Quỹ bình ổn giá xăng dầu lạm chi gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp

Thy Hằng 26/04/2019 17:54

Chuyên gia nhấn mạnh, Quỹ bình ổn mà không đủ bình ổn thì phải điều hành theo cơ chế thị trường, phải nâng giá xăng dầu lên. Điều hành giá xăng dầu mà để doanh nghiệp lỗ là không phù hợp.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, cựu Chủ tịch Petrolimex, cách trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu vừa qua là một vấn đề đáng quan ngại. "Quỹ bình ổn xăng dầu đang bị lạm chi. Đây là nét mới trong các năm qua, chưa bao giờ có", ông Bảo nhấn mạnh. 

quý I/2019 đã có 9 trên tổng số 28 doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu âm Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Quý I/2019 đã có 9 trên tổng số 28 doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu âm Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Càng nhập bán càng lỗ

Phó chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam phân tích, khi quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp âm, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ phải vay ngân hàng để bù lại. Chẳng hạn với Petrolimex, quý I/2019 doanh nghiệp báo lãi 1.500 tỷ đồng, trong đó tính cả phần 500 tỷ đồng đã trích cho Quỹ bình ổn xăng dầu Petrolimex từ ngày 31/12/2018. Vì thế lợi nhuận thực còn khoảng 1.000 tỷ đồng. Nếu ước tính với số âm thì Quỹ bình ổn hiện ở mức 500 tỉ đồng, nếu tiếp tục xả Quỹ bình ổn sẽ gây bội chi quỹ.

Báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho thấy, ước số dư quỹ bình ổn tại doanh nghiệp này khoảng 380-400 tỉ đồng. Đây là con số ước tính và đã được làm tròn.

Tương tự, tại Tổng công ty Dầu Việt Nam, số dư quỹ bình ổn cũng ở tình trạng âm. Còn tại Công ty TNHH Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), theo đại diện doanh nghiệp, quỹ bình ổn còn tiền nhưng con số không nhiều và sẽ sớm sử dụng hết với tình hình chi như hiện nay.

Do đó, Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu nhận định, nếu nhà điều hành tiếp tục quyết định xả Quỹ bình ổn, sẽ gây bội chi quỹ này. "Đây là rủi ro cực lớn cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đi vay ngân hàng bù lại, nhưng nếu không có khoản hoàn trả thì ngân hàng có thể dừng cho vay. Chúng ta sử dụng Quỹ bình ổn song phải làm sao bảo đảm duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Chính sách sử dụng, trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng cần xem xét lại", ông Bảo nói thêm. 

Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: "Thường khi quỹ âm, doanh nghiệp sẽ phải đi vay hoặc dùng nguồn dự phòng để bù đắp, trong khi việc thu hồi để cân bằng lại quỹ này khó một sớm một chiều”.

Thậm chí, các doanh nghiệp cho rằng, âm quỹ bình ổn kéo dài khiến doanh nghiệp đầu mối gặp khó khăn trong hoạt động khi rơi vào tình trạng “càng nhập bán càng lỗ". 

Cụ thể, báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy, quỹ bình ổn xăng dầu của Petrolimex từ mức 1.910 tỷ đồng thời điểm ngày 1/1 đến thời điểm kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào ngày 17/4/2019 đã bị âm 240 tỷ đồng.

Tổng công ty Dầu Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, số dư đến thời điểm 2/4 đã là âm hơn 304,4 tỉ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Công Thương muốn đóng dấu mật thông tin giá điện, xăng dầu

    Bộ Công Thương muốn đóng dấu mật thông tin giá điện, xăng dầu

    16:01, 26/04/2019

  • Bộ Công Thương lý giải vì sao giá xăng dầu

    Bộ Công Thương lý giải vì sao giá xăng dầu "leo thang" mức gần 1.500 đồng/lít

    18:51, 02/04/2019

  • Xăng dầu Tây Nam Bộp/bị “tố” chưa minh bạch

    Xăng dầu Tây Nam Bộ bị “tố” chưa minh bạch

    11:12, 04/04/2019

  • Câu chuyện minh bạch xăng dầu

    Câu chuyện minh bạch xăng dầu

    05:00, 17/03/2019

 Tại các doanh nghiệp có mức tiêu thụ thấp hơn, tình hình quỹ bình ổn khả quan hơn đôi chút. Ông Lê Thanh Mân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) cho biết, quỹ bình ổn tại đây hiện đã tăng trở lại, lên mức hơn 10 tỉ đồng, sau khi đã hết vào ngày 2/4. Nguyên nhân là do mặt hàng dầu đã được ngừng sử dụng quỹ bình ổn từ 2/4 và doanh thu mặt hàng này tại đây chiếm tới 30% tổng doanh thu bán ra. 

Cho phép giá bán xăng dầu cạnh tranh trong biên độ

Thực tế, Quỹ bình ổn xăng dầu đã được nhà điều hành xả mạnh từ quý IV/2018 và những tháng đầu năm 2019. Thống kê từ Bộ Công Thương cho biết, quý I/2019 đã có 9 trên tổng số 28 doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu âm Quỹ bình ổn giá xăng dầu. 

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất 17/4, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục xả Quỹ bình ổn 1.456 đồng với mỗi lít xăng E5 RON 92; 743 đồng với RON 95.

Trước đó kỳ điều hành ngày 2/4, mức xả Quỹ bình ổn với xăng E5 RON92 là 2.042 đồng một lít, xăng RON 95 là 1.304 đồng. Để giữ giá tại kỳ điều hành ngày 18/3, nhà điều hành phải chi mạnh Quỹ bình ổn xăng dầu, 2.801 đồng một lít với E5 RON 92 và RON 95 bù 2.061 đồng.

Còn ngày 2/3, mức trích Quỹ bình ổn với mỗi lít xăng E5 RON 92 là 2.000 đồng và 1.250 đồng với RON 95... Còn thống kê năm 2018, nhà điều hành đã xả 1.600 tỷ đồng từ Quỹ bình ổn để bù biến động giá xăng dầu. 

Việc liên tục trích Quỹ bình ổn ở mức cao khiến các doanh nghiệp càng bán càng lỗ, giảm lợi nhuận. Do đó, Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, khi doanh nghiệp ứng tiền để bù Quỹ bình ổn thì Nhà nước cần có chính sách để họ không bị thiệt, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.  

Có cùng quan điểm, Chuyên gia kinh tế ông Doanh nhận định, Quỹ bình ổn mà không đủ bình ổn thì phải điều hành theo cơ chế thị trường, phải nâng giá xăng dầu lên. Điều hành giá xăng dầu mà để doanh nghiệp lỗ là không phù hợp.

“Thị trường xăng dầu hiện nay thiếu tính cạnh tranh. Tôi cho rằng, cần xem xét cho phép giá xăng dầu cạnh tranh trong một biên độ nhất định, tránh tình trạng tất cả tổng công ty, tổng đại lý, các cửa hàng đều có giá bán như nhau. Điều này không thể thúc đẩy cạnh tranh. Nếu thị trường không cạnh tranh bằng giá thì cạnh tranh bằng cái gì? Cách quản lý Quỹ Bình ổn cần thay đổi”, ông Doanh nêu ý kiến. 

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng, cách điều hành giá xăng dầu qua Quỹ như vậy làm cho giá xăng dầu không phản ánh đúng giá thật, không đúng giá thị trường, mang tính hành chính can thiệp vào kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, điều này làm cho doanh nghiệp nhỏ khốn khổ vì quỹ bình ổn giá, doanh nghiệp bị âm quỹ .

“Kinh tế thị trường làm gì có chuyện dùng một công cụ bí mật để can thiệp thị trường. Tôi cho Quỹ bình ổn giá là một công cụ bí mật của nhà điều hành, nên bỏ đi. Hiệp hội đã kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá khi xây dựng Nghị định 83 nhưng không ai nghe, không phản hồi”, ông Ruệ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quỹ bình ổn giá xăng dầu lạm chi gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO