tấn. Còn nhiều doanh nghiệp khác ở An Giang chưa mở được tờ khai hải quan.  

Trao đổi với PV vào khoảng 16 giờ chiều ngày 21/4, ông Lê Ái Quân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Mỹ Thới cho biết, tinh thần cuộc họp ngày 20/4 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cũng chưa triển khai đến nơi đây. Ông cũng chỉ nắm thông tin qua báo chí.

Ông Quân cho hay, ngày mai (22/4) tại TP. HCM sẽ họp do Bộ Công thương chủ trì, bàn việc giải quyết hàng hóa tồn đọng tại cảng. Cấp trên mới gửi yêu cầu thống kê hàng hóa tồn đọng đến Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Mỹ Thới vào sáng 21/4 nên nơi đây đang gấp gút làm và chưa có số liệu chính thức.

Theo ông Quân, ở cảng Mỹ Thới có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo mà phía Công ty Cổ phần An Giang (công ty quản lý cảng) mới nắm sát hơn Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Mỹ Thới về lượng hàng hóa tồn đọng. Bởi phía công ty này làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp. Do vậy, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Mỹ Thới đang phối hợp với công ty này thống kê, nắm lại số lượng hàng hóa tồn đọng và chủng loại một cách chính xác, nhằm phục vụ cho cuộc họp ngày 22/4.

Ông Quân còn cho biết, thực hiện theo quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4/2020 (số lượng 400.000 tấn) thì tờ khai đăng ký không chỉ có doanh nghiệp ở An Giang mà có cả các doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng đăng ký xuất khẩu gạo qua cảng Mỹ Thới.

Cụ thể có 13 doanh nghiệp đăng ký và đang thực hiện thủ tục hải quan bình thường. Trong số 13 doanh nghiệp mở tờ khai hải quan xuất khẩu tổng số khoảng 100.000 tấn gạo từ ngày 10/4, thì đến nay đã xuất được khoảng 55.000 tấn qua cảng Mỹ Thới. Những doanh nghiệp chưa mở được tờ khai do hết hạn ngạch, thì tại cảng Mỹ Thới hiện còn nhiều doanh nghiệp và hàng hóa tồn tại cảng.

Về gạo nếp thì chưa có công văn triển khai chính thức nên hải quan chưa thực hiện. Gạo nếp có tồn hay không và số lượng bao nhiêu ở cảng Mỹ Thới thì cũng đang thống kê. Còn giải quyết hàng tồn như thế nào (cả gạo lẫn gạo nếp xuất khẩu - PV) thì phải chờ cuộc họp ngày mai (22/4) mới biết được”, ông Quân chia sẻ.

Được biết, An Giang là một trong những tỉnh trồng lúa và nếp có sản lượng lớn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Lượng lúa gạo sẽ sản xuất trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh này dự kiến vào khoảng 4 triệu tấn lúa, quy ra khoảng 2 triệu tấn gạo.

An Giang còn có diện tích gieo trồng nếp hàng năm vào khoảng 115.000ha (tương đương 747.500 tấn nếp chưa bốc vỏ). Địa bàn trọng điểm trồng nếp là tại huyện Phú Tân. Ngoài ra An Giang còn có khoảng 10.000ha lúa Japonica (hạt tròn) với sản lượng khoảng 75.000 tấn lúa/năm. Do mục tiêu sản xuất hai loại sản phẩm này chủ yếu để xuất khẩu nên đây cũng là vấn đề quan tâm của nông dân, doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh này.