LTS: Phát biểu tại lễ khởi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chỉ khi kết cấu cơ sở hạ tầng tốt, hiện đại thì kinh tế mới có thể cất cánh mạnh mẽ, lúc đó mới có thể đón những nhà đầu tư lớn đến làm ăn lâu dài.

 Dự án sân bay Long Thành khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực và đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển của thế giới. Ảnh: Quang Hiếu

Dự án sân bay Long Thành khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực và đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển của thế giới. Ảnh: Quang Hiếu

TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công - Trường ĐH Fulbright Việt Nam phân tích: Khi sân bay Long Thành mở ra, những hạ tầng kết nối phải được xây dựng đồng bộ sẽ định hình lại hạ tầng cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tạo ra một cú hích về hạ tầng giao thông đồng bộ, bài bản hơn.

Nhân đôi lợi thế

Về mặt kinh tế, Long Thành được định hướng trở thành sân bay trung chuyển trong khu vực cũng như quốc tế. Hiện nay, nhiệm vụ này đang “nằm trong tay” các “ông lớn” như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan. Nếu Long Thành được đầu tư xây dựng theo đúng mục tiêu ban đầu và vận hành, kết nối tốt, TP.HCM sẽ trở thành điểm đến, san sẻ một phần khách trung chuyển, trước hết là một số nước Đông Dương, sau đó mở rộng ra dần tới châu lục và thế giới.

Tuy nhiên, sân bay không phải ốc đảo, điểm trung chuyển không đơn thuần chỉ là đầu mối đi lại. Muốn Long Thành hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy hết vai trò, khả năng của mình thì phải gắn liền với tốc độ đi lên của nền kinh tế. “Sân bay Long Thành hoàn thiện đúng thời điểm TP.HCM bắt đầu xây dựng TP.Thủ Đức - một đô thị mới của TP.HCM nói riêng và cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung. Với những cơ chế mới, định hướng phát triển mới, khối sân bay Long Thành và TP Thủ Đức sẽ thúc đẩy nhau, hỗ trợ qua lại với nhau, tạo thành một cú hích đẩy rất mạnh kinh tế TP HCM và toàn vùng”, ông Du đánh giá.

Đồng tình, TS Phạm Văn Hùng, Phó phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, khẳng định sân bay Long Thành tác động rất mạnh đến nền kinh tế, không chỉ mang tầm TP, vùng mà định hướng phát triển tầm quốc gia. Giao thông càng thuận lợi, thương mại, kinh tế, xuất khẩu hàng hóa càng tăng, kinh tế càng phát triển mạnh. Với định hướng phục vụ khách quốc tế cho toàn vùng chủ yếu dồn về Long Thành, cảng hàng không này sẽ là yếu tố quan trọng để vùng kinh tế phía nam nâng sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Hiện nay, phía nam đã có cảng biển Cái Mép - Thị Vải trực tiếp vận chuyển hàng hóa đi các nước, không phải qua trung chuyển. Nay, có thêm cảng hàng không quy mô quốc tế liên kết, hỗ trợ, tác động lẫn nhau sẽ tạo ra sức hút rất lớn, tạo thêm nhiều mối quan hệ hàng hóa, tạo ra những bước đi nhanh, dài và càng chắc chắn hơn cho nền kinh tế.

Phối cảnh dự án sân bay quốc tế Long Thành.

Phối cảnh dự án sân bay quốc tế Long Thành.

Nối dài sự phát triển

Tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trong Top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của nước ta, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây cũng là dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay.

Theo một tổ chức quốc tế của Australia đánh giá, sân bay này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3-5%. Tỉnh Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, kể cả một số tỉnh Tây Nam Bộ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng sớm có phương án kết nối giao thông với sân bay Long Thành một cách đồng bộ, kể cả phát triển đô thị, các khu du lịch, dịch vụ, trong đó hệ thống giao thông kết nối sân bay gồm ba tuyến đường bộ và hai tuyến đường sắt.

Những tuyến này cùng với sân bay Long Thành mở ra không gian phát triển mới cho vùng nhờ kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới thiên về sản xuất dịch vụ, tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nền kinh tế.

Sân bay Long Thành sau năm 2030 sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á vì lý do chính là vị trí địa lý với 3 giờ bay có thể bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới không chỉ kinh tế mà cả an ninh quốc phòng.