Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (UPCoM: PVX) tiếp tục bán công ty con để cứu Công ty mẹ thoát cảnh khỏi thua lỗ.
Tuy nhiên với khó khăn, thách thức như hiện nay, PVX khó có thể xoay chuyển tình thế, nhất là khi các báo cáo kiểm toán còn nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của PVX do có tới gần 1.122 tỷ đồng nợ quá hạn thanh toán...
Từ trước năm 2020, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của PVX đạt 152%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đạt 277%/năm. Tuy nhiên với việc mở rộng hoạt động tổng thầu EPC các dự án nhà máy nhiệt điện, thủy điện, sản xuất công nghiệp và xây lắp nhà máy lọc dầu cùng với tác động tiêu cực của thị trường thế giới, PVX đã rơi vòng xoáy thua lỗ…
Theo BCTC hợp nhất năm 2020, khoản lỗ lũy kế của PVX lên tới 4.050 tỷ đồng, trong đó riêng lỗ lũy kế của Công ty mẹ đã lên tới 3.710 tỷ đồng, tương đương 92%. Trong năm 2020, PVX lỗ ròng 215 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn so với khoản lỗ 393 tỷ đồng của năm 2019.
4.050 tỷ đồng là khoản lỗ lũy kế hợp nhất của PVX tính đến cuối năm 2020, trong đó hơn 90% thuộc công ty mẹ.
Tính đến thời điểm này, PVX vẫn đang giữ vai trò là tổng thầu EPC của dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Mặc dù nỗ lực lớn để đẩy nhanh tiến độ, nhưng dự án này vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó có vướng mắc về cơ chế nguồn vốn chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện giải ngân.
Đến nay, danh mục các công ty liên kết của PVX vẫn còn 11 doanh nghiệp, trong đó có tới 8 doanh nghiệp đã được trích lập dự phòng giảm giá khoản đầu tư lên tới 100%. Giá gốc của các khoản đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết đạt hơn 760 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý chỉ gần 34 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PVX cũng đã dự phòng cho phần lớn các khoản phải thu. Các khoản trích lập dự phòng này cũng là nguyên nhân chính dẫn đến khoản thua lỗ của PVX trong 5 năm qua.
Đến cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của công ty mẹ chỉ còn 367 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ vẫn lên tới 4.655 tỷ đồng, gấp 12,6 lần quy mô vốn tự có. Việc PVX thua lỗ triển miên cũng kéo theo loạt ý kiến từ chối của các công ty kiểm toán, khiến cổ phiếu PVX bị hủy niêm yết bắt buộc từ 9/6/2020. Hiện cổ phiếu này đang giao dịch quanh mức 2.000 đồng/cp. Như vậy, khoản đầu tư của các cổ đông theo định giá thị trường “bốc hơi” tới 76%.
Để cứu mình thoát khỏi cảnh thua lỗ, PVX đã bán ra phần vốn góp tại Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí – Idico và PVC Land với giá trị sổ sách lần lượt là 136 tỷ đồng và 203 tỷ đồng. Trước đó, PVX đã phải trích lập dự phòng hơn 220 tỷ đồng tại 2 doanh nghiệp trên.
Dù thoái vốn tại các công ty con trong năm 2020, nhưng lưu chuyển dòng tiền hoạt động kinh doanh hợp nhất âm hơn 129 tỷ đồng, lưu chuyển dòng tiền tài chính cũng âm 136 tỷ đồng. Theo Ban Lãnh đạo Công ty, việc bán các công ty con, công ty liên kết là giải pháp duy nhất cứu PVX thoát khỏi nguy cơ thua lỗ. Tuy nhiên, điều này khó giúp PVX thoát khỏi khó khăn hiện nay.
Ngoài hoạt động xây lắp truyền thống, PVX đang có hàng loạt dự án mở rộng, kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên với việc thua lỗ hiện nay cùng sự xuống dốc của thị trường bất động sản, PVX cũng gặp nhiều khó khăn trong triển khai các dự án này, nhất là khi phải đối mặt với cả vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của ngành xây lắp và bất động sản trong thời gian tới dự báo vẫn tiếp tục trầm lắng. Đây cũng sẽ là thách thức rất lớn đối với các ngành nghề mà PVX theo đuổi. Nếu như kéo dài nguy cơ thua lỗ, doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với khả năng phá sản trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm