>> Diễn biến trái chiều phân khúc biệt thự, liền kề Hà Nội

Loay hoay xử lý

Phản hồi kiến nghị trên, Bộ Xây dựng cho biết, theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ Thông tư 05/2021/TT-TTCP ngày 1-10-2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng chuyển đơn đến UBND TP Hà Nội để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định pháp luật và thông báo kết quả giải quyết đến Bộ Xây dựng.

Biệt thự xây dựng sai phạm tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.

Theo quy hoạch được phê duyệt, công trình biệt thự số 9 lô B (khu biệt thự 5,2 ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) được quy định về quy mô xây dựng công trình là 3 tầng, mật độ xây dựng tối đa 33%, hệ số sử dụng đất 1,00. Ngày 12.11.2020, UBND quận Cầu Giấy đã cấp Giấy phép xây dựng số 638/GPXD cho ông Phạm Văn Duyên và bà Vũ Thị Thu Hà với quy mô 3 tầng nổi, mật độ xây dựng 25,2%.

Tuy nhiên, công trình này đã tự ý xây thêm tầng áp mái và xây hầm, mật độ xây dựng là 50%, sai quy mô số tầng và mật độ xây dựng so với giấy phép xây dựng được cấp, gây bức xúc dư luận.

Đáng chú ý, trước các sai phạm trên, UBND quận Cầu Giấy, cho biết quá trình xử lý các vi phạm tại công trình này, chính quyền quận Cầu Giấy và UBND phường Yên Hoà đã có rất nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ phần công trình vi phạm nhưng chủ đầu tư không thực hiện. Chính quyền địa phương sau đó đã có quyết định đình chỉ thi công công trình, đồng thời yêu cầu các bên liên quan thiết lập và trình hồ sơ cưỡng chế theo quy định.

Ngày 7-1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết UBND TP Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo, yêu cầu UBND quận Cầu Giấy kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng của các tổ chức, cá nhân tại công trình xây dựng số 09.

Đến ngày 17-1, Văn phòng Trung ương Đảng đề nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội thông báo kết quả xử lý sai phạm tại biệt thự nêu trên.

Mới đây, ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra vi phạm trật tự xây dựng liên quan công trình biệt thự trên.

Nhiều công trình liên tiếp xảy ra sai phạm nhưng chỉ bị phạt trên giấy và cho tồn tại (ảnh: dự án Phương Đông Green Park)

Trên thực tế, tại Hà Nội, hiện tượng công trình xây dựng sai phép không còn là chuyện mới. Hồi cuối năm 2020, Thanh tra Bộ Xây dựng có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Xây dựng về việc kiểm tra, xác minh đối với những tồn tại trong đầu tư xây dựng tại hàng loạt dự án trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên xử lý không dứt điểm.

Có trường hợp tiếp tay cho sai phạm

Đơn cử như công trình tại số 226 và công trình số 235 trên đường K2 nâng chiều cao mái khoảng 50 cm so với căn bản chấp thuận của UBND quận Nam Từ Liêm hiện đã đưa vào sử dụng. Hay dù chỉ được cấp phép xây nhà trên khu đất ở nhưng chủ đầu tư công trình tại thôn Đồi Vua (xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) ngang nhiên xây thêm công trình có quy mô "khủng" cao đến 9 tầng trên đất trồng cây lâu năm.

Theo các chuyên gia, vấn nạn xây nhà trái phép, không phép ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua ở TP. Hà Nội chủ yếu do sự buông lỏng của chính quyền một số quận, huyện và cơ sở trong thời gian dài, thậm chí có biểu hiện trù dập cán bộ khi phanh phui.

Đối với các trường hợp cố tình tiếp tay cho sai phạm, theo ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, chính quyền các cấp của TP cần có các cơ chế điều chỉnh, ràng buộc để cán bộ công chức không dám vi phạm; khi vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng không e dè, vị nể.

"Chỉ khi nêu cao kỷ cương kỷ luật trong đội ngũ cán bộ công chức mới mong dẹp được nạn thỏa hiệp, tiêu cực trong lĩnh vực xây dựng" - ông Nghiêm khẳng định.