Sáng nay (24/5), Quốc hội bàn thảo tại nghị trường dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) trước khi nhấn nút thông qua tại kỳ họp lần này.
Có thể bạn quan tâm
19:35, 23/11/2017
15:24, 08/11/2017
Cụ thể, tại phiên buổi sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi); Cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này gồm 9 chương, 68 điều. Dự thảo Luật đã được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4; sau đó tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) đã được Văn phòng Quốc hội gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Ủy ban Pháp luật đã gửi đến các cơ quan, tổ chức có liên quan góp ý cho Dự án Luật này. Tính đến ngày 26/4/2018, đã có 59 Đoàn đại biểu Quốc hội và 17 cơ quan, tổ chức gửi văn bản cho ý kiến về dự án Luật.
Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), nhiều ý kiến nhất trí với Điều 1 trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị sửa đổi Điều 1 như sau: “Luật này quy định về quan hệ pháp luật tố cáo, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo”; “Luật này quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, giữ bí mật và bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết tố cáo”; đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “Tố cáo hành vi vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức”. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về “đối tượng áp dụng” trong Dự thảo Luật.
Về giải thích từ ngữ (Điều 2), một số ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 1 chủ thể tố cáo là “cơ quan”, “tổ chức”, “pháp nhân”, “tập thể”, “cá nhân nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam”, “người đứng đầu cơ quan, tổ chức”. Có ý kiến đề nghị thay từ “bất cứ” bằng từ “bất kỳ”; thay từ “báo cho” bằng từ “cung cấp thông tin cho” ở khoản 1; sửa đổi điểm a khoản 1 như sau “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền và trong hoạt động công vụ”; bổ sung nội dung “tố cáo hành vi đe dọa gây ra thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân”; “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng” vào điểm c khoản 1.
Có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng bị tố cáo là “người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước”, “Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân” vào khoản 2; bỏ cụm từ “đã thực hiện” tại điểm b khoản 2; bỏ điểm c khoản 2; bỏ cụm từ “của cán bộ, công chức, viên chức” ở điểm c khoản 2; bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào cuối điểm c khoản 2; bổ sung đoạn “hoặc người không phải là cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức” vào cuối điểm c khoản 2.
Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “và thực hiện” vào sau cụm từ “chấp hành” ở khoản 3; đề nghị sửa đổi khoản 4 như sau “Người tố cáo là cá nhân có đầy đủ quyền công dân, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thực hiện việc tố cáo”; bổ sung chủ thể là “tổ chức” sau cụm từ “cá nhân” tại khoản 4; chỉnh lý khoản 4 để thống nhất với khoản 1 Điều 23; đề nghị thay khái niệm “người tố cáo”, “người bị tố cáo”, “người giải quyết tố cáo” thành “Chủ thể tố cáo”, “Chủ thể bị tố cáo” hoặc “đối tượng bị tố cáo”, “Chủ thể giải quyết tố cáo” ở khoản 5; sửa đổi khoản 6 như sau: "Người giải quyết tố cáo là người có thẩm quyền đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân giải quyết tố cáo"; sửa đổi khoản 7 như sau “Giải quyết tố cáo là việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo, xử lý tố cáo và công khai kết luận nội dung tố cáo, việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo”; bổ sung cụm từ “, công khai kết luận nội dung tố cáo” vào sau cụm từ “kết luận nội dung tố cáo”.
Có ý kiến đề nghị giải thích các cụm từ: “vụ việc phức tạp”, “vụ việc đặc biệt phức tạp”, “có cơ sở để xác định hành vi vi phạm để thụ lý”, “chứng cứ trong tố cáo”, “hành vi vi phạm pháp luật”, “hành vi công vụ”, “không còn là cán bộ, công chức, viên chức”, “bồi thường”, “bồi hoàn”, “bảo vệ người tố cáo”, “cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận tố cáo”.
Về áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo (Điều 3), có ý kiến đề nghị bỏ Điều 3 hoặc bỏ quy định tại khoản 1; bỏ nội dung “Trường hợp luật khác có quy định khác về tố cáo và giải quyết tố cáo thì áp dụng quy định của luật đó”; sửa đổi khoản 1 điều chỉnh đối với tất cả hoạt động về tố cáo và giải quyết tố cáo; đề nghị chỉ rõ các luật có quy định khác về tố cáo, giải quyết tố cáo để loại trừ ở khoản 1 Điều 3; Có ý kiến đề nghị bỏ khoản 2, vì quy định như khoản 1 đã đầy đủ; bổ sung cụm từ “các quy định khác có liên quan” vào cuối khoản 2; bổ sung áp dụng pháp luật trường hợp người tố cáo không phải là công dân Việt Nam; bổ sung quy định “Trường hợp các điều ước quốc tế có quy định khác thì áp dụng các điều ước quốc tế đó”. Đề nghị giữ lại quy định của khoản 1 Điều 3 của Luật Tố cáo hiện hành.
Về nguyên tắc giải quyết tố cáo (Điều 4), có ý kiến đề nghị gộp Điều 4 với Điều 7 thành một điều; bổ sung từ “đầy đủ” sau từ “kịp thời”, cụm từ “và nội dung tố cáo” sau từ “thời hạn” ở khoản 1; chỉnh lý khoản 1 như sau: “Việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, triệt để, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật, phải làm rõ, kết luận được đối tượng tố cáo, nội dung tố cáo đúng hay sai”.
Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “và những người có liên quan” sau từ “người tố cáo”, cụm từ “về người và tài sản” vào sau cụm từ “bảo đảm an toàn”, cụm từ “bí mật thông tin” sau cụm từ “Việc giải quyết tố cáo phải đảm bảo an toàn”. Đề nghị bổ sung nguyên tắc “Việc xử lý tố cáo phải đảm bảo trách nhiệm pháp lý tương xứng giữa người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo”, “Bình đẳng, không phân biệt đối xử trong giải quyết tố cáo”, “khuyến khích, động viên người dân tham gia tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí góp phần xây dựng nhà nước của Nhân dân trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, “Trong trường hợp xác minh đối tượng bị tố cáo, nội dung tố cáo mà phát hiện đối tượng mới, nội dung mới có liên quan phải báo cáo cá nhân, cơ quan có thẩm quyền xin ý kiến chỉ đạo”.
Về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giải quyết tố cáo (Điều 6), một số ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm phối hợp của “cá nhân”; Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “đối với thông tin thuộc bí mật Nhà nước thì việc cung cấp phải nêu rõ lý do”; “Trường hợp cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giải quyết tố cáo không cung cấp được hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời thì phải có văn trả lời rõ lý do”; Có ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ cho việc quy định thời hạn là 07 ngày làm việc; đề nghị quy định là 10 ngày làm việc; quy định cụ thể về trách nhiệm và xử lý trong trường hợp tham gia, phối hợp chưa hết trách nhiệm của từng cơ quan trong công tác phối hợp giải quyết tố cáo…
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận một số vấn đề còn ý kiến khác nhau: Về hình thức tố cáo (Điều 22); thời hiệu tố cáo (Điều 27); quy định rút tố cáo (Điều 33); cấp giải quyết tố cáo cuối cùng (Điều 29, 37); bảo vệ người tố cáo (Chương VI) và một số vấn đề cụ thể khác.
Đối với hình thức tố cáo, hiện nay vẫn có ý kiến đề nghị chỉ quy định hai hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Tuy nhiên, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng hình thức tố cáo để phù hợp với sự phát triển của xã hội, đồng thời ghi nhận các hình thức tố cáo đã được quy định trong các luật khác. Do vậy, dự thảo đang được nghiên cứu để bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại.
Để bảo đảm tính khả thi của việc mở rộng hình thức tố cáo, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các hình thức tố cáo mới được ghi nhận để tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, lợi dụng quyền tố cáo để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.