VSIP Quảng Ngãi đầu tư đồng bộ hạ tầng và hoàn thiện các khu chức năng nhằm thu hút và tìm kiếm các nhà đầu tư.
Cơ hội đầu tư và nhiều điều kiện thuận lợi dành cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào Quảng Ngãi nói chung và khu công nghiệp VSIP nói riêng đã được giới thiệu đến các đại diện doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại hội thảo "Quang Ngai - Your next effective manufacturing location" vừa được tổ chức tại Đà Nẵng ngày15/6.
Môi trường đầu tư nhiều cải thiện
Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Với môi trường kinh doanh luôn được cải thiện Quảng Ngãi mang lại cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp, PCI năm 2017 là 63,16 điểm, tăng 4,11 điểm so 2016. Cao nhất từ trước đến nay, đứng vị trí 25/63 tỉnh, thành cũng là tỉnh thành nằm trong top 10 tỉnh thành phố cải thiện chỉ số PCI gốc nhiều nhất giai đoạn 2006-2017.
Trong đó, các lĩnh vực cải thiện trong năm 2017 của tỉnh Quảng Ngãi đều nằm ở các chỉ số có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp như dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, tính năng động, chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý.
Cũng theo ông Quang, Quảng Ngãi có hạ tầng đáp ứng tốt cho hoạt độngsản xuất kinh doanh. Điểm số về cơ sở hạ tầng của Quảng Ngãi đứng thứ 12/63 tỉnh, thành (68,31/100 điểm) và vị trí thứ 3/12 tỉnh duyên hải Miền Trung; nằm trong vùng có chỉ số hạ tầng cao so với cả nước bao gồm: Đà Nẵng ở vị trí thứ 2. Quảng Nam vị trí thứ 8, Bình định vị trí thứ 15 và Thừa Thiên Huế vị trí thứ 30.
"Kết quả thu hút đầu tư FDI, phát triển doanh nghiệp 2017 Quảng Ngãi có 4.524 doanh nghiệp, đứng thứ 6/11 tỉnh về số lượng doanh nghiệp, 750 doanh nghiệp thành lập mới đứng thứ 5/11 tỉnh về số lượng. Vốn đăng ký bình quân gấp 2 lần bình quân cả nước và 2,5 lần các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm", Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho biết.
Thống kê của tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính đến tháng 5/2018, Quảng Ngãi có 547 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 12 tỷ USD, trong đó KKT Dung Quất (Diện tích KKT vào khoảng 45000 ha) và các KCN chiếm chủ yếu với 282 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 11,2 tỷ USD (có 43 FDI: 1,3 tỷ USD).
Theo ông Lê Hàn Phong - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN): Tỉnh Quảng Ngãi cơ sở hạ tầng thuận lợi của Quảng Ngãi là một trong những điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư. Cụ thể, thứ nhất, về cảng nước sâu Dung Quất (diện tích: 1158ha; 10km đường bờ) đã có hạ tầng đê chắn sóng 1,6km và đê chắn cát 1,5km; chia làm 3 phân khu. Gồm khu cảng tổng hợp (có 7 bến cảng, trọng tải 30 nghìn đến 50 nghìn tấn), khu cảng dầu khí (1 phao SPM, trọng tải 80 nghìn tấn, 6 bến xuất, trọng tải 10 nghìn đến 50 nghìn tấn) và khu cảng chuyên dùng (Cảng Doosan, Hòa Phát; Đóng tàu với trọng tải 20 – 100 nghìn tấn). Đây là những điều kiện tạo nên việc vận tải đường biển trở nên dễ dàng.
Về giao thông, đường bộ của tỉnh kết nối tốt khi có cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài 130km, có tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 24, 24 B, 24 , các tuyến đường nội bộ trong KKT, có đường sắt Bắc Nam và Sân bay Chu Lai với nhiều chuyển bay tới TP Hồ Chi Minh và Hà Nội hàng ngày, kết nối các khu vực. Các tiện ích khác phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh như điện, nước, khu xử lý chất thải rắn… và trường học, siêu thị, bệnh viện đều đã được bố trí đầu tư đồng bộ. Theo Phó ban KKT Dung Quất, giao thông thuận lợi là một điều kiện thu hút quan trọng mà các nhà đầu tư cần xem xét.
Ưu đãi đặc thù
Thuế suất dành cho doanh nghiệp cũng là một vấn đề quan trọng, chia sẻ với các nhà đầu tư tiềm năng, đại diện ban quản lý KKT cho biết, KKT Dung Quất và các KCN bao gồm VSIP Quảng Ngãi có đầy đủ các ưu đãi thuế vượt trội theo quy định như đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất 10% trong 15 năm đầu, giảm 50% thuế suất cho 9 năm tiếp theo; Thuế thu nhập cá nhân cũng giảm 50%, miễn Thuế nhập khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm 5 năm đầu (đối với nguyên liệu, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được).
Về nguồn nhân lực, hiện nay, trong KKT Dung Quất và các KCN có 36,840 lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 64%, số lượng sinh viên – học sinh chuẩn bị gia nhập vào đội ngũ lao động cũng khá lớn tại tỉnh này, theo thống kê vào khoảng 12.000 người – là lực lượng lao động tại chỗ tiềm năng trong tương lai gần, ông Phong cho biết.
Thủ tục cấp phép lao động nước ngoài cũng được các nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm tại hội thảo, ông Phong cho biết, nếu doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, thủ tục người lao động nước ngoài sẽ được cấp phép trong 1 ngày thay vì 7 ngày thời hạn quy định, việc xác nhận lao động nước ngoài cũng sẽ được tiến hành trong 1 ngày thay vì 3 ngày theo thời hạn quy định, đại diện ban quản lý KKT nói.
Đặc biệt, nhà đầu tư khi đăng ký đầu tư vào VSIP Quảng Ngãi, tổ 1 cửa tại khu vực này đã được cơ cấu đầy đủ các cơ quan từ tỉnh, huyện, các sở ngành liên quan… để có thể cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư chỉ trong 1 ngày.
Cần biết tận dụng các ưu đãi, hỗ trợ
VSIP là liên doanh giữa Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex IDC (đóng góp 49% vào VSIP) và liên minh các nhà đầu tư Singapore do Sembcorp dẫn đầu (đóng góp 51%). Ông Nguyễn Chí Toàn - Giám đốc Marketing cao cấp của VSIP khu vực miền Nam và miền Trung cho biết, trong khi, Sembcorp hoạt động mạnh ở các lĩnh vực hàng hải, năng lượng, điện, xây dựng, phát triển khu đô thị và khu công nghiệp thì Becamex Bình Dương là một trong những công ty lớn nhất của Việt Nam về phát triển các khu công nghiệp.
Với 6 khu VSIP ở 6 địa chỉ khác nhau trên cả nước (VSIP Quảng Ngãi, Bình Dương 1, Bình Dương 2, Bắc Ninh, Hải Dương, Nghệ An) có tổng diện tích là 7.428 ha, quy mô tổng vốn đầu tư 12 tỷ USD, thu hút 750 khách hàng và tạo ra việc làm cho 218.000 lao động, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 là 34 tỷ USD.
Theo ông Toàn, ngoài những đặc điểm ưu thế chung của VSIP, VSIP Quảng Ngãi còn mang những giá trị đặc trưng của con người Quảng Ngãi và điều kiện chiến lược nơi đây. Hiện VSIP Quảng Ngãi có diện tích 1700 ha, đã có 19 dự án lớn được đầu tư tại đây.
Chỉ cách Đà Nẵng 123km, đây là khu công nghiệp đang được VSIP đầu tư một hệ thống cơ sở thuận tiện phục vụ cho doanh nghiệp nhằm thu hút nhà đầu tư, ông Toàn nói.
Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Tuấn - Đại diện đến từ Deloitte Việt Nam, đối tác tư vấn dịch vụ thuế khi trình bày về các thách thức đối với nhà đầu tư nước ngoài về thuế và hải quan ở Việt Nam và giải pháp hiệu quả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thành đúng các hồ sơ, bộ giấy tờ thủ tục ngay từ ban đầu khi xác định các điều kiện đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể hơn, nhà đầu tư đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài cần nắm rõ các ưu đãi thuế, hải quan được áp dụng để điền vào bộ chứng từ nếu không sẽ mất đi quyền lời khi hồ sơ được duyệt, cũng như rất nhiều các yêu cầu cần hoàn thiện khác. Như vậy, doanh nghiệp cần lựa chọn cho mình các đối tác, các bên hỗ trợ chuyên nghiệp, uy tín để thực hiện có hiệu quả các công việc này với chính quyền, ông Tuấn nhấn mạnh.